Tại nhiều khu đô thị ở Philippines, đặc biệt là ở vùng thủ đô Manila, ngày càng xuất hiện nhiều cửa hàng bán cà phê Việt Nam.
Nguyên do là nhiều bạn trẻ Philippines bén duyên với cà phê Việt sau khi đến Việt Nam sinh sống và làm việc, rồi từ đó mang cà phê chuẩn vị Việt về quê hương mình với giấc mơ khởi nghiệp.
“Cà phê Việt Nam đã xuất hiện ở Philippines được một thời gian và đang ngày càng phổ biến. Cà phê Việt Nam được ưa chuộng ở đây bởi hương vị mạnh mẽ và đậm đà” – Jen Sta. Ana, blogger người Philippines, chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Từ chiếc bàn ở chợ đến thương hiệu Drip Kofi
Jen Sta. Ana làm nghề điều dưỡng ở thành phố Pasig, Philippines. Ngoài công việc chính, Jen còn là một blogger được yêu thích với hơn 11.000 người theo dõi trên page Facebook Sand Under My Feet, nơi cô chia sẻ những địa điểm ăn uống, du lịch, bí quyết làm đẹp, thời trang… đến giới trẻ.
Đầu tháng 10 năm nay, Jen đăng bài giới thiệu về một quán cà phê mà cô mới khám phá ra trong khu mình sống, vừa có không gian đẹp, vừa có thức uống ngon.
“Cách đây mấy tuần, tôi có hẹn ăn trưa với hai người bạn của mình và chúng tôi tình cờ bắt gặp một quán cà phê rất đẹp, có cà phê Việt Nam đậm đà và thơm ngon”, Jen viết.
Quán cà phê mà cô giới thiệu có tên Drip Kofi, một thương hiệu cà phê có 18 chi nhánh ở Philippines. Ở đây, cà phê sữa đá Việt Nam – món mà Jen thích uống, là một trong những món bán chạy nhất.
“Dư vị của món đó thật sự ngon và cà phê cũng mạnh nữa. Tôi thích cách pha cà phê phin nhỏ giọt vì làm như vậy có thể chiết xuất được hết hương vị cà phê, và việc chờ đợi để có được một thức uống ngon thật xứng đáng. Thêm vào đó, tôi thấy việc chuẩn bị và pha chế cà phê Việt Nam rất có tính thẩm mỹ”, Jen nói.
Có gần 100% khách là người Philippines, Drip Kofi hoạt động với phương châm “nhiệt tình cam kết phục vụ cà phê Việt Nam đậm đà chuẩn vị”. Slogan này được đăng trên phần giới thiệu của quán trên Facebook.
“Bởi vì chúng tôi phục vụ cà phê bằng cả trái tim. Và chúng tôi biết rằng không gì có thể đánh bại được hương vị đậm đà và mạnh mẽ của cà phê Việt Nam”, Jizelle Bernardino, 34 tuổi, người sáng lập Drip Kofi, giải thích.
“Chúng tôi muốn mang đến những trải nghiệm cà phê đặc biệt bằng các sản phẩm cao cấp và dịch vụ khách hàng đặc biệt. Drip Kofi muốn trở thành nhà cung cấp cà phê Việt Nam hàng đầu trong ngành bằng cách tạo ra sự hiện diện trên khắp đất nước, bắt đầu từ từng hạt cà phê một, từng chiếc phin mà chúng tôi dùng để pha chế”, Jizelle tâm sự.
Cô gái người Philippines này bắt đầu ấp ủ giấc mơ về cà phê Việt từ lúc còn làm giáo viên ở TP.HCM vào năm 2013. “Tôi thực sự không phải là một người mê cà phê nhưng tôi đã yêu cà phê Việt Nam ngay từ lần đầu uống thử.
Nó có hương vị rất đặc biệt và cực đậm đà. Hồi đó tôi thường gửi cà phê về cho gia đình và bạn bè ở Philippines. Đó cũng là lúc tôi nhìn thấy cơ hội để giới thiệu cà phê ngon của Việt Nam với người Philippines”, Jizelle kể.
Nghĩ là làm, sau năm năm ở Việt Nam, Jizelle quay về quê hương và vun vén cho hành trình kinh doanh cà phê của mình. Cô còn nhớ Drip Kofi khởi đầu chỉ là một chiếc bàn nhỏ xíu kê ở một phiên chợ tại đô thị Taytay, tỉnh Rizal, cô đứng bán cà phê sữa đá Việt Nam. Vài tháng sau đó, Jizelle lấy hết can đảm để “chơi lớn”, mở một quán cà phê đầu tiên ở Taytay và nhận được nhiều ủng hộ.
Đến nay Drip Kofi đã phát triển gần 20 chi nhánh trên đảo Luzon và Manila với cửa hàng lớn nhất rộng 300m2 có sức chứa 80 khách, được nhắc đến trên các mạng xã hội và được đề cử nhiều giải thưởng kinh doanh ở Philippines.
“Chúng tôi trực tiếp lấy nguồn cà phê từ Việt Nam. Những sản phẩm bán chạy nhất của chúng tôi chắc chắn phải kể đến là Ca Phe Sua Da (cà phê sữa đá), Ca Phe Float (cà phê có kem vani bên trên), White Mocha, Spanish Latte…
Gần đây chúng tôi còn ra mắt món cà phê dừa của Việt Nam vì chúng tôi muốn người Philippines thưởng thức được sự kết hợp độc đáo giữa cà phê và dừa”, Jizelle nói. Cô cho hay mỗi tháng Drip Kofi nhập khoảng 100 – 150 triệu đồng tiền cà phê hạt từ Việt Nam.
Jizelle tâm sự việc kinh doanh cà phê của cô cũng có lên có xuống, thế nhưng một điều may mắn là trong đại dịch, thương hiệu của cô vẫn được cộng đồng ủng hộ, thậm chí còn nhiều hơn lúc bình thường.
Tấm vé miễn phí trải nghiệm Sài Gòn
Từ tháng 9-2021, bộ ba Ly-An Luz Jalandoni, Rhoanne Belgira Beduria (hay gọi là Ann) và Chareese Angela Abat đã cùng nhau gầy dựng một thương hiệu cà phê ở thành phố Iloilo, đặt tên là Saigon Brewers.
Cũng tương tự như Drip Kofi của Jizelle, Saigon Brewers bắt nguồn từ tình yêu với cà phê Việt Nam được hình thành trong thời gian những người sáng lập thương hiệu sinh sống và làm việc tại TP.HCM.
“Tất cả bắt đầu từ niềm đam mê cà phê và say mê văn hóa TP.HCM”, Ly-An chia sẻ. Ly-An và Ann từng có hai năm làm giáo viên dạy trẻ ở TP.HCM. Trong thời gian đó, Cha sang thăm chị họ Ly-An của mình và ngay lập tức bị cà phê và văn hóa địa phương “mê hoặc”.
Từ đó, ba cô gái trẻ mày mò tham gia vào các hội nhóm, câu lạc bộ về cà phê để tìm nguồn cung, bắt đầu hành trình cà phê của mình, với ước muốn “mang trải nghiệm cà phê Việt Nam đích thực về Iloilo, quê hương mình”.
Từ tháng 9 đến tháng 10-2021, bộ ba thử nghiệm bán trực tuyến cà phê hạt đặc sản và cà phê ủ lạnh đóng chai ở Philippines.
Sau đó nhóm tham gia nhiều sự kiện bán hàng hơn, bán nhiều sản phẩm hơn để thăm dò thị trường và nhận được nhiều sự ủng hộ, dần ghi dấu sự hiện diện của mình với cộng đồng.
Đến tháng 8 năm nay, Ann ngừng tham gia và đi Canada du học, đó cũng là lúc Ly-An và Cha quyết định phát triển thương hiệu hơn bằng việc mở một quán cà phê.
Hai chị em bắt đầu tìm hiểu về tỉ lệ cà phê, cách pha chế, tham gia các lớp đào tạo, gặp gỡ chuyên gia… để chuẩn bị cho bước ngoặt của mình. Khoảng một hai tháng sau, cửa tiệm cà phê mang tên Saigon Brewers ra đời.
Ly-An cho biết hành trình cà phê của nhóm gặp thử thách ngay từ khi bắt đầu vì nhiều người vẫn nghĩ sai về sự “chính hiệu” của cà phê mà cô phục vụ. “Điều thúc đẩy chính là sự chân thành của chúng tôi trong sản phẩm và sự độc đáo trong cách chúng tôi pha cà phê bằng phin nhằm mang lại hương vị cà phê Việt Nam đích thực.
Sau khi dùng thử, khách lạ trở thành khách quen, thành bạn bè và rồi thành gia đình. Họ chính là những người luôn truyền cảm hứng để chúng tôi tiếp tục tiến về phía trước và cải thiện kỹ năng pha chế của mình”, cô nói.
Sau một năm, các cô gái hãnh diện khi thấy thương hiệu của mình ngày càng có sức hút trong cộng đồng cà phê ở thành phố Iloilo trên đảo Panay.
“Chúng tôi trở thành một trong những nơi lui tới của hầu hết những người phải làm hoặc học hai ca mỗi ngày, vì cà phê của chúng tôi giúp họ tỉnh táo, đặc biệt là vì vị cà phê của chúng tôi khá mạnh so với các loại cà phê của những cửa hàng khác”, Ly-An cho biết.
Theo Ly-An và Cha, Saigon Brewers chủ yếu tập trung vào trải nghiệm Sài Gòn, phục vụ từ hạt cà phê đặc sản, cà phê phối trộn, đến trà, bánh mì và bún chả lấy cảm hứng từ ẩm thực đường phố Việt Nam. Khoảng 90% khách đến Saigon Brewers là người Philippines, 5% là người Việt sang công tác hoặc học tập, 5% còn lại là người đến từ các nước khác.
Với sự nhiệt tình cùng niềm đam mê, hai cô gái trẻ chưa đến 30 tuổi nói mình đang vận hành Saigon Brewers như là một quán cà phê cung cấp “tấm vé miễn phí” cho thực khách trải nghiệm Sài Gòn đích thực, từ những hạt cà phê đến cà phê pha thủ công bằng phin, đến các kiến thức về cà phê đặc sản.
Cạnh tranh cả về chất lượng lẫn giá cả
Ponte Cafe là quán cà phê ở Philippines có bán cà phê Việt Nam cùng đa dạng các món nước đến từ các quốc gia khác. “Đồ uống bán chạy nhất của Ponte Cafe là cà phê Việt Nam” – Kisha Ann Uygen, 22 tuổi, chủ quán Ponte Cafe, khẳng định chắc nịch.
“Chúng tôi muốn đưa cà phê Việt Nam vào thực đơn của mình vì tin vào khả năng tiếp thị của mặt hàng này. Về giá thành, cà phê Việt rẻ so với loại cà phê hạt pha máy espresso địa phương và nhập khẩu mà chúng tôi dùng, tuy nhiên chất lượng lại sánh ngang, thêm nữa lại rất dễ chuẩn bị với ít yêu cầu về dụng cụ thiết bị, và khi tất cả những yếu tố đó gom vào một loại cà phê ngon thì rõ ràng nó rất tốt cho việc kinh doanh”, Kisha thẳng thắn.
Ponte Cafe đặt mua hạt cà phê từ Việt Nam và pha tất cả sản phẩm cà phê Việt Nam bằng phin “để có được hương vị và trải nghiệm Việt Nam đích thực”. Ngoài cà phê pha theo kiểu Việt Nam, Ponte Cafe còn biến tấu kết hợp cà phê với khoai tím, một nguyên liệu mà người Philippines hay dùng, để cho ra món nước có tên Ube Vietnamese Coffee.
Kisha cho biết khách đến quán cô uống cà phê Việt Nam già trẻ đều có, với nhiều lý do khác nhau, chủ yếu là dân địa phương vì thị trấn Pontevedra nơi cô ở vốn không phải điểm du lịch nổi tiếng. Trong số đó, có một cặp vợ chồng lớn tuổi đến uống để nhớ lại kỷ niệm chuyến đi Việt Nam của họ, rồi dần dà trở thành khách quen.
Trong khi đó, theo anh Jackie Vuong – nhà sáng lập thương hiệu cà phê caphesach.org có cung cấp cà phê cho đối tác ở Philippines, thị trường cà phê tại Philippines đối với mặt hàng cà phê Việt Nam là rất khả quan.
“Người Philippines có thói quen ăn đồ ngọt, do đó văn hóa cà phê với sữa tươi, sữa đặc cũng là món uống yêu thích của nhiều người trẻ tại Philippines. Bên cạnh đó, tại Manila có nhiều Call Center (những trung tâm dịch vụ khách hàng qua điện thoại) làm việc vào ban đêm, nên nhu cầu cần caffein của họ cũng rất lớn”, Jackie Vuong giải thích. Tháng 7 vừa qua, anh tổ chức một buổi hội thảo về cà phê phin tại Manila, thu hút hơn 40 người tham dự.
Theo anh Jackie Vương, cà phê Việt Nam giờ đây được chế biến rất tốt, tạo nên hương vị độc đáo hơn, ngoài vị đắng ra, Robusta Việt Nam còn có hậu vị ngọt sâu, chua thanh, và nhiều hương trái cây khác như cam, mít, quýt… đây đều là những hương vị tự nhiên của cà phê, hoàn toàn không phải do thêm gia vị hay hương liệu gì cả.
Nên một tách cà phê Robusta chất lượng cao của Việt Nam giờ đây có thể nói là rất ngon và hoàn toàn mang đến trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng trong và ngoài nước.
“Giá cà phê Việt Nam cũng là lợi thế, do không quá cao so với các nước xuất khẩu cà phê khác, nhưng chất lượng và việc vận chuyển lại không hề thua kém”, anh Jackie Vuong nói.
Đặc sản cà phê sữa đá
Ly-An cho biết cà phê sữa đá kiểu Việt Nam khá được ưa chuộng tại một số quán cà phê ở Philippines, cho dù họ sử dụng hạt cà phê địa phương hay sử dụng các kỹ thuật pha chế khác.
Bản thân Ly-An cũng thử dùng các dụng cụ khác để pha cà phê nhưng hương vị cà phê phin vẫn là rất khác biệt.
Thêm vào đó, việc sử dụng các hạt cà phê đặc sản, chẳng hạn như cà phê Robusta rang đậm từ Việt Nam, cũng làm tăng thêm “sự kỳ diệu” và tính độc đáo của từng tách cà phê mà họ làm ra.
Buổi hội thảo cà phê đặc biệt
Văn hóa cà phê Việt Nam không chỉ xuất hiện tại các quán cà phê ở Philippines mà còn xuất hiện trong trường học. Tháng 9-2022, Trung tâm Nghiên cứu châu Á (ACAS) Đại học Ateneo ở Manila tổ chức một buổi hội thảo giới thiệu về văn hóa cà phê Việt Nam.
“Buổi hội thảo về văn hóa cà phê Việt Nam do cô Thi Sen Nguyen Kagahastian làm người hướng dẫn. Cô đã giới thiệu cách pha cà phê bằng phương pháp nhỏ giọt và bộ lọc cà phê đặc biệt của Việt Nam”, ACAS giới thiệu video ghi lại buổi hội thảo đăng trên Instagram.
“Đầu tiên cà phê xay của Việt Nam được cho vào phin và nén, rồi đặt lên trên một chiếc ly có sữa đặc (vừa đóng vai trò là kem béo vừa là chất làm ngọt). Sau đó cho nước nóng vào phin và cà phê sẽ nhỏ giọt vào ly”, ACAS miêu tả cách pha cà phê bằng phin.
Theo cô Violet B. Valdez – giám đốc điều hành ACAS, buổi workshop là một hoạt động của lớp tiếng Việt đặc biệt do cô Thi Sen Nguyen Kagahastian đứng lớp, dành cho nhân viên của hải quân Philippines. Buổi hội thảo cũng có sự tham dự của giảng viên trong trường.
“Hầu hết những người tham dự đã nghe nói về cà phê Việt Nam đặc biệt như thế nào, đặc biệt là mạnh ra sao (có thể khiến người ta tỉnh táo mấy ngày trời!), vì vậy họ rất muốn tìm hiểu để biết tại sao lại như vậy, và cũng để biết cách pha cà phê như của người Việt Nam. Hai trong số những người tham dự buổi workshop nói với tôi rằng họ đã thử pha cà phê theo kiểu Việt Nam”, cô Violet kể.