Theo kênh truyền hình tài chính CNBC của Mỹ, các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam đang gặt hái những lợi ích khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một xã hội số vào năm 2030.
Năm 2020, Chính phủ đã công bố chiến lược quốc gia về chuyển đổi số. Mục đích của chiến lược hướng tới tăng tỉ trọng của nền kinh tế số, nâng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 14% hiện nay lên 20% vào năm 2025. Một làn sóng khởi nghiệp công nghệ đã hình thành tại Việt Nam.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: “Nếu các lĩnh vực kỹ thuật số của Việt Nam mở rộng khoảng 10%/năm, sẽ tích lũy tiền tệ cho nền kinh tế vượt quá 200 tỉ USD trong giai đoạn 2021-2045”.
Đó là lý do tại sao các quan chức đang trải thảm đỏ cho các doanh nhân công nghệ.
Năm 2021, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp mới Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM được công bố. Một năm sau, lộ trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khoa học được tiết lộ, với cam kết dành 1% GDP cho nghiên cứu khoa học.
Các công ty khởi nghiệp của Việt Nam thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư vào năm 2022, theo một báo cáo gần đây của Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures và Trung tâm Sáng tạo quốc gia – một đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Quỹ này đứng thứ ba về số lượng giao dịch ở Đông Nam Á và thứ tư về giá trị giao dịch vào năm 2022, báo cáo cho biết.
Đáng chú ý, các quỹ trong nước là những nhà đầu tư hàng đầu vào các công ty khởi nghiệp địa phương năm 2022, chiếm 45% tổng giá trị thương vụ.
Những “kỳ lân công nghệ” hiện tại của Việt Nam bao gồm nhà cung cấp giải pháp thanh toán điện tử VNPay, Tập đoàn VNG, ví thông minh MoMo và Công ty blockchain Sky Mavis – nhà sản xuất game dựa trên ứng dụng NFT Axie Infinity.
Trao đổi với Đài CNBC, một số nhà đầu tư địa phương đã xác định các lĩnh vực trọng tâm cốt lõi của họ, bao gồm từ bán lẻ đến hậu cần.
Công ty đầu tư mạo hiểm ThinkZone Ventures đã đầu tư vào 17 công ty khởi nghiệp công nghệ tại địa phương, với mức định giá gần 200 triệu USD, kể từ khi công ty được thành lập vào năm 2018.
VinaCapital tự gọi mình là một trong những nhà đầu tư mạo hiểm đầu tiên tại Việt Nam. Quỹ đã đầu tư 100 triệu USD vào 18 công ty khởi nghiệp công nghệ. Quỹ ưu tiên các công ty khởi nghiệp cung cấp các giải pháp hỗ trợ công nghệ, để cải thiện các hệ thống hiện có trong nông nghiệp, dịch vụ tài chính, hậu cần, truyền thông và bán lẻ.