Bác sĩ Trần Quốc Khánh, bệnh viện Việt Đức mới đây đã chia sẻ về 2 trường hợp mắc cùng một bệnh lý nguy hiểm. Đó cũng là một kiến thức hữu ích giúp chúng ta sớm phát hiện và ngăn ngừa các bến chứng nguy hiểm của một căn bệnh rất nguy hiểm.
Anh năm nay 40 tuổi, nhìn dáng ngoài khỏe mạnh và là hàng xóm cùng tầng trong tòa nhà nơi bác sĩ đang ở. Một hôm mẹ anh qua nhờ bác sĩ sang xem giúp vì anh đau bụng âm ỉ 2-3 ngày nay không đỡ. Qua thăm khám bác sĩ khuyên anh nên vào viện để được siêu âm ổ bụng cũng như thực hiện các xét nghiệm hỗ trợ.
Anh vào Việt Đức gần nửa đêm, bác sĩ nhờ đồng nghiệp thăm khám, siêu âm chụp chiếu nhưng chưa tìm ra nguyên nhân. Theo dõi qua đêm đến ngày hôm sau đánh giá lại các bác sĩ chưa loại trừ anh bị nhồi máu mạc treo ruột (Tắc mạch máu nuôi ruột). Kết hợp anh mệt mỏi & sốt nhẹ về chiều cả mấy tuần nay, các bác sĩ chỉ định anh đi siêu âm tim đánh giá thêm.
Kết luận làm mọi người bất ngờ: Anh bị VIÊM NỘI TÂM MẠC NHIỄM KHUẨN (tổn thương màng trong của tim do một con vi khuẩn-nấm nào đó). Tổn thương tương đối nặng, một số lá van tim của anh bị hỏng nhiều và nguy cơ đe dọa tính mạng.
Anh được nhập viện điều trị kháng sinh mạnh tĩnh mạch gần 1 tháng để ổn định các thông số rồi lên….bàn mổ để sửa van tim và xử lý ổ nhiễm khuẩn trong các buồng tim ngay. Nhờ tiến bộ y học, tất cả các can thiệp đều được thực hiện qua nội soi 1 lỗ. Vì thế, anh hồi phục sức khỏe rất nhanh và xuất viện sau đó hơn 1 tuần.
Một buổi trưa cuối tuần, nhận được cuộc gọi từ người anh mong muốn đến gặp bác sĩ trực tiếp để xin tư vấn bệnh tật. Bố của bạn anh ấy năm nay hơn 80 tuổi tuy nhiên thể trạng và sự minh mẫn thì còn tốt.
Ông sốt âm ỉ cả tháng nay, vào viện mấy lần truyền kháng sinh hết sốt lại về, tuy nhiên được mấy hôm ông lại sốt rồi vào viện lại. Sự việc lặp đi lặp lại vài lần và ông được chẩn đoán bệnh như người anh hàng xóm nhà bác sĩ: VIÊM NỘI TÂM MẠC NHIỄM KHUẨN. Tuy nhiên tổn thương tim của ông rất nặng nề, vi khuẩn đã phá hủy rất nhiều các lá van cũng như đường ra của quai động mạch chủ.
Thậm chí, ở ông còn xuất hiện rải rác những ổ áp xe bao quanh tim. Với ông, phẫu thuật là chỉ định bắt buộc, tuy nhiên tiên lượng vô cùng dè dặt. Không phẫu thuật chắc chắn sẽ tử vong sớm, phẫu thuật ông có cơ hội sống tuy nhiên tia hy vọng này cũng vô cùng nhỏ nhoi. Gia đình tìm đến bác sĩ xin tư vấn cũng như mong được tiếp thêm niềm tin.
Cuối cùng gia đình cũng quyết tâm để ông phẫu thuật. Trước ngày lên bàn mổ, phẫu thuật viên (là một chuyên gia hàng đầu ở miền Bắc hiện nay về phẫu thuật tim mạch) gặp gia đình lần cuối để đảm bảo rằng mọi sự thông suốt và không có sự trì hoãn hay thắc mắc-lấn cấn gì.
Không được may mắn như người anh hàng xóm nhà bác sĩ, sau phẫu thuật ông không bao giờ khỏe lại để xuất viện được. Ông nằm viện hơn 1 tháng rồi ra đi vì bệnh quá nặng. Thương ông nhưng bác sĩ cũng hiểu rằng ông đã phải đối mặt với một căn bệnh vô cùng phức tạp và nặng nề. Nhiều thanh niên khỏe mạnh còn bỏ mạng nếu phát hiện bệnh này muộn trong khi năm nay ông đã ngoài 80. Chỉ biết nguyện cầu cho ông được bình an nơi miền cực lạc.
Anh chị ạ, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (VNTMNK) là một trong những bệnh lý tim mạch vô cùng nguy hiểm và nhiều trong chúng ta “dính” tuy nhiên lại thường được phát hiện muộn, khi trái tim đã bị vi khuẩn “gặm nhấm và tàn phá” nghiêm trọng. Để giúp phần nào hiểu-dự phòng cũng như phát hiện sớm được căn bệnh này, bác sĩ xin gửi đến mọi người những thông tin cơ bản như sau:
1. Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là tình trạng viêm-nhiễm trùng màng trong của tim mà nguyên nhân thường do liên cầu khuẩn Streptococci (tầm 50-60%), cầu khuẩn đường ruột Enterococci (tầm 10%), tụ cầu khuẩn Staphylococci (Tầm 5-10%). Ngoài ra còn có thể gặp do trực khuẩn, bạch hầu, thậm chí là nấm (Candida, Aspergillus spp..).
Với bệnh lý này nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiễm trùng kéo dài, các van tim bị tổn thương nghiêm trọng, viêm màng ngoài tim, rối loạn dẫn truyền tim, suy tim, tắc mạch não cũng như tắc mạch bất kỳ vị trí nào trong cơ thể, phình mạch máu não hình nấm, tổn thương lách… Và thậm chí là tổn thương các khớp, suy thận cấp. Đây là bệnh lý phức tạp trong cả chẩn đoán lẫn điều trị, ở đó việc nghĩ đến nó để làm các thăm dò chẩn đoán giúp phát hiện sớm là điều vô cùng quan trọng.
2. Khi nào cần nghĩ đến mình bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn?
– Nguy cơ bệnh cao ở những người có tiền sử THAY VAN TIM NHÂN TẠO hoặc các BỆNH LÝ TIM MẠCH khác như hẹp-hở các van tim, bệnh lý van động mạch chủ, bệnh tim bẩm sinh có tím tái, còn ống động mạch, huyết khối buồng tim sau nhồi máu cơ tim, thoái hóa van tim người già, tồn tại lỗ thông các buồng tim hoặc đã bị viêm nội tâm mạc từ trước…Những người này sẽ có nguy cơ bị VNTMNK tăng cao lên nếu kèm theo tiểu đường, suy gan thận, nghiện rượu, suy giảm miễn dịch, viêm quanh chân răng, tiêm truyền tĩnh mạch, tiền sử mổ cũ, nhiễm trùng đường hô hấp hoặc tiết niệu trước đó.
– Triệu chứng nổi bật có thể bao gồm sốt, thiếu máu và có tiếng thổi mới ở tim (do các cấu trúc tim bị tổn thương). Ngoài ra có thể xuất hiện chấm xuất huyết nhỏ các vị trí, mệt mỏi chán ăn & gầy sút cân. Sốt thường nhẹ kèm gai rét-ra mồ hôi trộm và kéo dài nhiều tuần, tiêm kháng sinh có thể cắt sốt được vài hôm lại bị sốt lại.
– Khi có những yếu tố nghi ngờ ở trên, chúng ta cần đến trung tâm tim mạch chuyên sâu để khám xét cẩn thận. Ở đó các bác sĩ sẽ thăm khám kỹ, cấy máu, siêu âm tim cũng như thực hiện những thăm dò cần thiết khác để đi đến chẩn đoán và tiên lượng bệnh cũng như lên phác đồ đồ điều trị sớm nhất có thể.
3. Chúng ta cần làm gì để dự phòng-giảm nguy cơ bị VNTMNK?
– Tạo thói quen vệ sinh ngoài da và răng miệng thường xuyên, đặc biệt là những người có nguy cơ cao như bị bệnh lý tim mạch, người có van tim nhân tạo, người suy giảm miễn dịch hoặc các bệnh lý mạn tính khác.
– Khi có áp xe, vết thương ngoài da hay nhiễm trùng họng, tiết niệu, tai giữa, viêm quanh chân răng…cần được khám và điều trị nghiêm túc. Sự hời hợt hay xem nhẹ những tổn thương này chính là chúng ta đang tạo điều kiện “mở đường” cho vi khuẩn xâm nhập vào máu và trú ngụ nơi tim.
– Khi tiêm truyền cần có chỉ định của nhân viên y tế và tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn. Hiện nay nhiều người còn rất dễ dãi trong vấn đề tiêm truyền.
– Mọi người không nên tự ý dùng kháng sinh trong bất kỳ trường hợp nào.
– Không khuyến khích xỏ lỗ tai.
– Cần báo nhân viên y tế trước mỗi lần thăm khám hay can thiệp về tiền sử thay van tim, bệnh lý tim mạch cũ hay tiền sử các bệnh lý khác của chính mình để các y bác sĩ có thái độ xử trí phù hợp.
– Cần đi khám sớm chuyên khoa sâu về tim mạch nếu xuất hiện một trong những dấu hiệu kể trên (sốt âm ỉ kéo dài, mệt mỏi, gầy sút cân…), đặc biệt sau khi can thiệp tim-mạch hoặc sau những can thiệp phẫu thuật-xâm lấn khác trên cơ thể.