Dù là kẻ đi sau nhưng Apple luôn biết cách biến sản phẩm của mình trở nên độc đáo theo một cách mới lạ.
Tại sự kiện Far out tổ chức rạng sáng ngày 8/9, Apple chính thức giới thiệu dòng sản phẩm iPhone 14 series hoàn toàn mới, bao gồm 4 phiên bản: iPhone 14, iPhone 14 Plus, iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max.
Trong khi 2 phiên bản tiêu chuẩn không có thay đổi đáng kể về mặt thiết kế lẫn phần cứng, 2 phiên bản Pro lại mang tới nâng cấp mạnh mẽ về màn hình, hiệu năng cũng như camera. Đáng chú ý nhất, màn hình của iPhone 14 Pro năm nay đã thay đổi sang thiết kế hình viên thuốc, đánh dấu một sự đổi mới về thiết kế màn hình sau 6 năm sử dụng thiết kế “tai thỏ”.
Apple: Kẻ đi sau về thiết kế màn hình
Trong 6 năm Apple sử dụng thiết kế “tai thỏ” với phần khoét màn hình lớn trên iPhone, điện thoại Android đã cải tiến hàng năm, đi từ màn hình “tai thỏ” sang thiết kế “giọt nước” và giờ phổ biến nhất là thiết kế “nốt ruồi” hay thiết kế “đục lỗ” với camera selfie đơn hoặc kép đặt ở trong một lỗ nhỏ phía trên của màn hình. Điều này giúp diện tích hiển thị mở rộng hơn và không khiến người dùng bị mất tập trung vào phần khoét màn hình.
Trên iPhone 14 Pro, Apple thiết kế phần khoét màn hình theo dạng “viên thuốc” thon dài, đặt ở chính giữa cạnh trên của màn hình chứ không như điện thoại Android đặt ở góc trái hoặc góc phải. Đây có thể là một nâng cấp lớn so với thiết kế “tai thỏ” đã quá lỗi thời, nhưng vẫn chưa là gì so với thiết kế “nốt ruồi” nhỏ gọn trên điện thoại Android.
Apple biết được vấn đề của mình, và chính lúc này, “Táo” đã tận dụng sức mạnh của iOS để tuỳ biến khu vực khoét màn hình, biến nó trở thành một tính năng hiển thị trên iPhone 14 Pro theo một cách độc đáo nhất.
Dynamic Island – “Cú tát” vào mặt các hãng Android
Dynamic Island thực chất là tên gọi mà Apple đặt cho phần khoét màn hình hình viên thuốc trên iPhone 14 Pro. Nếu có theo dõi sự kiện Far out, chắc chắn bạn sẽ ấn tượng với cách mà Apple xử lý phần khoét màn hình này bằng phần mềm sao cho nó có sự đồng nhất và liền mạch với hệ thống.
Theo Apple, iOS hiện tại đã có quá nhiều loại thông báo và chúng không đồng nhất với nhau. Dynamic Island được phát triển để giải quyết vấn đề này. Giờ đây các thông báo (dạng alert) sẽ được di chuyển lên phía trên cùng, nơi đặt cụm camera TrueDepth hình viên thuốc. Apple tuỳ biến phần mềm hiển thị để tạo cảm giác “viên thuốc” có thể di chuyển và mở rộng/thu nhỏ dựa trên ứng dụng đang được sử dụng.
Một ví dụ trực quan về Dynamic Island có thể biến đổi linh hoạt như thế nào. Trong trường hợp này là khi nghe nhạc, một bảng thông báo nhỏ luôn hiển thị ở khu vực “viên thuốc”, người dùng có thể bấm vào và phóng to bảng điều khiển nhạc ra
Rõ ràng, việc tuỳ biến phần khoét màn hình giống Apple là điều chưa từng thấy trên bất cứ smartphone nào từ trước tới nay. Ở thế giới Android, một vài nhà sản xuất tận dụng khu vực “nốt ruồi” hoặc “viên thuốc” để làm một viền sáng thông báo hoặc hiển thị thời lượng pin, nhưng mọi thứ chỉ dừng lại như vậy, một phần vì Android là hệ điều hành phân mảnh, rất khó để tạo nên được khả năng tuỳ biến mượt như iPhone.
Đây là cách các hãng Android tuỳ biến khu vực khoét màn hình, trông giống một trò cười khi so sánh với Dynamic Island của iPhone
Apple có lại tạo nên xu hướng mới?
Mặc dù Apple không phải là kẻ đi đầu, nhưng Apple luôn là kẻ dẫn đầu ở rất nhiều khía cạnh, tới mức mỗi khi iPhone có tính năng gì mới, điện thoại Android ít nhiều sẽ “học tập” tính năng đó của Apple, như thiết kế “tai thỏ” (2017), cảm biến vân tay Touch ID (2013), thiết kế điện thoại viền vuông (2020), hay là việc bỏ jack cắm tai nghe (2016), bỏ sạc cáp (2020)…
Liệu sắp tới đây các nhà sản xuất Android có “học hỏi” Dynamic Island của Apple? Android là hệ điều hành mở nên việc có một nhà sản xuất nào đó tuỳ biến phần khoét màn hình của điện thoại là điều hoàn toàn có khả năng, chỉ là các hãng có thực sự muốn làm hay không mà thôi.