Áp lực tỷ giá cuối năm

Việc lãi suất USD có khả năng điều chỉnh tăng trong thời gian tới sẽ tạo áp lực khá mạnh lên tỷ giá. Ngoài ra, do các đồng tiền trong khu vực hoặc các nước có nhiều mặt hàng cạnh tranh xuất khẩu với chúng ta điều chỉnh tỷ giá.

Có giữ được biên độ cam kết?

Ngày 3-8, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) công bố báo cáo tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2015. Theo đó, những ảnh hưởng, áp lực đối với tỷ giá USD/VNĐ những tháng cuối năm được nhìn nhận là có.

Theo báo cáo của NHNN, thị trường ngoại hối tiếp tục duy trì ổn định trong tháng qua, tỷ giá USD/VNĐ chủ yếu đi ngang trong biên độ 21.805-21.815 đồng. Các yếu tố giúp thị trường ngoại hối duy trì sự ổn định do sự nhất quán trong điều hành tỷ giá; mức giá định hướng bán ra của nhà điều hành 21.820 đồng vẫn giữ vai trò ngưỡng chặn trên vững chắc của thị trường.

Ở nguồn cung, riêng kiều hối năm nay theo dự kiến có thể lên tới 13-14 tỷ USD. Cùng với đó là vốn FDI giải ngân 6 tháng đầu năm 2015 đạt 6,3 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2014.

Tuy nhiên, UBGSTCQG đưa ra dự báo sẽ có những ảnh hưởng, áp lực nhất định đối với mục tiêu điều hành tỷ giá trong những tháng cuối năm. Cụ thể, trong nước do yếu tố mùa vụ nên cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao; đặc biệt trong bối cảnh sản xuất phục hồi tốt, khu vực doanh nghiệp mở rộng quy mô.

Yếu tố tác động từ bên ngoài là triển vọng tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) vào cuối năm, làm tăng xu hướng đảo chiều của dòng vốn gián tiếp ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam và làm giảm tính hấp dẫn của VNĐ. Bằng chứng là kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục là điểm sáng của kinh tế thế giới khi đón nhận nhiều thông tin tích cực trong tháng 6.

Trước những tín hiệu khả quan này, Hoa Kỳ đã hạ dự báo thâm hụt ngân sách năm 2015 xuống 455 tỷ USD, giảm 128 tỷ USD so với mức ước tính đưa ra hồi tháng 2, nhờ cắt giảm chi tiêu và nguồn thu ngân sách ước tăng cao. Điều này sẽ làm tăng khả năng FED nâng lãi suất vào cuối năm nay.

Theo thông tin từ NHNN, tính đến cuối tháng 7-2015, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 37 tỷ USD, nếu tính thêm các khoản khác vào khoảng 40 tỷ USD, riêng vàng có 10 tấn. Nhóm phân tích của BIDV nhận định, NHNN hoàn toàn có thể bán ra đến 5-6 tỷ USD, tương đương với mức thâm hụt cán cân thương mại trong kịch bản xấu.

Vì vậy, đánh giá của BIDV nếu thị trường không xuất hiện đồng thời các cú sốc lớn, nhiều khả năng NHNN sẽ hoàn thành mục tiêu điều hành tỷ giá trong năm nay. Phó Thống đốc NHNN bà Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định: “Cam kết giữ ổn định và không phá giá từ nay đến cuối năm. Sẵn sàng bán ra can thiệp và thực tế đã bán ra can thiệp”.

Theo một chuyên gia về ngoại hối, với sự phục hồi của nền kinh tế, thâm hụt thương mại được kỳ vọng sẽ duy trì xu hướng tăng lên trong những tháng cuối năm do đó sẽ có những áp lực lên tỷ giá trong từng thời điểm nhất định. Song tỷ giá thời gian qua ổn định nhờ nguồn vốn FDI, ODA, FII và kiều hối. Ở chiều ngược lại, theo nhận định của một NH nước ngoài, với dự trữ ngoại hối hiện nay, NHNN hoàn toàn có đủ khả năng can thiệp hỗ trợ thanh khoản cho thị trường khi cần thiết.

Áp lực rất lớn

Một trong những lý do NHNN Việt Nam còn phải xem xét chính sách không tăng tỷ giá, theo nhận định từ các chuyên gia tiền tệ là để giảm việc giữ USD và vàng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, cạnh tranh gia tăng đang ăn vào phần lợi nhuận thu từ ngoại hối của Việt Nam.

Đồng thời, trước sức ép đồng USD hồi phục và khả năng FED tăng lãi suất tạo áp lực lên tỷ giá và tỷ giá VNĐ/USD được kỳ vọng tăng vào cuối năm nay. HSBC cho rằng, nền kinh tế Việt Nam thông thương với bên ngoài thông qua giao dịch thương mại và du lịch. Trong khi GDP phát triển ở mức thấp quý đầu năm dường như vẫn chưa phải một kết quả có tính bền vững. Xuất khẩu chung giảm trong khi xuất khẩu của các công ty trong nước đi xuống.

Điều này cho thấy, VNĐ tăng giá trên cơ sở tỷ giá thực hữu dụng đang ăn vào lợi nhuận của các công ty Việt Nam. Quý I-2015, thâm hụt thương mại của các công ty trong nước tăng tới 3,8 tỷ USD so với con số 2,4 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Phần thâm hụt của các công ty này ở mức 1,8 tỷ USD trong quý I-2015, chiếm tỷ trọng lớn trong thâm hụt thương mại toàn Việt Nam.

Trong khi đó các công ty đầu tư nước ngoài có thặng dư thương mại tăng tới 3,5 tỷ USD trong quý I-2015, từ mức 2 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, một khu vực khác đang chịu áp lực là du lịch. Cạnh tranh gia tăng đang ăn vào phần lợi nhuận thu từ ngoại hối của Việt Nam.

Tỷ lệ du khách tới Việt Nam giảm 13,7% vào quý I so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với điều này, đồng yen, EUR và AUD yếu đi cũng làm giảm số du khách, nhất là du khách từ Trung Quốc lục địa tới Việt Nam, dẫn tới giảm sút về tài khoản vãng lai.

Có một cam kết là NHNN sẽ không giảm giá đồng Việt Nam quá mức 2% trong năm nay, nhưng thực tế NHNN đã sử dụng hết biên độ 2%. Mục tiêu của NHNN đảm bảo sự ổn định giá cả, thanh khoản và quản lý rủi ro của hệ thống tài chính. Sự ổn định của tỷ giá là một dấu hiệu của nền kinh tế ổn định hơn, tạo thanh khoản, sự vận hành của nền kinh tế và đảm bảo tín dụng được phân bổ hợp lý vào những khu vực đang phát triển tốt.

Nhu cầu mua ngoại tệ của các doanh nghiệp cho thanh toán xuất nhập khẩu và chuyển lợi nhuận về nước được đánh giá tăng khá ở thời điểm cuối quý II-2015, cộng với thâm hụt thương mại cũng tăng lên trong những tháng gần đây đã có những áp lực lên tỷ giá.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin