Ban Quản trị nhà chung cư: Thiếu không được, có cũng chưa xong

Suốt một thời gian dài, nhiều khu chung cư, người dân “khóc ròng” vì chưa bầu ra được Ban Quản trị để bảo vệ quyền lợi của mình. Thế nhưng, thời gian gần đây, bầu được Ban Quản trị rồi, không ít khu chung cư, cư dân vẫn bức xúc, thậm chí tiếp tục “đấu tranh” với chính những người mình bầu ra để bảo vệ quyền lợi chung cho hoạt động của cả khu nhà.

TIN MỚI

Bức xúc vì ban quản trị thiếu minh bạch

Một trong những khu chung cư vừa mới phải thay thế Ban Quản trị (BQT) là tại dự án Văn Phú Victoria (Hà Đông- Hà Nội). Cư dân khu nhà Văn Phú Victoria cho biết, chi phí cho hoạt động của khu nhà là khoảng 13 tỷ đồng/năm.

Thế nhưng toàn bộ tiền thu phí dịch vụ của 1.300 căn hộ như thế nào, tiền trả cho các đơn vị dịch vụ ra sao theo ý kiến của cư dân, cũng như chi phí sửa chữa định kỳ của tòa nhà đều do BQT tự quyết mà không công khai cho cư dân. Cư dân đã bầu ra ban giám sát để giám sát hoạt động của BQT nhưng cũng không hiệu quả.

Chính vì thế, hơn 700 hộ dân đã ký đơn yêu cầu tổ chức hội nghị chung cư bất thường để thay thế BQT. Anh Đình Phong, chủ nhân căn hộ tại Tòa V2, một trong những cư dân mới đây đã ký vào lá đơn khiếu nại gửi tới các cơ quan chức năng cho biết, tháng 9-2014, dưới sự phối hợp của cư dân và chủ đầu tư, toà nhà chung cư Văn Phú Victoria đã tổ chức hội nghị lần đầu và bầu được BQT tòa nhà.

Ban Quản trị nhà chung cư: Thiếu không được, có cũng chưa xong - Ảnh 1.

Không ít khu chung cư hiện nay, cư dân không đồng tình với cách điều hành của ban quản trị do mình bầu ra.

Vậy nhưng, ngay sau khi được thành lập, giữa BQT và đông đảo cư dân lại phát sinh mâu thuẫn, nhiều cư dân không đồng tình với cách thức quản lý và hoạt động của BQT. Ngoài ra, các thông tin về hoạt động của BQT, về thu chi tài chính, về cung cấp dịch vụ theo phản ánh của cư dân đều chưa công khai minh bạch.

Vấn đề chất lượng nước sinh hoạt đã được đông đảo cư dân yêu cầu nhưng BQT cũng chưa xem xét thấu đáo dù đã đề ra hướng xử lý với cư dân.

Trong khi đó, chủ đầu tư đã bàn giao toàn bộ công tác quản lý, vận hành tòa nhà vào ngày 1- 1- 2017 và Quỹ bảo trì vào tháng 8- 2017 cho BQT, nhưng chủ đầu tư vẫn bị mang tiếng khi cư dân phản đối.

Thực tế cho thấy, Văn Phú Victoria chỉ là điển hình trong số những trường hợp xảy ra mâu thuẫn giữa cư dân với BQT do chính mình lập ra. Cư dân phản đối và tố BQT không thực hiện đúng cam kết, không công khai tài chính, lộng hành coi thường cư dân, tài chính thiếu minh bạch… và yêu cầu bãi miễn BQT không còn là chuyện hiếm.

Không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của cư dân, những mâu thuẫn như thế này còn gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín chủ đầu tư khi cuối cùng, không tìm được tiếng nói chung, người dân lại quay sang đổ lỗi do chủ đầu tư, dù rằng chủ đầu tư đã bàn giao hết cho BQT mà chính cư dân bỏ phiếu chấp thuận.

Nên bầu Ban Quản trị như thế nào cho hợp lý?

Lý giải cho mối quan hệ “cơm không lành canh không ngọt” giữa cư dân và BQT, Luật sư Trần Quang Khải, Giám đốc Công ty TNHH Luật Gia Phú chia sẻ, vấn đề này thực chất không có gì quá bất ngờ, bởi khi bầu ra BQT, nhiều cư dân chỉ biết ban đầu đây đều là những người nhiệt tình mà không rõ họ có chuyên môn quản lý, điều hành hay không.

Chính vì việc nhiều người chỉ nắm sơ về chuyên môn cũng tham gia vào BQT dẫn đến hàng loạt hệ lụy khác kéo theo như lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ không chuyên nghiệp, không có năng lực giám sát.

Chưa kể, theo luật sư Trần Quang Khải, khi ở địa vị của một cư dân đi đòi quyền lợi thì có người rất nhiệt tình nhưng khi được đặt vai trò quản lý mỗi năm lên đến cả chục tỷ đồng lại dẫn đến chuyện không minh bạch.

Nhiều BQT ở các tòa nhà chung cư đã được thành lập, nhưng bên cạnh sự nhiệt tình thì không ít người trong BQT lại thiếu chuyên môn trong việc vận hành, quản lý tòa nhà. Đã có những câu hỏi đặt ra cho câu chuyện BQT tòa nhà như nên tìm người trong chung cư có chuyên môn để quản lý, hay thuê một đơn vị chuyên nghiệp bên ngoài vào quản lý, vận hành tòa nhà.

Theo Luật sư Minh Ngọc, Công ty Luật hợp danh The Light thì lời khuyên cho các các cư dân khi bầu BQT là phải chọn BQT là người của tòa nhà chung cư và chuyên môn nhất định vì đầy đủ các yếu tố theo quy định của pháp luật: Là người chủ sở hữu căn hộ đang sinh sống tại đó đứng ra đại diện cho cư dân và đang là cư dân ở đó.

Theo Luật sư Minh Ngọc, vấn đề cư dân phản đối BQT do chính mình lập ra hiện nay không phải là vấn đề mới và cũng là một trong những vấn đề đang rất nóng hiện nay.

“Thông tư 16- 2016 đã xác định rõ BQT phải công khai minh bạch tại cuộc họp hội nghị nhà chung cư, trên thông tin đại chúng, trên bảng tin. Do đó, cư dân ở các khu nhà chung cư phải giám sát việc này thường xuyên. Bên cạnh đó, khi bỏ phiếu bầu BQT, các cư dân phải cân nhắc bởi ở các khu chung cư, việc thay đổi BQT là vấn đề không dễ dàng. Có những chỗ kéo dài 2 năm bởi nhiều thủ tục. Bởi tổ chức được 1 hội nghị chung cư bất thường với cơ sở phường là vất vả bởi họ không thường xuyên làm việc này”, luật sư Minh Ngọc đưa lời khuyên.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin