Trải nghiệm cuộc sống khó khăn tạo lực đẩy làm nên cá tính và thành công cho những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Trong đó có triệu phú tự thân Yemi Penn, chủ sở hữu 3 công ty ở Mỹ với giá trị hàng triệu đô la.
Ở tuổi 24, Yemi Penn bị đuổi ra khỏi nhà khi nói với cha mẹ rằng cô có thai. Là một sinh viên vào thời điểm ấy, Yemi rơi vào cảnh không nhà trong một khu vực bạo lực – nơi những tội ác liên quan tới ma túy xảy ra thường xuyên.
Hồi tưởng lại những ngày không có nơi trú ẩn, Yemi Penn nói nỗi xấu hổ là một phần khá lớn trong nỗi lo của cô.
“Chúng ta đều thực sự quan tâm tới suy nghĩ của người khác về mình. Tôi thực sự không hiểu nổi hoàn cảnh của bản thân. Tôi từng tốt nghiệp đại học, từng học tập thực sự chăm chỉ để từ một kẻ thi trượt trở thành cử nhân ưu tú. Sau đó tôi trở thành người vô gia cư và lọt vào danh sách cần chỗ ở. Vì thế, với tôi, đó là nỗi xấu hổ lớn”, Yemi kể.
Triệu phú Yemi Penn. Nguồn: Entrepreneur.
Máu kinh doanh đã chảy trong huyết quản của Yemi từ khi cô còn là sinh viên. Trong trường đại học, cô và 3 nam sinh viên khác thành lập một nhóm mang tên “Black Aces” để tổ chức các sự kiện cho sinh viên, bao gồm các buổi trình diễn thời trang và tiệc đêm của các câu lạc bộ.
Lập một thứ từ con số không khiến cho một sinh viên như Yemi cảm thấy phấn khích. Sau đó mơ ước trở thành doanh nhân của cô càng lớn hơn sau khi cô trở thành mẹ. Khi nghỉ sinh, cô mở các lớp tập thể dục ở vài trường tiểu học. Cô đọc nhiều cuốn sách dạy kinh doanh như “Rich dad, Poor dad”, “Think and Grow Rich”. Những cuốn sách ấy thôi thúc cô hướng tới một sứ mệnh khác biệt trong thương trường.
Song những kí ức buồn trong quá khứ cũng ngăn cản Yemi dệt mộng vàng cho tương lai. Cô ví nó như một hố đen có khả năng hút con người, khiến chúng ta không thể tiến lên để sống một cuộc đời bình thường.
Hàng loạt nghiên cứu đã chứng minh kí ức buồn thay đổi cấu trúc não của con người. Các số liệu thống kê cho thấy những người từng trải qua kí ức buồn phải chịu nhiều dạng bệnh thần kinh cấp tính trong suốt phần đời còn lại.
“Làm thế nào để tôi có thể gạt kí ức buồn ra khỏi tâm trí để phấn đấu và trở thành một người có ích cho xã hội?”, cô tự hỏi.
Một bài học mà Yemi rút ra là: Khi chúng ta giấu hay cố quên một sự việc có thể thay đổi tính cách hay tư duy của chúng ta, nó sẽ tiếp tục ám ảnh chúng ta theo nhiều cách. Vì thế, cô luôn nhìn thẳng vào thực tế, chấp nhận những sự cố đã xảy ra và cảm giác đau buồn kèm theo.
Cô chia sẻ: “Thừa nhận những sai lầm trong quá khứ, thuê người giỏi hơn để san sẻ công việc là 2 bài học lớn để một bà mẹ đơn thân vượt qua nghịch cảnh và gặt hái thành công trên hành trình khởi nghiệp”.
Ngày nay Yemi là chủ của 3 công ty thành công với giá trị hàng triệu đô la và gần đây xuất bản cuốn sách phát triển bản thân mang tên “Did you get the memo”.
W Squared Coaching, công ty tư vấn kinh doanh của cô, mang tới cho các khách hàng những công cụ để họ có thể sống một cuộc đời có mục đích trong cả công việc lẫn cuộc sống riêng. Yemi cũng thành lập một công ty tư vấn cơ khí với trụ sở ở thành phố Sydney và London để tận dụng chuyên ngành đào tạo của cô (cơ khí).
Bài học lớn nhất mà Yemi rút ra trong hành trình kinh doanh là đầu tư vào những người có kĩ năng, kinh nghiệm hơn cô.
“Nỗi đau tài chính trong giai đoạn khởi đầu có thể lớn vì bạn luôn muốn thu kết quả từ mọi khoản đầu tư vào những người mà bạn thuê, nhưng bạn cần xây dựng một nhóm thay vì làm mọi việc. Tôi từng mua trợ lí ảo và giờ đây chúng vẫn hỗ trợ tôi, song việc tuyển dụng thành công một tổng quản lí mới khiến tôi cảm thấy tôi không đơn độc trong hành trình kinh doanh”, Yemi thổ lộ.
Hiểu rõ các khía cạnh tài chính của doanh nghiệp là một bí quyết nữa giúp Yemi thành công trong điều hành kinh doanh, và cô vẫn tiếp tục cải thiện kĩ năng hiểu con số.
“Quả thực ban đầu tôi không chú ý tới các con số tài chính. Song khi hiểu rõ chúng, tôi nhanh chóng xác định những việc mà công ty cần thực hiện để đạt kết quả mà tôi muốn”, Yemi kể.
Thương trường cũng dạy Yemi nhiều bài học quí, chấp nhận các trở ngại mà nữ giới phải đối mặt khi kinh doanh.
“Đương nhiên, phụ nữ chỉ là thiểu số trong giới doanh nhân. Xã hội luôn có vô số định kiến đối với phụ nữ làm kinh doanh, và phụ nữ cần phải chấp nhận thực tế ấy”, cô bình luận.
*Theo Entrepreneur