TTO – Tốt nghiệp Viện công nghệ Massachusetts (MIT), Armon Sharei cứ nghĩ mình sẽ trở thành giáo sư. Nhưng rồi anh dấn vào khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Armon Sharei – Ảnh: inc.com
Trước đây cuối mỗi tuần, Armon Sharei thường đi trượt tuyết tại Iran. Nhưng giờ anh không còn rảnh rỗi để tự do hưởng thú tiêu khiển ấy nữa. Bởi công ty SQZ Biotech mà anh từng khởi nghiệp đang phải chạy theo những hợp đồng khủng.
Ở tuổi 29, Armon Sharei – doanh nhân ngành công nghệ sinh học ở Boston, Massachusetts (Mỹ) sau khi ký hợp đồng khủng 500 triệu USD với tập đoàn dược phẩm Roche, đang ngập việc với công trình nghiên cứu những tế bào miễn nhiễm chống chọi ung thư.
Khởi nghiệp từ một phát minh
Lọt vào danh sách 30 nhà sáng lập trẻ dưới 30 tuổi đối với Armon là một vinh dự, nhưng cũng là một trong những thử thách lớn nhất cuộc đời anh.
Năm 2008, khi đang làm nghiên cứu sinh lấy bằng tiến sĩ hóa tại Viện công nghệ Massachusetts (MIT), anh tham gia vào một nhóm có nhiệm vụ tìm mọi cách để chuyển các hợp chất vào tế bào sống, một việc nan giải nhưng lại là một giải pháp tiềm năng có thể giúp các nhà khoa học nghiên cứu được các căn bệnh và khám phá ra những loại thuốc mới.
Phương pháp ban đầu của nhóm là dùng một súng mi-ni bắn các hợp chất vào tế bào, nhưng sau nhiều lần bắn vẫn thấy không hiệu nghiệm ngay. Một hôm, khi Sharei ép sát tối đa đầu nòng súng có những lỗ nhỏ li ti vào thành tế bào, bất chợt anh thấy hợp chất lọt qua.
Như vậy ý đồ ban đầu dùng súng bắn hợp chất xuyên qua màng tế bào là vô hiệu. Hóa ra không phải do bắn mà do màng tế bào bị đầu nòng súng ép vào, tác động mạnh nên chúng phải dịch chuyển, cho phép hợp chất đi vào nhân.
Từ phát hiện bất ngờ này, hệ thống nén do nhóm Sharei thiết kế để tạm thời phá vỡ màng bao của tế bào đã trở thành công cụ cơ bản làm nền móng cho SQZ Biotech (SQZ viết tắt và cũng là phát âm của squeeze – nén), công ty mà anh cùng Klavs Jensen và Robert Langer khởi nghiệp, ra đời.
Thiết bị sẽ ép tế bào thành trông giống như một miếng bọt biển, mở ra các lỗ nhỏ xíu trong màng ngoài của tế bào, thông qua đó các phân tử bên ngoài có thể đi vào bên trong. Đây cũng là một trong 10 bằng phát minh quan trọng nhất sự nghiệp của Armon Sharei.
Armon Sharei – Ảnh: inc.com
Thành công nằm ở tầm vóc của mục tiêu
Lúc đầu Sharei và đồng nghiệp định kinh doanh theo kiểu cấp phép công nghệ SQZ cho các trường đại học và bệnh viện để nghiên cứu. Nhưng ê-kíp đã nghĩ lại, đổi hướng khi nhận ra tiềm năng sử dụng cho một mục đích to lớn hơn của nó.
Đó là tạo ra các tế bào sống khác nhau, với hy vọng giúp con người chống chọi với các căn bệnh hiểm nghèo như ung thư. Cơ chế SQZ của nhóm Sharei cũng hiệu quả hơn các cách thức đưa chất liệu vào tế bào hiện hành, đồng thời lại thực hiện tốt trên nhiều loại tế bào và chất liệu, trong khi tồn tại ít rủi ro hơn.
Năm 2014, tạp chí khoa học nổi tiếng của Mỹ Scientific American đánh giá SQZ là 1 trong 10 ý tưởng thay đổi thế giới, đúng với nhận định của Sharei về ý đồ khởi nghiệp của mình khi anh nói: “Mục tiêu của chúng tôi là thực sự trở thành nền tảng cho một thế hệ các phương pháp trị liệu dựa trên tế bào”.
Năm ngoái, tạp chí Fierce Biotech xếp hạng SQZ Biothech thuộc top 15 công ty công nghệ sinh học hàng đầu có tiềm năng biến đổi thế giới.
Vào năm 2014, SQZ đã huy động được nguồn tài trợ 1 triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư hào phóng. Chỉ một năm sau đó, 5 triệu USD đã đến từ hầu bao của các tổ chức như Polaris Partners, 20/20 HealthCare Partners và hai văn phòng tư nhân khác.
Tháng 12 năm ngoái, SQZ đã hợp tác với F. Hoffmann-La Roche, tập đoàn hàng đầu về dược phẩm kiêm điều trị ung thư với thỏa thuận đầu tư có giá trị 500 triệu USD để phát triển một công nghệ đặc biệt là tiêm protein vào những tế bào miễn dịch của người để kích hoạt “tế bào sát thủ T” tạo ra phản ứng chống lại bệnh ung thư.
SQZ cũng sẽ nhận được một khoản tiền bản quyền từ Roche về việc bán các sản phẩm trong tương lai.
Armon Sharei và cộng sự – Ảnh: ilm.mit.edu
Kinh doanh giỏi là biết cách hút tiền về mình
Hiện nay SQZ đang phát triển công nghệ của mình tiến xa hơn nữa qua các thí nghiệm máu người trên chuột để hiểu rõ cơ chế hoạt động của hệ tế bào một cách toàn diện hơn. Sau đó, có lẽ trong hai năm, chúng sẽ có thể được sử dụng trong các thử nghiệm ung thư lâm sàng ở người.
Với giấy phép độc quyền toàn cầu đối với công nghệ SQZ từ MIT, Sharei đang tích cực thảo luận về quan hệ hợp tác với nhiều công ty dược phẩm để phát triển thêm nhiều phương cách chế tạo các tế bào chống bệnh tật.
Mặc dù sinh ở Walnut Creek, California nhưng Sharei lại lớn lên tại Tehran, Iran. Anh đã học ba năm ở Dubai trước khi trở lại California làm sinh viên đại học Stanford.
Tốt nghiệp MIT, Sharei cứ nghĩ trở thành giáo sư, nhưng ai ngờ chọn khởi nghiệp công ty lại là cách tốt nhất để theo đuổi phát triển công nghệ tế bào mà anh đã gắn bó.
Khởi đầu một doanh nghiệp đi theo đường công nghệ sinh học, có vẻ như yếu tố khó khăn chính là kỹ thuật khoa học. Thế nhưng may mắn lại mỉm cười với Sharei khi bất ngờ suôn sẻ đường tài chính khi nhà đầu tư Amy Schulman, một đối tác liên doanh vốn tại Polaris Partners, hỗ trợ 5 triệu đô la cho SQZ.
Tất cả là do chính con người của Sharei, như lời nhà đầu tư Amy thổ lộ: “Lý do tôi quyết định đổ tiền vào SQZ là vì Sharei, mặc dù anh ta còn trẻ và trước đây chưa hề lập công ty. Anh ấy thực sự khiêm tốn, ham mê học hỏi dù anh là người rất thông minh. Đầu tư vào SQZ vững chãi như cái tên chủ nhân của nó, Armon (mỏ neo)”.
Có người hỏi đâu là những yếu tố thành công chính của SQZ Biotech, Armon Sharei tóm tắt ngắn gọn: “Đó là có kế hoạch kinh doanh, cố lấy cho được bằng sáng chế, tham gia cuộc thi, nhận mọi hình thức tài trợ, đừng quá ám ảnh chuyện khoa học, quy tụ cho được một đội ngũ giỏi, chớ để lọt những sáng kiến đến từ bản năng và tận dụng triệt để môi trường mạng”.