Bạn gái rời Sài Gòn về quê khởi nghiệp kiếm bạc tỉ

TTO – Hai cô gái trẻ người Quảng Ngãi Nguyễn Thị Hảo và Lê Công Hạc cùng chọn ‘bỏ phố về quê’ khởi nghiệp trồng nấm để thay đổi cuộc đời mình và những người khác nơi vùng quê nghèo khó.

Hảo thành công trên đồng ruộng nhiễm phèn của mình sau khi bỏ phố về quê khởi nghiệp - Ảnh: TRẦN MAI
Hảo thành công trên đồng ruộng nhiễm phèn của mình sau khi bỏ phố về quê khởi nghiệp – Ảnh: TRẦN MAI

Đừng bám lấy thành phố

Thu nửa tỉ đồng mỗi năm tại vùng đất nhiễm phèn xã Đức Phong (huyện Mộ Đức), con số ấn tượng ấy đủ biến Nguyễn Thị Hảo trở thành một người trẻ tiêu biểu ở làng quê còn nghèo khó này.

Bí quyết thành công của cô gái 24 tuổi này chỉ đơn giản là “về quê khởi nghiệp bằng một mô hình gì đó thay vì bám lấy thành phố làm thuê kiếm sống”.

Nghe đơn giản vậy nhưng khi mùi mùn cưa ẩm xộc vào mũi thì mọi chuyện trở nên dài hơn. Hai năm trước, Hảo quyết định từ bỏ giấc mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch ở TP. HCM để ngược ra Hà Nội, Thái Bình rồi lại lặn lội vào miền Tây tầm sư học nghề trồng nấm.

Cô gái trẻ bảo rằng lúc đầu chú tâm nghiên cứu nấm linh chi nhưng rồi nhận thấy khởi nghiệp bằng loại nấm nhà giàu này “hơi căng” và đầu ra cũng không hề dễ dàng cho một người khởi nghiệp.

Dễ bán, dễ thu hồi vốn là suy nghĩ của cô gái con nhà nông. Bởi vậy, cô gái này chọn nấm rơm thay vì những loại nấm khác. Sau hai năm, giờ Hảo có trong tay năm sào trồng nấm rơm ngoài đồng và một trang trại ở nhà.

Trung bình mỗi ngày trang trại nấm của Hảo cho ra đời từ 60kg đến 100kg nấm thành phẩm. Hàng triệu mầm nấm nhú lên mỗi ngày đủ sức cung cấp cho thị trường tỉnh Quảng Ngãi và một số đơn đặt hàng ở các tỉnh lân cận.

Trang trại nấm của Hảo cũng là nguồn sống của khoảng 10 lao động địa phương. Tất cả là những người còn nhiều khó khăn. Giá trị của trang trại nấm được nâng lên khi những bữa cơm của 10 lao động khốn khó trở nên đủ đầy hơn.

Có lẽ vì vậy mà ông Đinh Văn Bé, phó chủ tịch UBND xã Đức Phong, bảo rằng trang trại nấm của Hảo đâu chỉ làm giàu cho mình mà nơi đó còn giúp bao mái nhà êm ấm hơn khi có thêm thu nhập.

“Nếu như người trẻ nào cũng dám về quê khởi nghiệp như Hảo thì cái nghèo, cái khó sẽ bị đẩy lùi. Mong lắm những bạn trẻ như Hảo”, ông Bé nói.

Cho đến bây giờ, Hảo vẫn giữ ở trang trại nấm của mình những sản phẩm sạch nhất bằng phương thức canh tác hữu cơ. Hảo bảo rằng không thể chấp nhận thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất “dính” vào nấm của mình. Đó là cách làm giàu bền vững và hội nhập.

“Người trẻ khởi nghiệp chỉ tồn tại khi sản phẩm của mình mang lại lợi ích và sức khỏe cho cộng đồng. Hội nhập rồi, ở đâu đừng bám lấy thành phố nữa và đừng làm ăn kiểu trời ơi”, Hảo nói.

Hạc vẫn đang cần mẫn với những nghiên cứu của mình để giúp nông dân sống được ở quê nhà - Ảnh: TRẦN MAI
Hạc cần mẫn với những nghiên cứu của mình để giúp bà con nông dân – Ảnh: TRẦN MAI

Đem ý tưởng cho quê nhà

Cũng bỏ thành phố, xa rời những bon chen để trở về quê nhưng cô kỹ sư công nghệ sinh học Lê Công Hạc lại chọn cho mình công việc trở thành “bà đỡ” của nông sản.

Với suy nghĩ đơn giản của tuổi thanh xuân và mong muốn cống hiến cho quê hương, Hạc chấp nhận từ bỏ công việc với mức lương hậu hĩnh ở TP.HCM về đầu quân cho Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Ngãi.

Hạc chuyên tâm nghiên cứu về nấm và một năm qua, dự án nấm hữu cơ “5 không” đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm nấm trên thị trường, cung ứng nấm an toàn cho người tiêu dùng và chuyển giao quy trình sản xuất nấm sạch đến người sản xuất.

“Mình chọn nấm nghiên cứu vì đầu ra hiện nay rất lớn trong khi vốn sản xuất lại nhỏ, dễ áp dụng và mang lại hiệu quả. Mình chỉ thích những nghiên cứu thực tế để áp dụng ngay trong sản xuất của người dân”, kỹ sư Hạc chia sẻ.

Nấm hữu cơ “5 không” Hạc đang áp dụng cho nông dân sản xuất là không sử dụng phân hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc trừ sâu và không chất bảo quản. Cô kỹ sư trẻ bảo rằng với cách làm này là thay đổi cả nhận thức và sản xuất nông sản của người dân quê.

Có lẽ những năm tháng làm việc ở Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM với chuyên ngành nghiên cứu nấm, Hạc đủ kiến thức và nhận thức để mang về quê nhà. Mô hình ấy như một cánh én cùng với những người trẻ khác đang từ bỏ thành phố về quê tạo nên một mùa xuân mới.

Hạc tâm sự: “Mình muốn bán ý tưởng ở ngay mảnh đất mình sinh ra và lớn lên. Ở đây cần những người trẻ tụi mình hơn những thành phố lớn”.

Ông Đinh Duy Sung, giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Ngãi, bảo rằng những công việc thầm lặng của Hạc và nhiều bạn trẻ khác sẽ vẽ ra một trang mới cho nông dân. Và mỗi ngày trôi qua, khi mầm nấm cựa mình cũng có nhiều gia đình bớt đi nỗi lo toan cơm áo gạo tiền, bớt đi những cuộc ly biệt nơi sân ga của những phận đời rời quê vào phố.

Kỹ sư Hạc mỗi ngày vẫn âm thầm kiểm soát quy trình sản xuất nấm từ đầu ra đến đóng nhãn mác, bao bì đưa vào siêu thị, cửa hàng nông sản sạch ở mọi miền Tổ quốc bán nông sản cho bà con. Còn Hảo vẫn miệt mài ngoài đồng ruộng nhiễm phèn quê mình theo dõi từng luống nấm rơm sinh sôi, rồi lại lang thang trên mạng tìm đầu ra để nấm của mình đi xa hơn.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin