Bài tập này giúp bạn làm mạnh thận âm và thận dương, khắc phục các chứng bệnh về xương khớp (do thận chủ trị về xương khớp), các chứng đau mỏi lưng, tiểu đêm, yếu sinh lý.
Vì sao Khí công Himalaya ngày càng thu hút người tập?
Khí công Himalaya là bộ môn tập luyện của các bộ tộc cư dân và giới tăng lữ sinh sống trên dãy Himalay từ hơn 5000 năm nay, nhằm có đủ sức khỏe chống chọi với khí hậu cực kì khắc nghiệt điều kiện sống vô cùng kham khổ.
Tuy nhiên, phải tới thế kỉ thứ 7 sau công nguyên, khi vua Tây Tạng Songtsen Gampo chiêu hiền đãi sĩ, qui tập các bậc danh sư về y học, khí công và yoga đến từ Ấn Độ, Trung Hoa, Iran thì bộ môn này mới thực sự bước vào cao trào của sự thăng hoa.
Từ thời điểm đó, môn phái không ngừng được hoàn thiện, phát triển mạnh mẽ cho tới ngày nay.
Chính vì kết hợp, chắt lọc những tinh hoa, tinh túy nhất của yoga – khí công Tây Tạng, Ấn Độ, Trung Hoa, Ả rập… nên khối lượng các bài tập luyện của Khí công Himalaya vô cùng đồ sộ, phong phú, hiệu quả.
Với điều kiện địa lí đặc thù trên dãy Tuyết Sơn, đi lại khó khăn, xa xôi cách trở, nên các bài tập của Khí công Himalaya được thiết kế sao cho dễ nhớ, dễ nhập tâm, dễ tập nhất.
Cũng chính vì lí do này, nên suốt bao năm, Khí công Himalaya hầu như ít được phổ biến rộng rãi trên thế giới.
Chỉ sau năm 1953, khi Trung Quốc xua quân xâm lược Tây Tạng, rất nhiều cư dân và tăng lữ Tây Tạng phải bỏ nước sống lưu vong. Trên bước đường lưu lạc của mình, các lạt ma và các bậc thầy Khí công Himalaya đã truyền dạy pháp môn ở nhiều nước, đặc biệt là Ấn Độ, Nepal, Bhutan và một số nước ở Bắc Mĩ, Tây Âu.
Có lẽ, để phù hợp với thể trạng sức khỏe và điều kiện thời gian của con người thời hiện đại, các bài tập phần lớn được (bị) giản lược, rút ngắn lại. Và có lẽ để dễ được chấp nhận, không bị làm khó dễ, nên phần lớn các bài tập của môn phái được mang tên Yoga Himalaya, Yoga Tây Tạng… chứ không gọi là Khí công nữa.
Đây cũng chính là lí do khiến những bài tập được phổ truyền chỉ là những bài thuộc bộ nằm ngồi (do giống với yoga), chứ những bài thuộc bộ đứng hầu như vắng bóng ở những quốc gia kể trên.
Khí công Himalaya được Sư Tổ Nguyễn Văn Hoài (một bậc ẩn tu) truyền dạy tại Việt Nam cho một nhóm đệ tử và được công khai phổ biến từ ngày 21/8/2013 (tức Rằm tháng Bảy năm Quí Tị).
Sau 2 năm xuất hiện trong xã hội, Khí công Himalaya đã thu hút được sự quan tâm của công chúng và được hàng ngàn người miệt mài tập luyện.
Nhờ những hiệu quả cao trong lĩnh vực phục hồi sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật cho các học viên, ngày 17/8/2016 (cũng chính là ngày Rằm tháng 7 năm Bính Thân), pháp môn Khí công Himalaya đã chính thức được Liên hiệp các hiệp hội Unesco thế giới công nhận là thành viên chính thức dưới tên gọi: Trung tâm Unesco nghiên cứu và ứng dụng khí công Đông A.
Cũng như hầu hết tất cả các pháp môn dưỡng sinh, mục đích tối thượng của Khí công Himalaya là giúp người tập có được một tinh thần, trí tuệ minh mẫn trong một thân thể khỏe mạnh, ít ốm đau bệnh tật nhất. Các bài tập dù là động hay tĩnh đều tuân theo theo tiêu chí giúp học viên khám phá bản ngã và hòa nhập với vũ trụ.
Khí công là công phu tập luyện về hơi thở, tập khí công là tập cách thở sao cho đúng và làm chủ được hơi thở của mình.
Khí công Himalaya giúp thông khí huyết, cân bằng âm dương, làm mạnh lục phủ ngũ tạng, đem đến cho người tập một cơ thể khoẻ mạnh và trí óc minh mẫn.
Tác dụng của bài tập Vạn Bộ Trường Sinh – Món “cơm tẻ” cần ăn mỗi ngày
Bài tập này chỉ gồm 4 bước với 6 động tác, kết hợp hít thở, sẽ giúp người tập làm mạnh thận âm và thận dương, khắc phục các chứng bệnh về xương khớp (do thận chủ trị về xương khớp), các chứng đau mỏi lưng, tiểu đêm, yếu sinh lý và rất nhiều những tác dụng khác.
Gọi là “vạn bộ”, nhưng thực chất chỉ có duy nhất 1 bộ nhưng lặp đi lặp lại 1 vạn lần.
Con số 1 vạn bộ là điều kiện cần và đủ để làm khỏe và nâng cấp hai quả thận. Khi nào đi được 1 vạn bộ? Tùy vào mỗi người. Nếu mỗi ngày đi 30 bộ (hết khoảng 20-25 phút) thì trong 1 năm là đủ. Nếu một ngày tập 60 bộ (có thể chia làm 2-3 lần tập) thì trong nửa năm là hoàn thành 1 vạn bộ.
Cách thực hiện bài tập:
Cách hít thở: Hít mũi, thở mũi. Riêng đối với người huyết áp cao thì có thể hít mũi, thở mồm.
Kết cấu của 1 bộ: Bao gồm 4 bước theo thứ tự: Phải lùi (chân phải lùi ra sau) – Phải tiến (chân phải tiến lên phía trước) – Trái lùi (chân trái lùi ra sau) – Trái tiến (chân trái tiến lên phía trước).
Các bước này động tác giống hệt nhau. Do đó chỉ cần nhớ cấu tạo của 1 bước rồi lặp đi lặp lại là xong 1 bộ.
1 bước gồm 6 động tác.
Bắt đầu từ bước PHẢI LÙI:
1/Hít vào, co chân phải lên tạo với cơ thể một góc khoảng 90 độ, hai tay đặt ở hông bên phải. Tay trái bên ngoài nằm ngang, tay phải bên trong nằm dọc. 5 ngón tay phải hướng lên trời. Hai bàn tay đối xứng với nhau, cách nhau khoảng 1 nắm đấm.
2/Thở ra: Lùi chân phải ra sau, đứng đinh tấn, đồng thời hai tay từ ngực khỏa sang 2 bên như bơi ếch, lòng bàn tay hướng ra ngoài. Thở hết thì hai tay hạ hết xuống, lòng bàn tay ở phía dưới.
3/Hít vào, ngả người vừa phải (trong khả năng), chuyển tấn ra chân sau, hai tay vươn từ dưới lên, cong cườm tay. Khi hai cườm tay chạm mũi thì kết thúc hơi hít vào.
4/Thở ra, đứng thẳng người lên, vươn thẳng 2 tay lên phía trên đầu, lòng bàn tay hướng ra ngoài. Vừa thở ra vừa hạ hết tay xuống.
5/Vừa hít vào, vừa thực hiện các thao tác sau: kéo chân sau lên, kiễng 2 chân, nâng 2 bàn tay ngửa từ dưới lên ngang cổ, hóp bụng dưới, săn mông, nhíu hậu môn.
6/Thở ra, hạ 2 chân, 2 tay xuống.
Như vậy là xong bước PHẢI LÙI.
Bước tiếp theo là PHẢI TIẾN. Các động tác y hệt, chỉ có điều không lùi chân phải ra sau, mà tiến lên phía trước.
Bước tiếp theo là TRÁI LÙI, rồi TRÁI TIẾN. Hai bước này chỉ khác PHẢI LÙI – PHẢI TIẾN ở chi tiết 5 ngón tay trái chĩa xuống đất chứ không hướng lên trời (theo nguyên lí “Âm thăng – Dương giáng”) trong động tác 1.
Sau khi đã thực hiện xong 4 bước theo thứ tự PHẢI LÙI – PHẢI TIẾN – TRÁI LÙI – TRÁI TIẾN nghĩa là xong 1 bộ. Bộ tiếp theo lặp lại từ đầu với thứ tự y hệt như vậy.