Một số ngân hành đặt yêu cầu bất khả thi đối với nghiệp vụ bảo lãnh thanh toán, vì vậy khi thực hiện nghiệp vụ thanh toán xảy ra tranh chấp không đáng có, gây thiệt hại cho cả 2 bên.
Thời gian vừa qua nhiều hợp đồng bảo lãnh thanh toán do các
ngân hàng phát hành nhưng không được thực hiện khi có yêu cầu. Có nhiều lý do
mà ngân hàng đưa ra để từ chối thanh toán bảo lãnh, cả hợp lý và không hợp lý,
và bao giờ doanh nghiệp nhận thư bảo lãnh luôn là người chịu thiệt hại trước
tiên.
Dịch vụ tiến tiến, nhưng không dễ …xơi
Trong các giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, một
nhiệm vụ khó khăn và nan giải là việc thu tiền bán hàng từ người mua. Chính vì
vậy dịch vụ bảo lãnh thanh toán ra đời với mục đích tạo thuận lợi cho doanh
nghiệp, khi bên bán có nơi để thu hồi vốn còn bên mua thì không phải bỏ ngay
một khoản tiền lớn để thành toán.
Về phía ngân hàng thực hiện nghiệp vụ cấp bảo lãnh đem lại
khoản phí bảo lãnh không nhỏ, 1-2% giá trị bảo lãnh. Hơn nữa việc thực hiện đầy
đủ nhiều hợp đồng bảo lãnh cũng là phương thức quảng bá hình ảnh hữu hiệu của
ngân hàng, thể hiện tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Có thể thấy cả 3 bên đều đạt
lợi ích khi sử dụng dịch vụ này.
Tuy nhiên thời gian qua nhiều chứng thư bảo lãnh đã không
được ngân hàng chấp thuận, có trường hợp doanh nghiệp nhận thư bảo lãnh đã kiện
ngân hàng ra tòa mới đòi được tiền như công ty Cao Trường Sơn kiện Chi nhánh
Hồng Hà-Agribank.
Nhưng cũng có trường hợp doanh nghiệp chưa chắc đã đòi được
tiền bảo lãnh bởi những rủi ro đến từ quyết định chấp nhận thư bảo lãnh. Mới
đây, ngân hàng HDBank cũng từ chối thanh toán cho CTCP Viễn Thông An Đô với lý
do chứng thư được cấp vượt thẩm quyền được giao, là chứng thư khống không có
giá trị và không được hạch toán vào hệ thống sổ sách của Hội sở.
Trúc trắc trong hợp
đồng bảo lãnh
Nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng được
doanh nghiệp ưa chuộng bởi khó có gì đảm bảo hơn một chứng thư bảo lãnh thanh
toán từ ngân hàng. Vì vậy khi nhận được thư bảo lãnh thường xem nhẹ các bước
thẩm định, hoặc thẩm định không đến nơi đến chốn.
Pháp luật quy định người có thẩm quyền ký kết của ngân hàng
là người đại diện pháp luật và người được ủy quyển hợp pháp từ người đại diện
pháp luật. Tiếp đó người được ủy quyền sẽ được ủy quyền cho người khác nếu như
được người đại diện pháp luật cho phép. Luật quy định chỉ được ủy quyền tối đa
đến người thứ 3.
Ví dụ với trường hợp công ty An Đô mặc dù có thực hiện thẩm
định nhưng chưa có xác nhận về thẩm quyền ký thư bảo lãnh từ phía Hội sở của
HDBank đã thực hiện giao dịch với doanh nghiệp đối tác là công ty Á Âu.
Như vậy ngân hàng có
cơ sở để từ chối thanh toán bảo lãnh với doanh nghiệp khi được yêu cầu.
Tuy nhiên, nếu người ký chứng thư bảo lãnh đúng là được ủy
quyền nhưng ngân hàng đưa ra lý do là vượt quá thẩm quyền, ví dụ quá hạn mức,
thì lý do đó thiếu thuyết phục . Bởi hạn mức ký phát là quy định nội bộ ngân
hàng, doanh nghiệp không có trách nhiệm phải biết.
Doanh nghiệp chỉ xác định đúng người ký có thẩm quyền ký kết
và giá trị hợp đồng không vượt quá 50% tổng tài sản ngân hàng theo đúng luật
doanh nghiệp là đủ thẩm quyền ký kết. Nếu nhân viên ngân hàng lạm quyền thì
ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm với thư bảo lãnh đó.
Ngoài ra, nghiệp vụ bảo lãnh còn có rủi ro từ việc ký kết và
điều kiện thực hiện bảo lãnh. Bên cạnh một số ngân hàng áp dụng bảo lãnh vô
điều kiện, chỉ cần trong thời hạn bảo lãnh thì cũng có ngân hàng đưa ra điều
kiện bảo lãnh rắc rối, gây khó khăn cho cả bên nhận bảo lãnh lẫn ngân hàng.
Ví dụ ngân hàng đưa ra điều kiện trong thời hạn bảo lãnh sẽ
thanh toán nếu bên được bảo lãnh vi phạm. Khi ngân hàng nhận yêu cầu thanh toán
của người có thư bảo lãnh với hồ sơ chỉ ra bên được bảo lãnh vi phạm thì phía
được bảo lãnh không đồng ý
Kết quả qua nhiều cấp tòa xét xử, mới xác định có vi phạm
hay không và ngân hàng có phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán bảo lãnh không.
Rủi ro để từ chối bảo lãnh còn ở cách ghi thời hạn bảo lãnh
, ví dụ thời hạn bảo lãnh là 360 ngày, dẫn tới cách hiểu khác nhau là ngày
thường hay ngày làm việc. Ngân hàng hiểu là ngày thông thường còn doanh nghiệp
tính là ngày làm viêc
Hầu hết các doanh nghiệp chỉ sử dụng nghiệp vụ bảo lãnh vào
cuối thời hạn do đó ngân hàng có thể từ chối thanh toán vì quá hạn, và để xác
định đúng sai lại phải thông qua phân xử tại tòa.
Doanh nghiệp cần khôn ngoan, ngân hàng phải cẩn trọng
Đối với ngân hàng khi thực hiện
nghiệp vụ cấp bảo lãnh điều cẩn trọng là khả
năng thu hồi vốn từ bên được bảo lãnh. Vì thế để giảm thiểu rủi ro, các ngân
hàng cần nâng cao nghiệp vụ nhân viên cũng như hoàn thiện quy trình cấp bảo
lãnh song song với nghiệp vụ giao dịch bảo đảm.
“Các ngân hàng đã có chủ trương
quản trị rủi ro, nhưng nhiều cán bộ tín dụng chưa có nhận thức đúng về mức độ
rủi ro mất vốn của cấp bảo lãnh cũng tương đương với một khoản cho vay. Do đó
phải thực hiện thẩm định khả năng trả nợ, tài sản bảo đảm của bên được bảo lãnh
để đảm bảo đó là khách hàng tốt, tài sản bảo đảm dễ xử lý trong trường hợp
Khách hàng phải nhận nợ bắt buộc và phải xử lý tài sản. Như thế mới hạn chế
được rủi ro mất vốn”- Luật sự Trần Minh Hải khuyến nghị.
Đối với điều kiện bảo lãnh thì cần
áp dụng nguyên tắc thanh toán vô điều kiện trong hợp đồng cấp bảo lãnh đối với
Khách hàng và cam kết bảo lãnh phát hành cho bên nhận bảo lãnh. Chỉ như thế,
thì mới dễ cho cả ngân hàng và doanh nghiệp khi sử dụng quyền thanh toán bảo
lãnh cũng như xử lý tài sản đảm bảo của Khách hàng.
Còn đối với doanh nghiệp, khi nhận
được thư bảo lãnh không nên vội vàng tin ngay mà cần có bước kiểm tra chéo. Xác
định thư bảo lãnh không phải là giả, người ký đủ thẩm quyền.
Doanh nghiệp nên liên hệ trực tiếp
với ngân hàng để nắm tình hình thực tế, nhất là hiện trạng của người ký hợp
đồng thư bảo lãnh. Thông tin này tốt nhất là được hội sở ngân hàng xác nhận.
Thói quen của nhiều doanh nghiệp
không làm trực tiếp với ngân hàng mà thường thông qua các “cò” do vậy rất dễ bị
lừa. Có trường hợp doanh nghiệp bị lừa do tin vào cò, mặc dù chữ ký của đúng
của giám đốc chi nhánh nhưng được ký sau khi bị cách chức.
Thanh Hải