TTO – Đón những tiếng gà gáy sáng của xuân Đinh Dậu, các CEO thế hệ 8X cùng ngồi lại với Tuổi Trẻ bàn luận về đề tài “Doanh nghiệp tự đổi mới”.
Bàn tròn đầu năm với chủ đề “Làm mới mình để phát triển” với các doanh nhân trẻ thành đạt (từ trái qua) Nguyễn Hải Ninh, Vưu Lệ Quyên, Ngô Phương Thảo, Đoàn Thiên Phúc và Nguyễn Duy – Ảnh: Quang Định. Đồ họa: Tấn Đạt, Như Khanh |
Những người tham dự bàn tròn gồm: phó tổng giám đốc Vưu Lệ Quyên của Biti’s đang gây sóng gió thị trường với chiến dịch PR khiến Hunter trở thành thương hiệu giày được giới trẻ săn lùng; CEO Nguyễn Hải Ninh của Coffee House với chỉ số tăng trưởng ấn tượng: mỗi tuần một quán mới, mỗi năm doanh số toàn hệ thống tăng 300%;
CEO Nguyễn Duy của sơn KOVA với thành công vượt trội trên thị trường quốc tế so với các thương hiệu sơn đẳng cấp thế giới nhờ công nghệ nano sản xuất từ vỏ trấu; CEO Đoàn Thiên Phúc của Stetech Việt với sản phẩm thẻ tín dụng ảo, phần mềm chống trộm xe máy; CEO Pretty tips Ngô Phương Thảo với giấc mơ những thương hiệu riêng của dòng sản phẩm làm đẹp…
Đổi mới xoay quanh các giá trị lõi
* Doanh nghiệp của các bạn có thương hiệu đứng bền vững mấy mươi năm, có startup mới vừa xuất hiện, nhưng đều là doanh nghiệp tạo nên những tiếng vang, những đột phá rất mới trên thị trường năm vừa qua, đồng thời còn hứa hẹn những đột phá nữa trong năm tới. Hãy cho biết những động lực sâu xa nhất dẫn đến sự đổi mới ấy?
– Đoàn Thiên Phúc: Là công ty cung cấp các dịch vụ công nghệ, chúng tôi buộc phải đổi mới hằng ngày từ yêu cầu của khách hàng và từ những tính năng công nghệ mà mình có thể sáng tạo ra để sinh ra nhu cầu mới. Trong công nghệ, không đổi mới là sẽ tự đào thải ngay trong thời gian rất ngắn.
“Để thay đổi, chính mình là người phải dấn thân…” – Vưu Lệ Quyên (sinh năm 1980, phó tổng giám đốc Biti’s) – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
– Vưu Lệ Quyên: Biti’s sản xuất giày dép, một sản phẩm rất truyền thống và là thương hiệu có bề dày hơn 35 năm, chúng tôi không thể không đổi mới. Đổi mới ở mẫu mã để theo kịp thị hiếu người dùng. Đổi mới ở chất liệu để sản phẩm ngày càng hoàn thiện, phục vụ được nhiều loại nhu cầu. Đổi mới công nghệ để sản phẩm Việt có chất lượng ngang bằng quốc tế. Đổi mới cách tiếp cận khách hàng, tiếp thị sản phẩm để lôi kéo được giới trẻ hiện nay có quá nhiều lựa chọn…
Từ ba năm qua, Biti’s đã ra dòng giày thể thao, khách dùng đánh giá cao nhưng ít người biết đến. Chiến dịch Biti’s Hunter với hình ảnh mới, thông điệp mới, cách tiếp cận đột phá đã tạo được sức lan tỏa, cơn sốt của năm 2016. Đổi mới với chúng tôi mang tính sinh tồn.
– Nguyễn Hải Ninh: Chúng tôi chưa bao giờ hài lòng với những gì đã có. Các nhân viên phục vụ trong hệ thống của mình phải tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc làm việc để đảm bảo các tiêu chuẩn phục vụ khách hàng, nhưng ở cấp độ cao hơn của những người quản lý thì phải hết sức sáng tạo, tìm tòi, đổi mới.
Chúng tôi có bộ phận chuyên nghiên cứu hằng ngày để làm sao khách hàng được thoải mái hơn nữa trong “nhà cà phê” của mình, nhân viên cũng “khỏe” hơn để phục vụ khách tốt hơn.
Ở các cấp độ cao, khi vận hành hệ thống của chính mình, trải nghiệm quý giá nhất, “sướng” nhất là khi chúng tôi có thể trình bày và thực hiện ngay ý tưởng mình vừa nghĩ ra, theo dõi và tiếp tục sửa chữa đến khi hoàn thiện.
– Nguyễn Duy: Tôi cho rằng đổi mới là điều tất yếu với tất cả mọi người, doanh nghiệp lại càng cần thiết. Hãng sơn KOVA của chúng tôi có hơn 20 năm nền tảng vững chắc, đáng tự hào về khoa học công nghệ. Đó là điều giúp tôi tự tin khi đi ra thế giới, tiếp cận các thị trường mới, tìm khách hàng mới, thay đổi những phương thức thương mại của mình.
Trước đây, khi mang hàng tiếp cận vào Singapore, chúng tôi mất cả năm mới mở được thị trường. Rút kinh nghiệm, mới đây khi mở thị trường ở Nga, mọi thứ được tiến hành đồng bộ để từ khi tiếp xúc đến lúc lô hàng đầu tiên lên tàu chúng tôi chỉ mất vài tháng.
“Ước mơ của mình, không thể có người khác giúp” – Ngô Phương Thảo (sinh năm 1985, CEO trang thương mại điện tử Pretty.tips)- Ảnh: QUANG ĐỊNH |
– Ngô Phương Thảo: Startup của tôi thì quá mới so với doanh nghiệp của các anh chị, đổi mới với tôi là đi ngược con đường kinh doanh truyền thống: thay vì đi từ trong nước ra thế giới, tôi thì ngay từ đầu lập doanh nghiệp ở nước ngoài, huy động vốn đầu tư nước ngoài, khai thác các thị trường thế giới và đưa các dòng sản phẩm quốc tế quay ngược vào Việt Nam.
Có lẽ hướng đi ngược này phù hợp với dòng sản phẩm làm đẹp của tôi. Tôi hi vọng sẽ thành công trên thị trường Việt Nam rất hứa hẹn và cũng đầy thách thức.
* Những giá trị lõi nào mà các bạn gìn giữ khi đổi mới?
– Vưu Lệ Quyên: Tôi không bao giờ quên Biti’s là một thương hiệu vẫn có chỗ đứng trên thị trường từ mấy mươi năm nay, điều đó đáng để tôi có nhiệm vụ phải nâng niu, gìn giữ và giúp tôi vững vàng trước những nghiêng ngả của thị trường, thúc bách tôi phải đổi mới.
Chất lượng sản phẩm luôn là điều Biti’s phải tự tin “nâng niu bàn chân Việt”. Sản phẩm dành cho trẻ em phải nuôi dưỡng những điều tử tế, nên Biti’s luôn rất nghiêm túc với vấn đề bản quyền. Dòng sản phẩm Disney được mua bản quyền từng hình họa một…
Đó là những giá trị lõi sẽ luôn luôn bền vững của chúng tôi, là kết quả của cả một tập thể trong nhiều tháng năm bên cạnh những cơn lốc như Hunter…
– Nguyễn Duy: Lõi của sơn KOVA là khoa học. Tôi rất tự hào khi giới thiệu với khách hàng: “Sơn Kova được sản xuất theo công nghệ nano với nguyên liệu là vỏ trấu.
Bạn biết đấy, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu, vỏ trấu là phế phẩm của công nghệ xuất khẩu gạo và là nguyên liệu mà chúng tôi luôn chủ động…”. Công nghệ nano vỏ trấu cho chúng tôi ưu thế vượt trội so với các nhãn hàng khác, mang đến những tính năng vượt bậc cho sản phẩm.
Giờ đây, tôi thấy mình chỉ còn một nhiệm vụ: mở đường cho Kova đi xa hơn, nâng cao nhận thức về chất lượng hàng Việt Nam, quyết tâm hội nhập mà không bị nuốt chửng…
“Văn hóa bán lẻ là nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình” – Nguyễn Hải Ninh (sinh năm 1987, CEO chuỗi Coffee House) – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
– Nguyễn Hải Ninh: Triết lý của Coffee House: quan trọng nhất là khách hàng, thứ nhì là những nhân viên trực tiếp phục vụ khách, thứ ba đến những người quản lý, cuối cùng là các giám đốc.
Văn hóa bán lẻ là nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình, cơ hội sẽ đến sau đó. Chúng tôi đưa chất lượng dịch vụ quốc tế đến cho người địa phương.
Tôi rất nhớ những đôi sandal Biti’s theo chân suốt tuổi thơ của mình, hôm nay lại rất ngạc nhiên đến sửng sốt khi nghe Duy nói về sơn Kova từ công nghệ nano vỏ trấu.
Với thương hiệu, công nghệ và chất lượng sản phẩm như vậy, tôi nghĩ các anh chị nên đổi mới hơn nữa: nên niêm yết lên sàn chứng khoán, tìm thêm đối tác để phát triển rộng lớn hơn…
– Vưu Lệ Quyên: Việc niêm yết hiện giờ chúng tôi chưa tính tới, chứ không nói là không bao giờ. Nếu có đối tác với tầm nhìn xa hơn mình, có cơ hội với thị trường lớn hơn, cần nguồn lực mạnh hơn, khi đó có lẽ chúng tôi sẽ cân nhắc.
Hiện Biti’s đang tập trung mở rộng với các thương hiệu lớn để học tập, làm ra sản phẩm của mình. Những giá trị của sản phẩm và doanh nghiệp mà chúng tôi theo đuổi lớn hơn tiền bạc.
– Nguyễn Duy: Với sơn KOVA cũng vậy. Tiềm lực nội tại của Kova vẫn cho phép chúng tôi tiếp tục đào sâu nghiên cứu, mở rộng sản xuất, tìm thị trường mới (Nga, Mỹ), mở thêm nhà máy ở nước ngoài (Malaysia và Campuchia)…
Có lẽ chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục với phong cách gia đình truyền thống của mình thêm một đoạn đường nữa, trước khi nghĩ đến chuyện niêm yết để huy động nguồn lực xã hội, phát triển đối tác, thương hiệu. Điều đó là để mình đứng cho thật vững, tránh những tác động của người khác bắt mình phải thay đổi đến tự làm mất mình.
Đi tới, đi tiếp
* Việc thay đổi một truyền thống hay đổi mới một phương thức ắt không phải là điều dễ dàng. Các bạn sẽ vượt qua những rào cản thói quen, kinh nghiệm cũ của những “cây đa cây đề” như thế nào?
– Vưu Lệ Quyên: Đó chính là một thách thức nội tại mà chúng tôi buộc phải đối mặt và cũng chính là kế hoạch mà chúng tôi đề ra cho năm 2017. Những điều quen thuộc đã hằn sâu vào thói quen, quan điểm, suy nghĩ… không dễ thay đổi, nhất là khi đó là những điều mang lại thành công trong quá khứ.
Chúng tôi tôn trọng truyền thống, kinh nghiệm nhưng phải nhìn vào tương lai để quyết tâm đổi mới những gì cần thay đổi, thổi luồng gió mới vào những giá trị cốt lõi. Để dung hòa, chúng tôi cần một thời gian để mọi người quen với cái mới sau khi nhận ra sự cần thiết của nó.
– Nguyễn Duy: Ở công ty, tôi là một nhân viên. Ở gia đình, tôi là con cháu. Để có thể đưa được cái mới mà mình học được, nghiên cứu được vào doanh nghiệp, tôi phải vượt qua được những thử thách, phải tự chứng minh được mình, phải thuyết phục được những người đi trước từ những việc nhỏ nhất.
Tôi tự biết mình là người đi sau, là thế hệ thứ ba được hưởng thành quả của ông bà, cha mẹ, chú bác mình đổ mồ hôi, công sức, những gì tôi học được phải được nhào nặn kỹ cho phù hợp với doanh nghiệp của mình.
Sự kỳ vọng của gia đình là động lực lớn và cũng là áp lực không nhỏ để tôi biết phải cẩn trọng trong từng bước đi với cái mới của mình. Chúng tôi đi thẳng tới phía trước và đổi mới, nhưng phải chắc chắn và mạnh mẽ.
* Năm 2017 này, những bước đi nào sẽ là bước đi “chắc chắn và mạnh mẽ”?
– Vưu Lệ Quyên: Chúng tôi sẽ phải có thay đổi trong mô hình doanh nghiệp, đầu tư hơn vào chuỗi bán lẻ, tập trung hơn vào thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng trên xu hướng hiện đại hơn, phục vụ khách hàng tốt hơn.
– Nguyễn Duy: Một nhà máy mới, lớn nhất và hiện đại nhất của chúng tôi sẽ khánh thành trong năm 2017. Tiếp tục dấn sâu vào thị trường Nga, một thị trường lớn khác là Mỹ mà chúng tôi đang cân nhắc và tìm cách tiếp cận.
– Nguyễn Hải Ninh: Tiếp tục phát triển chuỗi đến mức tối đa có thể đảm bảo quy trình vận hành và chất lượng dịch vụ cho khách hàng ở tất cả các quán, các thời điểm. Và một cú đột phá mới – đang còn trong vòng “bí mật” – vào ngành đồ uống.
“Tìm cách, không tìm cớ” – Đoàn Thiên Phúc (sinh năm 1989, CEO Công ty cổ phần Stetech Việt)- Ảnh: QUANG ĐỊNH |
– Đoàn Thiên Phúc: Cốt lõi của chúng tôi là khách hàng. Chúng tôi đã lập ra một danh sách những vướng mắc của khách hàng, ca nào thường gặp nhất sẽ được giải quyết trước.
– Ngô Phương Thảo: Tiếp tục vai trò cầu nối giữa các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng trên thế giới với lượng khách hàng rất lớn tại Việt Nam, mang đến cho khách hàng sự yên tâm với hàng chính hãng và dịch vụ hậu mãi tốt nhất.
Hướng dài hơn của chúng tôi là xây dựng những dòng sản phẩm riêng cho những gương mặt đại diện nổi tiếng, có sức ảnh hưởng để kêu gọi người Việt Nam đoạn tuyệt với hàng gian, hàng giả, hàng trôi nổi, tự pha chế…
* Các bạn đều rất lạc quan và mạnh mẽ, tưởng như con đường đi của các bạn không có rào cản, chông gai nào. Thông điệp nào nuôi dưỡng sự lạc quan ấy?
– Vưu Lệ Quyên: Chúng tôi lạc quan hơn các thế hệ đi trước vì chúng tôi có nhiều công cụ hơn, nhiều kiến thức, nhiều cơ hội, nhiều nguồn lực hơn. Tôi quan niệm rằng khó khăn nào rồi cũng sẽ có cách giải quyết và để giải quyết, để bước tới, để đổi mới thì chính mình phải dấn thân vào, không chờ người khác.
“Dám ước mơ – Dám thực hiện – Giữ gìn giá trị cốt lõi” – Nguyễn Duy (sinh năm 1988, thế hệ lãnh đạo thứ ba Tập đoàn sơn KOVA)- Ảnh: QUANG ĐỊNH |
– Đoàn Thiên Phúc: Tôi cũng nghĩ vậy. Việc gì mình muốn làm, mình sẽ tìm ra cách làm. Nếu không muốn làm, sẽ tìm ngay ra cớ để không làm. Chúng tôi tìm cách, không tìm cớ.
– Nguyễn Duy: Khó khăn còn rất nhiều, nhưng tôi tin là mỗi ngày sẽ mỗi tốt hơn. Tôi tâm niệm: Phải dám ước mơ và dám thực hiện, đồng thời giữ gìn những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp mình.
– Ngô Phương Thảo: Chúng tôi vẫn lạc quan dù những khó khăn có thể mang đến trên đầu mỗi ngày một sợi tóc bạc mới. Không lạc quan thì không vượt qua được, mà ước mơ của mình thì không thể có người khác làm giúp.
– Nguyễn Hải Ninh: Tôi không có ý định dừng lại ở chuỗi cà phê. Chúng tôi sẽ mỗi ngày mỗi lớn mạnh để trở thành đế chế bán lẻ. Mỗi nhân viên của chúng tôi đều dự phần vào sự phát triển và thành công của chuỗi.
Chúng tôi tâm niệm: thị trường mênh mông như biển và chúng tôi sẽ lớn lên thành số 1. Nếu đi ra thế giới, tôi sẽ mang đi sản phẩm nào đó mang quốc hồn quốc túy của Việt Nam.