Bảng giá đất mới của TP HCM dự kiến sẽ áp dụng từ ngày 1/8 tới đây.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định điều chỉnh Quyết định 02/2020/QĐ-UBND về Bảng giá đất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Theo bảng giá đất tại TP HCM dự kiến áp dụng từ 1/8/2024 đến hết 31/12/2024, giá đất ở nhiều tuyến đường có thể tăng từ 5 đến 51 lần so với hiện tại.
Bảng giá chia theo các yếu tố khác nhau để định giá. Chẳng hạn, vị trí 1 là đất có vị trí mặt tiền đường áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất một mặt giáp với đường được quy định trong bảng giá đất.
Ở vị trí 1, đất trên đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1) trước đó có giá là 162 triệu đồng/m2 nhưng từ 1/8 có thể lên đến 810 triệu đồng/m2, tức gấp 5 lần.
TP Thủ Đức, thành lập từ đầu năm 2021, nhưng bảng giá đất từ năm 2020-2024 tại nhiều tuyến đường có giá chỉ từ 5 triệu đồng/m2. Nay theo bảng giá đất dự kiến tăng vọt từ 10 lần đến 30 lần.
Tại TP Thủ Đức, một số đoạn của đường Thảo Điền, Trần Não, Lương Định Của… dự kiến giá đất mới tăng 11 lần. Đặc biệt, giá đất nhiều tuyến đường ở các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ có tăng từ hơn 10 lần đến hơn 30 lần, có nơi tới 50 lần.
Dự thảo cho biết bảng giá được xác định theo nguyên tắc thị trường khi áp dụng sẽ tác động đến các nhóm đối tượng. Nhóm các trường hợp được bố trí tái định cư khi bảng giá đất điều chỉnh được công bố đảm bảo tương đồng với giá đất cụ thể và phù hợp với giá thị trường.
Và nhóm 11 đối tượng thực hiện thủ tục hành chính thì mức độ tác động có 3 nhóm đối tượng không bị tác động và 8 nhóm bị tác động.
Bảng giá đất mới “cập nhật từ giá giao dịch trên thị trường”
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin liên quan dự thảo bảng giá đất điều chỉnh mà sở đang lấy ý kiến, diễn ra chiều 29/7, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết Luật Đất đai 2024 quy định bảng giá đất áp dụng sau ngày 1/8/2024 không còn quy định về hệ số điều chỉnh và phải cập nhật giá đất tái định cư.
Dù rất muốn có thêm thời gian để thực hiện điều chỉnh bảng giá đất, tuy nhiên theo ông Thắng, “luật quy định nên muốn chờ cũng không thể được, luật không cho phép. TP HCM phải chấp hành nghiêm và các tỉnh, thành phố đều phải làm“, Báo Tuổi Trẻ thuật lời.
Ông Thắng nói thêm: “Dù thời gian ngắn, cấp bách nhưng không còn cách nào khác. Nếu không tham mưu để ban hành bảng giá điều chỉnh sẽ tắc nghẽn hết. Không thể chờ đến 1/1/2026”.
“Giá trong bảng giá điều chỉnh hiện nay được cập nhật từ giá giao dịch trên thị trường, thông qua các cơ quan thuế, văn phòng đăng ký đất đai”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM Nguyễn Toàn Thắng nêu. “Mặt khác cơ quan cũng cân chỉnh lại để đưa ra giá phù hợp nên không có chuyện làm tăng giá bất động sản trên thị trường, ngược lại giá phản ánh đúng giá giao dịch ở thành phố”.
Tám nhóm đối tượng bị tác động do bảng giá đất mới của TP HCM gồm:
– Nhóm hộ gia đình, cá nhân được công nhận và chuyển mục đích sử dụng đất sẽ áp dụng bảng giá đất cho tất cả diện tích không phân biệt diện tích trong hay ngoài hạn mức (điểm a, h, k khoản 1 Điều 159Luật Đất đai 2024). Trong đó, đối với diện tích đất ngoài hạn mức không bị ảnh hưởng (do bảng giá đất được xây dựng theo nguyên tắc thị trường). Tuy nhiên, đối với diện tích đất trong hạn mức sẽ có xét đến các mốc thời điểm sử dụng đất để quy định tỷ lệ thu trên cơ sở bảng giá đất (nội dung này đang được Chính phủ đưa vào dự thảo Nghị định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất).
– Tính thuế sử dụng đất. Trước đây, mức thuế sử dụng đất áp dụng mức 0,03% của giá đất tại Bảng giá đất. Đến nay, Bảng giá đất được điều chỉnh tiệm cận giá thị trường, do đó, mức thuế sử dụng đất sẽ tăng lên;
– Tính lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai;
– Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
– Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý, sử dụng đất đai;
– Tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê.
Theo Dự thảo Quyết định điều chỉnh Quyết định 02/2020/QĐ-UBND về Bảng giá đất trên địa bàn TP HCM.