Áp thuế Giá trị gia tăng 5% cho phân bón: Điều gì sẽ xảy ra, doanh nghiệp nào hưởng lợi?

Theo quy định hiện tại, người dùng cuối không phải chịu thuế GTGT cho phân bón, trong khi các doanh nghiệp phân bón không được hoàn thuế GTGT đối với chi phí sản xuất.

TIN MỚI

Để bảo vệ thị trường phân bón trong nước, duy trì an ninh lương thực và giảm sự phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, đề xuất thay đổi quy định thuế Giá trị gia tăng – GTGT (từ không chịu thuế GTGT sang chịu 5% thuế GTGT) đối với các doanh nghiệp phân bón đã được trình lên Quốc hội vào tháng 6/2024, sau đó tiếp tục được thảo luận trong cuộc họp tháng 11.

Nếu được thông qua, CTCK SSI kỳ vọng luật thuế mới sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2025.

Áp thuế Giá trị gia tăng 5% cho phân bón: Điều gì sẽ xảy ra, doanh nghiệp nào hưởng lợi?- Ảnh 1.

Trong quá khứ, Nghị quyết 71/2014/QH13 đã phân loại mặt hàng phân bón vào diện không chịu thuế GTGT từ tháng 1/2015.

Theo đó, người dùng cuối không phải chịu thuế GTGT cho phân bón, trong khi các doanh nghiệp phân bón không được hoàn thuế GTGT đối với chi phí sản xuất. Trong đó, chi phí nguyên vật liệu chiếm khoảng 50-80% tổng chi phí sản xuất.

Nguyên vật liệu chính để sản xuất phân bón là khí tự nhiên, than và quặng phốt phát. Theo thống kê của SSI, tổng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp phân bón nội địa đã tăng từ tháng 1/2015, do không được khấu trừ thuế GTGT.

Tất cả những điều này khiến phân bón sản xuất trong nước kém cạnh tranh hơn so với phân bón nhập khẩu, trong đó các doanh nghiệp sản xuất phân bón nước ngoài có thể yêu cầu hoàn thuế GTGT cho chi phí sản xuất tại quốc gia của họ.

Áp thuế Giá trị gia tăng 5% cho phân bón: Điều gì sẽ xảy ra, doanh nghiệp nào hưởng lợi?- Ảnh 2.

Các công ty phân bón đã bị ảnh hưởng ra sao khi phân bón không chịu thuế GTGT?

Số liệu của Hiệp hội phân bón cho biết, chi phí tăng thêm do không được hoàn/khấu trừ thuế GTGT của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, Đạm Phú Mỹ) mỗi năm khoảng 400 tỷ đồng. Đây là một ví dụ về tác động của chính sách phân bón không chịu thuế GTGT.

Giải thích cụ thể sự biến động của các chi phí trong doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên thường trực Hội Tư vấn thuế Việt Nam ví dụ, giá bán sản phẩm phân bón của doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu (chưa bao gồm GTGT) là 100 đồng, giá trị đầu vào là 80 đồng, dự kiến lợi nhuận ban đầu là 20 đồng.

Áp thuế Giá trị gia tăng 5% cho phân bón: Điều gì sẽ xảy ra, doanh nghiệp nào hưởng lợi?- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên thường trực Hội Tư vấn thuế Việt Nam

Nếu doanh nghiệp sản xuất trong nước không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, chi phí phải trả thêm là 8 đồng tiền thuế GTGT không được khấu trừ, dẫn đến giá thành tăng, lợi nhuận giảm. Để bảo đảm mục tiêu lợi nhuận, giá bán phải cộng 8 đồng để bù đắp chi phí thuế.

Do vậy, thực tế giá sản phẩm đến tay người nông dân sẽ tăng là 108 đồng, khiến người nông dân phải chịu thiệt thòi trả giá cao hơn.

Với mức giá 108 đồng, doanh nghiệp sản xuất trong nước mới bảo đảm lợi nhuận mục tiêu để duy trì sản xuất, trong khi doanh nghiệp nhập khẩu chỉ cần mức giá 100 đồng.

Mặt khác, nếu doanh nghiệp nhập khẩu tính giá theo cơ chế thị trường, họ cũng có thể tăng giá bán lên 108 đồng, khi đó người tiêu dùng có thể phải trả thêm 8 đồng tiền thuế đối với các sản phẩm phân bón nhập khẩu do chính sách thuế.

Ngoài ra, do lợi thế có được từ chính sách thuế nên nhóm doanh nghiệp nhập khẩu phân bón có điều kiện cạnh tranh về giá, chưa nói đến chất lượng và hậu mãi.

“Từ đó gây khó khăn cho sản xuất trong nước, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng, dẫn đến độc quyền trong dài hạn khi các doanh nghiệp sản xuất trong nước kiệt quệ, thua lỗ, thậm chí phá sản” – Ông Nguyễn Văn Được đánh giá.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng (Nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế), quá trình thực hiện Nghị quyết số 71/2014/QH13, thực tiễn vận động của nền kinh tế đã có tác động bất lợi đối với cả ngành nông nghiệp và công nghiệp sản xuất phân bón trong nước, dẫn tới không đạt được kỳ vọng như mục tiêu định hướng do nhiều nguyên nhân.

Áp thuế Giá trị gia tăng 5% cho phân bón: Điều gì sẽ xảy ra, doanh nghiệp nào hưởng lợi?- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Phụng – Nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế

Thứ nhất, Ngân sách nhà nước đã mất đi số thu thuế GTGT khâu nhập khẩu (ước tính mỗi năm mất thu khoảng trên 1.000 tỷ đồng) do phân bón nhập khẩu áp dụng thống nhất như hàng sản xuất trong nước theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Thứ hai, giá bán phân bón trong nước bị tăng lên (hiệu ứng tác động đẩy giá) do toàn bộ số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ buộc doanh nghiệp phải hạch toán vào giá thành và đẩy giá bán tăng lên (theo báo cáo của Hiệp hội Phân bón thì sau khi Luật 71/2014 có hiệu lực, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2 – 7,6%; phân DAP tăng 7,3 – 7,8%, phân supe lân tăng 6,5 – 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng 5,2 – 6,1%).

Thứ ba, gắn liền với việc mất thu Ngân sách nhà nước khâu nhập khẩu, còn tạo ra nhiều khó khăn, bất lợi cho ngành công nghiệp sản xuất phân bón trong nước, bởi vì phân bón nhập khẩu không chịu thuế GTGT mà còn được nước xuất khẩu hoàn lại thuế (ví dụ Trung Quốc 17%, Nga 22%).

Hiệp hội Phân bón báo cáo, giai đoạn 2015 -2020 cả 10 doanh nghiệp sản xuất phân bón đều có giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng âm, riêng 4 doanh nghiệp thuộc Đề án 168 lỗ trầm trọng (tăng lỗ bình quân 37,7%/năm, có doanh nghiệp nguy cơ phá sản.

Điều gì xảy ra khi áp thuế suất GTGT 5% cho phân bón?

CTCK SSI đánh giá, theo lý thuyết, việc thay đổi từ “không chịu thuế GTGT” sang “chịu thuế GTGT 5%” sẽ khiến giá phân bón cao hơn. Tuy nhiên, 2 doanh nghiệp là Đạm Phú Mỹ (DPM) và Đạm Cà Mau (DCM) cho biết trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa phân bón nội địa và nhập khẩu, các doanh nghiệp nội địa có thể chọn giảm giá bán trước khi cộng thêm 5% thuế GTGT, qua đó phần nào hỗ trợ những người nông dân.

Theo đó, mức tăng giá bán thực tế của phân bón sản xuất trong nước sẽ ít hơn mức tăng giá bán của phân bón nhập khẩu, từ đó sẽ khuyến khích những người nông dân sử dụng phân bón sản xuất trong nước.

Áp thuế Giá trị gia tăng 5% cho phân bón: Điều gì sẽ xảy ra, doanh nghiệp nào hưởng lợi?- Ảnh 5.

Phân bón nhập khẩu chiếm khoảng 27% thị phần, giá thấp hơn 3-5% so với phân bón nội địa. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam

Giá của phân bón nhập khẩu hiện đang thấp hơn 3-5% so với phân bón nội địa. Trong trường hợp cạnh tranh gay gắt với phân bón nhập khẩu như trong giai đoạn 2015-2019, các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa sau khi được hoàn thuế GTGT trên chi phí sản xuất, sẽ có thể chọn giảm giá bán trước khi cộng thêm GTGT 5%, từ đó thu hẹp khoảng cách giá 3-5% so với hàng nhập khẩu và khuyến khích những người nông dân sử dụng phân bón nội địa.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất phân bón còn có thể yêu cầu hoàn thuế GTGT trên chi phí sản xuất. SSI đánh giá, điều này chủ yếu sẽ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất ure và DAP vì những doanh nghiệp này sản xuất phân bón từ nguyên liệu tự nhiên (khí đốt tự nhiên, than, quặng phốt phát).

Trong khi đó, tác động đến các nhà sản xuất NPK là không đáng kể. Do nguyên liệu sản xuất NPK chủ yếu là phân bón đơn (ure, phốt phát đơn và kali), nên việc không chịu thuế VAT hay chịu 5% thuế VAT đều không ảnh hưởng nhiều tới chi phí sản xuất NPK.

Áp thuế Giá trị gia tăng 5% cho phân bón: Điều gì sẽ xảy ra, doanh nghiệp nào hưởng lợi?- Ảnh 6.

Được hoàn thuế GTGT chủ yếu mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất ure và DAP vì dùng nguyên liệu tự nhiên – CTCK SSI

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định rằng, khi áp thuế GTGT 5%, doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ có điều kiện đầu tư công nghiệp mới, sản xuất sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu nông nghiệp và bình ổn giá bán, lúc này người được lợi lâu dài chính là người nông dân và nông nghiệp Việt Nam.

Khoản ngân sách Nhà nước thu được sẽ là nguồn đầu tư lại cho nông nghiệp thông qua giống cây mới, đào tạo người nông dân về sản xuất nông nghiệp bền vững.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chuyên viên chính Vụ Chính sách Tổng cục Thuế cho rằng, việc chuyển phân bón (đầu vào cho sản xuất nông nghiệp) sang đối tượng chịu thuế GTGT 5% sẽ hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp vì toàn bộ thuế GTGT đầu vào của sản xuất sẽ không phải hạch toán vào chi phí mà được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Khi đó, các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế GTGT đầu ra (5%) thấp hơn đầu vào (10%), các doanh nghiệp sản xuất sẽ có dự địa để giảm giá bán nếu giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường không thay đổi.

Đối với phân bón nhập khẩu, giá bán ra trên thị trường trong nước phụ thuộc vào giá phân bón trên thị trường thế giới, chính sách thuế GTGT đối với phân bón nhập khẩu; lợi nhuận của đơn vị nhập khẩu.

Áp thuế Giá trị gia tăng 5% cho phân bón: Điều gì sẽ xảy ra, doanh nghiệp nào hưởng lợi?- Ảnh 7.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chuyên viên chính Vụ Chính sách Tổng cục Thuế

Bà Hương cho biết, phân bón sản xuất trong nước hiện chiếm hơn 73% thị phần và sẽ giảm được giá thành khi phân bón quay lại chịu thuế GTGT 5% còn phân bón nhập khẩu chiếm dưới 27% thị phần.

Các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải căn cứ giá nhập khẩu thực tế, mặt bằng giá trong nước khi có chính sách mới để tính toán giá bán với mức lợi nhuận hợp lý để duy trì khả năng cạnh tranh với phân bón trong nước.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin