Bao giờ tỷ giá thoát khỏi…tâm lý?

Một lần nữa, với giải thích tỷ giá tăng vẫn do yếu tố tâm lý, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định chưa điều chỉnh tỷ giá. Cơn sốt USD Mỹ sẽ tiếp tục diễn biến ra sao?

Điều hành tỷ giá chưa bao giờ là vấn đề đơn giản, nếu không muốn nói là khó khăn nhất trong điều hành chính sách tiền tệ của bất kỳ một ngân hàng trung ương nào chứ không riêng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam. Tỷ giá biến động là chuyện tất yếu, không chỉ do sự vận động của nền kinh tế trong nước, thế giới mà còn chịu tác động sâu sắc bởi các yếu tố chính trị, quân sự…

Nhân tính không bằng trời tính

Chính vì thế, việc Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiếp tục cam kết điều chỉnh tỷ giá không quá 2% trong năm nay được các doanh nghiệp đón nhận một cách phấn khởi và tin tưởng.

Nhưng trước sức ép của thị trường (đã xuất hiện từ cuối năm trước), ngày 7/1, NHNN đã phải điều chỉnh tỷ giá tăng 1%. Điều NHNN không thể dự báo được là đồng USD đã trỗi dậy mạnh mẽ trong những ngày qua, khiến tỷ giá càng lên cơn sốt. Không những thế, với sự hỗ trợ của đồng đôla Mỹ, giá vàng thế giới tăng, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới cũng tăng theo (chênh lệch ở mức trên 4 triệu đồng/lượng) khiến nhu cầu đưa vàng về Việt Nam tăng. Và trong khi NHNN đã từ lâu không cấp phép nhập khẩu vàng thì tất yếu vàng nhập về là vàng lậu. Do đó, nhu cầu ngoại tệ để nhập vàng tăng mà NHNN không thể lượng tính và không quản lý được.

Ngoài hai tác động mang tính “quốc tế” này thì tỷ giá tăng còn do yếu tố “nội địa” là nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp trong nước, nhất là những doanh nghiệp đã trót vay bằng USD. Theo nguồn tin của chúng tôi, tín dụng ngoại tệ đã tăng mạnh trở lại từ cuối năm ngoái và đặc biệt là trong những tháng đầu năm nay. Đồng đôla Mỹ lên giá khiến người vay đứng ngồi không yên, nhất là với những khoản vay đã đến kỳ trả nợ…

Những yếu tố này diễn ra cùng lúc đã đẩy tỷ giá niêm yết của các NHTM lên kịch trần theo quy định của NHNN (21.673 VND/USD). Trên thị trường tự do, USD đã có lúc được bán ra với giá gần 22.000 VND/USD. Giá trên thị trường được quyết định bởi cung – cầu. Vấn đề không phải là ngân hàng thiếu ngoại tệ mà là người mua sẵn sàng chấp nhận mức giá nào. Với sự ổn định của tỷ giá trong vài năm gần đây, cơ hội kiếm lợi từ kinh doanh ngoại tệ của các ngân hàng không lớn như trước. Đã có người đặt câu hỏi, liệu có sự làm giá để kiếm lời của các NHTM hay không.

Đồng đôla Mỹ chỉ tăng, không giảm?

Đúng! Nhưng chỉ là ở Việt Nam! Ngay cả khi vào cuối thập niên 1990, Mỹ chủ trương duy trì một “đồng USD yếu” để đẩy mạnh xuất khẩu hay vị thế của đồng đôla Mỹ bị thách thức bởi đồng EUR khi nó mới ra đời (năm 1999) và sau đó bị đồng Nhân dân tệ đe dọa chiếm ngôi… thì tại Việt Nam vị trí, vai trò của đồng USD trong nền kinh tế, trong hoạt động thanh toán, tích trữ của dân không hề thay đổi. Trong điều hành tỷ giá của mình, cho dù đồng USD giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới, thì NHNN luôn có động thái tăng tỷ giá VND/USD chứ không giảm (với lý do hàng đầu là để hỗ trợ xuất khẩu).

Chính vì thế, khi thị trường có biến động, lập tức người ta kỳ vọng tỷ giá sẽ tiếp tục tăng, và chỉ có tăng(!?). Nhưng lý do NHNN đưa ra vẫn chỉ là “tâm lý” thì có vẻ không ổn. Tất nhiên tâm lý đã tạo nên yếu tố cộng hưởng khiến tỷ giá biến động mạnh hơn. Nhưng với kinh nghiệm quản lý, điều hành một thị trường nặng yếu tố tâm lý như Việt Nam, tại sao NHNN không sớm đưa ra phát ngôn chính thức để ổn định thị trường? Có lẽ bởi nội tình không đơn giản như vậy.

Hôm 25/3, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tái khẳng định, NHNN chủ trương tiếp tục giữ ổn định tỷ giá và “NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định trong biên độ đề ra từ đầu năm”. Biên độ mà NHNN cam kết là 2%. Năm 2013, 2014, thị trường ngoại hối cũng có vài phen biến động mạnh, nhưng Thống đốc đã giữ đúng cam kết của mình. Chính vì thế, việc Thống đốc nói năm 2015 NHNN điều hành tỷ giá biến động không quá 2% đã khiến các doanh nghiệp yên tâm với bài toán chi phí đầu vào – ra để quyết định vay bằng VND hay USD. Thời gian gần, đây lãi suất cho vay bằng VND liên tục giảm, nhưng thấp nhất cũng 7%/năm (dành cho các đối tượng ưu tiên), cao nhất trên 10%/năm. Trong khi đó lãi suất cho vay bằng ngoại tệ thấp nhất là 3%/năm (ngắn hạn), cao nhất 7%/năm. Do đó, cho dù cộng cả mức độ biến động tỷ giá như NHNN cam kết thì rõ ràng doanh nghiệp vay bằng USD chịu chi phí thấp hơn so với vay VND.

Nhưng vấn đề là không phải lúc nào doanh nghiệp cũng mua được ngoại tệ với giá trong mức trần biến động để trả nợ ngân hàng. Khi tỷ giá tăng, người có thì muốn găm giữ chờ giá lên tiếp; người phải trả nợ thì lo đi mua trước vì sợ giá đôla tăng tiếp… Điều đó khiến cung càng giảm mà cầu tăng mạnh. Nhưng điều hành của NHNN không thể chỉ gói gọn trong cán cân cung – cầu ngoại tệ của doanh nghiệp mà còn cả tỷ giá. Nếu như trong nhiều lần trước đây NHNN giải thích tăng tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu thì lần này, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, dù có tăng tỷ giá cũng không hỗ trợ nhiều cho xuất khẩu mà còn làm tăng gánh nặng nợ công.

Về nợ công, năm 2014, nợ nước ngoài tương đương với nợ qua phát hành trái phiếu Chính phủ. Nhưng hiện chúng ta vay nợ nhiều nước hơn và nhiều nhất là Nhật Bản, sau đó đến WB, ADB, Nga… Như vậy đồng tiền chúng ta phải trả nợ nhiều là JPY, EUR, SDR, USD. Vậy vấn đề mấu chốt trong điều hành tỷ giá là chúng ta phải thay đổi, không thể tiếp tục “neo” VND vào USD. Cơ quan quản lý vẫn lấy USD làm trọng tâm thì không thể giảm tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế. Nếu NHNN không thay đổi “thói quen” chỉ điều chỉnh tăng thì sẽ khó hạn chế tác động của yếu tố tâm lý trong những cơn sốt tỷ giá.

Theo Thái Thanh

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin