Ngân hàng Nhà nước từng trù tính có ba khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ với bối cảnh mới.
Ngày 28/5, Ngân hàng Nhà nước công bố báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII và các nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, 3, 4, 5, 7, 8 Quốc hội khóa XIV.
Báo cáo lần này, cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ, đặt trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng sâu rộng bởi đại dịch Covid-19. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước trù tính đến ba khó khăn chính trong điều hành.
Ngày Ngân hàng Nhà nước ký gửi báo cáo trên là 29/4/2020, khi cả nước vừa trải qua thời gian giãn cách xã hội, tác động trực tiếp của Covid-19 ở giai đoạn đỉnh điểm.
Đến nay nhìn lại, cả ba khó khăn từng trù tính đó cơ bản được xử lý êm.
Cụ thể, theo Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các thị trường tài chính và hàng hóa biến động mạnh có thể gây ra những khó khăn trong công tác điều hành chính sách tiền tệ. Trước hết, tâm lý nắm giữ tiền mặt để dự phòng của người dân và doanh nghiệp làm gia tăng áp lực lên điều kiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng, tạo sức ép đối với thị trường liên ngân hàng.
Thứ hai, nhu cầu nắm giữ đồng USD để thanh toán và trú ẩn tăng cao và hiện tượng rút vốn cục bộ có thể gây sức ép lên tỷ giá, lãi suất trong nước tại những thời điểm nhất định.
Thứ ba, giá cả hàng hóa thế giới biến động với biên độ lớn, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu bị khan hiếm nguồn cung do thương mại quốc tế đình trệ; nhu cầu hàng hóa nhu yếu phẩm gia tăng và tập trung vào một số thời điểm; các biện pháp nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để hỗ trợ nền kinh tế có thể đi kèm với các rủi ro khó lường trong công tác kiểm soát lạm phát, đặc biệt khi kết thúc dịch bệnh.
Thực tế, diễn biến trên các thị trường cũng như ở các dòng chảy liên quan từng có những biểu hiện như những trù tính đó.
Như BizLIVE đề cập ở bản tin vừa qua, lần đầu tiên sau nhiều quý, lượng tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân của toàn hệ thống ngân hàng bất ngờ sụt giảm rất mạnh vào cuối tháng 3/2020, quy mô giảm chưa từng thấy nhiều năm qua.
Cùng thời điểm, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng liên tiếp leo thang. Lãi suất VND qua đêm từng chỉ dưới 1%/năm liên tục tăng vọt lên tới 3,5%/năm. Ngân hàng Nhà nước đã phải liên tiếp bơm ròng lượng lớn hỗ trợ thanh khoản hệ thống trong 2 tuần đầu tháng 4.
Cũng cùng thời điểm, tỷ giá USD/VND đồng loạt tăng mạnh trên các thị trường. Từ mức chỉ xoay quanh 23.350 VND trước đó, giá USD bán ra của các ngân hàng thương mại cũng liên tục tăng vọt vượt xa mốc 23.700 VND; trên thị trường tự do vượt mốc 23.800 VND…
Một diễn biến song song, trong tháng 3 và 4/2020, thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều phiên “dội bom” bán ròng triền miên và kéo dài của khối nhà đầu tư nước ngoài. Ám ảnh vốn ngoại đảo chiều, rút vốn trở nên nổi bật. Tỷ giá USD/VND ít nhất chịu ảnh hưởng liên quan về tâm lý thị trường.
Tuy nhiên, biến động mạnh của lãi suất liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND nhanh chóng được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát và bình ổn.
Cho đến cuối tuần qua, như bản tin BizLIVE vừa cập nhật, lãi suất VND thậm chí còn rơi xuống đáy cùng kỳ 5 năm qua trên thị trường liên ngân hàng; tỷ giá USD/VND cũng ổn định dưới mốc 23.400 VND.
Như vậy, khó khăn và cũng là yêu cầu số 1 của hoạt động hệ thống ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ trong bất kỳ bối cảnh nào là bảo đảm thanh khoản đã được đảm bảo trong thử thách vừa qua. Thậm chí hai tuần sau báo cáo trên, ngày 13/5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm các lãi suất điều hành, trong đó có trần lãi suất tiền gửi. Tỷ giá, như trên, đã nhanh chóng được bình ổn.
Còn với lạm phát, trù tính của Ngân hàng Nhà nước đặt khó khăn vào giai đoạn sau dịch, khi độ trễ nới lỏng và “bơm tiền” ở các kênh được rút ngắn. Còn hiện tại, Việt Nam vừa có tháng thứ tư liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng giảm; lạm phát cơ bản – liên quan đến tiền tệ – cũng giảm nhẹ trong tháng qua (giảm 0,03%).
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức cao nhất trong 3 năm gần đây (tăng 4,39%). Và điều này nằm trong quan ngại, trù tính nói trên của Ngân hàng Nhà nước.