Bảo hiểm nhân thọ – khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế, xã hội

Hằng năm, ngành Bảo hiểm chi trả số tiền lên tới vài chục nghìn tỷ đồng để bồi thường và cung cấp quyền lợi cho các cá nhân, tổ chức, giúp giảm gánh nặng kinh tế Nhà nước.

TIN MỚI

Quy mô thị trường bảo hiểm nhân thọ ngày càng lớn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Theo Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), mặc dù trong năm 2022 đối diện với nhiều khó khăn và thách thức nhưng thị trường bảo hiểm tại Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Các chỉ tiêu tăng trưởng quan trọng của ngành bảo hiểm được duy trì ở mức tăng trưởng khả quan.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tính hết ngày 12/12/2022 ước tính đạt 183.105 tỷ đồng (tăng trưởng khoảng 12% so với năm 2021), chiếm tỷ trọng 72,9% so với tổng doanh thu phí bảo hiểm.

Cũng theo số liệu từ Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, tính đến ngày 12/12/2022, chi trả quyền lợi bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước tính đạt 40.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 63,4% so với tổng chi trả quyền lợi.

Tạo ra công ăn việc làm

Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp bảo hiểm liên tục tuyển dụng các chuyên viên tư vấn tài chính, đại lý bảo hiểm… trên phạm vi cả nước. Điều này đã tạo ra công ăn việc làm ổn định góp phần giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp.

Số liệu từ Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho thấy, đến cuối năm 2022, toàn thị trường có gần 14 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 900.000 đại lý, người lao động.

Huy động nguồn vốn nhàn rỗi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư dài hạn cho một số lĩnh vực cổ phiếu, trái phiếu…

Nhờ vào hoạt động theo mô hình thu phí bảo hiểm trước, chi trả quyền lợi bảo hiểm sau, số tiền phí thu từ khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đem gửi ngân hàng hoặc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu địa phương… từ đó giúp nguồn vốn nhàn rỗi được sử dụng hiệu quả, tạo ra dòng luân chuyển nhanh góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Theo thống kê của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy năm 2022 các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt khoảng 592.811 tỷ đồng.

Giảm gánh nặng ngân sách quốc gia

Bảo hiểm nhân thọ sẽ giúp giảm gánh nặng ngân sách quốc gia trong việc chăm lo người già, và những người phụ thuộc khi người trụ cột trong gia đình không may qua đời. Những người được bảo hiểm đã có thể tự thu xếp, bảo vệ về mặt tài chính, được bảo hiểm chi trả bồi thường khi có rủi ro mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước.

Trong thời gian vừa qua, thị trường bảo hiểm đã chứng kiến nhiều trường hợp chi trả quyền lợi bảo hiểm lên đến hàng chục tỷ đồng. Mới đây, Prudential Việt Nam đã chấp thuận chi trả số tiền bảo hiểm hơn 23 tỷ đồng (gần 1 triệu USD) cho một khách hàng tại Cần Thơ.

Chia sẻ với chúng tôi, đại diện MB Ageas Life cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2022, MB Ageas Life đã chi trả quyền lợi cho hơn 40.000 khách hàng, trong đó có 5 trường hợp chi trả bảo hiểm hơn 1 tỷ đồng, 31 trường hợp chi trả bảo hiểm hơn 500 triệu đồng. Đặc biệt, rất nhiều khách hàng mới đóng phí năm đầu tiên nhưng đã nhận được quyền lợi chi trả từ MB Ageas Life.

Bảo hiểm nhân thọ không chỉ có vai trò bảo vệ tài chính, tạo dựng quỹ tiết kiệm cho cá nhân, gia đình mà còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế bền vững. Trong tương lai thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển và khẳng định vai trò của mình đối với nền kinh tế xã hội.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin