Nữ bị cáo trong vụ án Xuyên Việt Oil khẳng định việc xin nộp “của chìm” để cho HĐXX thấy được sự thành khẩn của bản thân.
Ngày 21-11, TAND TP HCM tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử Mai Thị Hồng Hạnh, cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm.
Phiên tòa bước sang phần xét hỏi với sự tham gia của đại diện VKSND TP HCM.
Các bị cáo bị truy tố về nhiều tội danh, gồm Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Tại phiên tòa, đại diện VKSND yêu cầu bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh làm rõ đề xuất sử dụng tài sản nhờ người khác đứng tên để khắc phục hậu quả vụ án.
Trả lời, bị cáo Hạnh khẳng định giữ nguyên đề nghị này.
“Đây là tài sản nhỏ thôi, giá trị chỉ khoảng 10 tỉ đồng, do ông Đỗ Xuân Thiện đứng tên. Đây là khu biệt thự nằm ở Mũi Né, có diện tích khoảng 667 m2” – bị cáo Hạnh cho biết.
Bị cáo Hạnh khai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tài sản trên là một trong 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị cơ quan điều tra thu giữ.
Bị cáo khẳng định ngoài biệt thự trên, không có tài sản cá nhân nào khác nhờ người khác đứng tên hộ. Việc xin nộp “của chìm” này để cho HĐXX thấy được sự thành khẩn của bị cáo.
Ngoài ra, bị cáo cho biết công ty Xuyên Việt Oil còn sở hữu 3 xe bồn, mỗi chiếc trị giá từ 1 đến 7 tỉ đồng, có thể được sử dụng để khắc phục hậu quả vụ án.
Bị cáo cam kết những tài sản này không bị thế chấp ở bất kỳ đâu nhưng cần người thân xác nhận cụ thể số lượng xe là 3 hay 4 chiếc.
Tại phiên tòa, khi được hỏi về lời khai liên quan đến việc đưa hối lộ cho 8 cá nhân, bao gồm cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, cựu Giám đốc Chi nhánh phân phối lọc dầu Nghi Sơn Phan Kiến Anh…, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh khẳng định hoàn toàn tự nguyện khai báo, không bị bức cung hay nhục hình.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, từ năm 2016 đến 2022, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh đã thực hiện 22 lần đưa hối lộ với tổng số tiền gần 32 tỉ đồng, nhằm tạo lợi thế cho doanh nghiệp của mình.
Giải thích về động cơ đưa hối lộ, bị cáo Hạnh cho biết với tư cách là nhà đầu tư, mục tiêu chính của việc chi tiền là mang lại lợi ích cho công ty, đặc biệt trong bối cảnh hàng hóa khan hiếm hoặc khi cần mở rộng quan hệ làm ăn.
Việc hối lộ không chỉ là đưa tiền, mà còn phải khéo léo lựa chọn những dịp thích hợp để tạo cơ hội gặp gỡ: “Dù đi tặng tiền nhưng bị cáo phải chọn một dịp Lễ, Tết để có lý do gặp các anh” – bị cáo nói.
Ngoài ra, theo hồ sơ vụ án, cơ quan điều tra đang tạm giữ số tiền 470.000 USD kê biên từ ông Lê Đức Thọ. Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh khai rằng đây là khoản tiền cá nhân mà bị cáo tích lũy được, không liên quan đến hành vi phạm tội. Vì vậy, bị cáo bày tỏ mong muốn được sử dụng số tiền này để khắc phục hậu quả trong vụ án.