Ung thư đại trực tràng một trong năm bệnh ung thư phổ biến tại nước ta ở cả hai giới. Năm 2018 có hơn 17.000 ca mắc mới và hơn 15.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.
12, 13 tuổi đã mắc ung thư
TS.BS Bùi Ánh Tuyết – Trưởng khoa Nội soi thăm dò chức năng, Bệnh viện K Trung ương cho biết bệnh ung thư đại trực tràng là một ung thư đường tiêu hóa hay gặp ở nước ta và nó cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo GLOBOCAN 2018 (Ghi nhận ung thư) có khoảng 1,8 triệu ca mới mắc chiếm 10,2 % và khoảng 880 nghìn ca tử vong chiếm 9,2 % tổng số ca tử vong do ung thư đại trực tràng. Ở Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng thứ 5 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở cả hai giới với số ca mắc mới là 14.733 và 7.856 trường hợp tử vong.
Bác sĩ Tuyết cho biết tại Bệnh viện K trung ương, các bác sĩ ghi nhận nhiều ca ung thư đại trực tràng khi còn rất trẻ thậm chí 12, 13 tuổi.
Nếu như trước đây ung thư đại trực tràng chỉ gặp ở những người trung niên và người già thì đến nay xu hướng trẻ hoá đã được ghi nhận. Nhiều trường hợp dưới 30 tuổi nhưng do đau bụng vào viện thì ruột đã bị tắc do khối u đại trực tràng xâm lấn hết lòng ruột, thậm chí có trường hợp đã di căn gan đa ổ.
Ung thư đại trực tràng nguy hiểm.
Điều đáng tiếc, dù là một trong 5 bệnh ung thư phổ biến ở nước ta nhưng ung thư đại trực tràng vẫn là căn bệnh có tỷ lệ sống trên 5 năm thấp vì 70 % người bệnh đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn.
Người bệnh đến ở giai đoạn này việc điều trị bệnh khó khăn, tỷ lệ thành công cũng hạn chế. Trong khi đó, theo thống kê của WHO, với nhóm bệnh nhân phát hiện bệnh giai đoạn sớm có tỷ lệ sống sau 5 năm đạt 90%, bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn thì chỉ khoảng 10%.
Còn những bệnh nhân ở giai đoạn muộn, bác sĩ Tuyết cho biết các bác sĩ chỉ điều trị giảm đau và chăm sóc triệu chứng là chủ yếu.
Dấu hiệu của bệnh
Trong cuộc sống hiện nay, nhiều người có thói quen ăn uống, sinh hoạt chưa khoa học nên không may mắc bệnh ung thư trực tràng. Trên thực tế, dù tương đối khó nhận biết, nhưng nếu quan sát kỹ, bạn vẫn có thể tự phát hiện các dấu hiệu ung thư trực tràng.
Những dấu hiệu cảnh báo có thể bị ung thư đại trực tràng:
Chán ăn, đầy bụng: Người bệnh có cảm giác khó tiêu, đầy trướng bụng trên vùng rốn, ăn không ngon.
Đau bụng: Người bệnh thường có cơn đau đáng kể ở bụng. Đau bụng được biểu hiện bằng các triệu chứng khó chịu ở vùng dạ dày, đau bụng từng cơn khiến người bệnh có cảm giác mệt mỏi, phờ phạc, sụt cân do chán ăn.
Nội soi để phát hiện ung thư đại trực tràng. Ảnh bác sĩ phẫu thuật nội soi cắt ung thư đại trực tràng.
Dấu hiệu đại tiện: Là dấu hiệu quan trọng để chỉ điểm ung thư đại trực tràng. Bác sĩ Tuyết cho biết đi ngoài phân nhỏdo đường đào thải ra bên ngoài phân của người bệnh đã gặp phải những vật cản khác trong đường tiêu hóa làm cho hình dạng và kích cỡ của phân bị biến dạng, thay đổi. Những vật cản đó có thể là các khối u đang được hình thành trong ruột kết.
Kèm theo phân nhỏ có thể đi ngoài ra máu đen, nhầy nhầy. Khi phân đi qua khối u không chỉ làm cho chúng thay đổi về kích cỡ mà chúng còn gây nên hiện tượng chảy máu. Bệnh nhân rối loạn tiêu hoá như lúc táo bón, lúc phân lỏng, đi đại tiện cảm giác không hết vẫn muốn đi tiếp.
Đại tiện kèm máu đỏ tươi, nhỏ giọt, phủ lên phân là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư trực tràng, tuy nhiên có một sự trùng hợp là nhiều người sẽ nhầm lẫn triệu chứng này với các dấu hiệu của bệnh trĩ, và cuối cùng tự để bệnh phát triển quá lâu dẫn đến bệnh ngày càng nặng.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nội soi Nhật Bản, khám sàng lọc và nội soi đại trực tràng giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng, đặc biệt cắt polyp giúp giảm tới 80% tỷ lệ mắc ungthư đại trực tràng.
Cũng theo bác sĩ Tuyết, để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng thì cách tốt nhất đó là phương pháp nội soi ống mềm. Khi nội soi ngoài quan sát được tổn thương còn lấy sinh thiết làm xét nghiệm về mặt tế bào học .
Các bác sĩ sử dụng hệ thống máy nội soi thế hệ mới nhất giúp hình ảnh sắc nét, hiển thị rõ tổn thương dù là nhỏ nhất cao cấp, có chức năng nhuộm màu bằng ánh sáng và phóng đại trên 100 lần, giúp phân tích rõ ràng vi cấu trúc và vi mạch máu của tổn thương, đưa ra nhận định chính xác về tính chất tế bào học của tổn thương, phân biệt tổn thương ung thư và không ung thư từ đó đưa ra hướng can thiệp kịp thời cho người bệnh.
Bác sĩ Tuyết khuyến cáo những người có tiền sử viêm đại tràng, polyp đại trực tràng, gia đình có anh em, bố mẹ từng bị ung thư đại trực tràng cần đi sàng lọc bệnh 1 năm 1 lần. Với người bình thường trên 40 tuổi được khuyến cáo nội soi đại trực tràng thường xuyên để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng.