Theo Techradar, bảo tàng nghệ thuật AI đầu tiên trên thế giới, mang tên Dataland dự kiến sẽ khai trương vào năm 2025 tại Los Angeles, California, Mỹ. Dự án này là ý tưởng của nghệ sĩ Refik Anadol, người tiên phong trong việc kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và nghệ thuật. Dataland sẽ tọa lạc tại Grand L.A, một trung tâm văn hóa nổi tiếng được thiết kế bởi kiến trúc sư Frank Gehry, bên cạnh các bảo tàng danh tiếng như MOCA (Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại).Dataland sẽ có diện tích hơn 1.800 m2, chuyên trưng bày các tác phẩm kỹ thuật số và những mô hình AI được phát triển từ dữ liệu thiên nhiên qua Large Nature Model (Mô hình Tự nhiên Lớn) của Refik Anadol Studio. Anadol miêu tả Dataland là nơi “trí tưởng tượng của con người gặp gỡ tiềm năng sáng tạo của máy móc”, với các tác phẩm mang tính đa giác quan và tương tác. Ông còn gọi Dataland là “bảo tàng sống động”, nơi nghệ thuật được tái hiện qua các pixel (điểm ảnh) và voxel (điểm thể tích – thường được ứng dụng trong lĩnh vực y tế như chụp cắt lớp CT).Mô hình LNM phát triển dựa trên dữ liệu từ thiên nhiên, phục vụ cho việc sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật sốẢNH: CHỤP MÀN HÌNHMô hình Large Nature Model là điểm nhấn chính của bảo tàng nghệ thuật AI này. Đây là mô hình AI đầu tiên trên thế giới được đào tạo dựa trên dữ liệu tự nhiên, hợp tác với nhiều tổ chức lớn như Smithsonian, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, Phòng thí nghiệm Điểu học Cornell. Dữ liệu bao gồm hàng triệu mẫu vật, hình ảnh và âm thanh, mang lại cho người xem những tác phẩm nghệ thuật số sống động và giàu cảm xúc. Đáng chú ý, dữ liệu được thu thập hợp pháp và chia sẻ với cộng đồng nghệ sĩ và nhà nghiên cứu khác, giúp phát triển nghệ thuật kỹ thuật số một cách minh bạch và đạo đức.Bên cạnh đó, các máy chủ vận hành mô hình Large Nature Model tại Google ở Oregon sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo, giúp bảo tàng nghệ thuật AI này thể hiện cam kết về trách nhiệm môi trường. Hình ảnh từ video của Dataland minh họa nghệ thuật số dựa trên dữ liệu thiên nhiên, sử dụng voxel tạo ra môi trường 3DẢNH: CHỤP MÀN HÌNHTrong cuộc phỏng vấn với Los Angeles Times, Anadol nhấn mạnh rằng AI không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là “đồng sáng tạo” trong nghệ thuật. Ông cũng giải thích, nghệ thuật tại Dataland không phải thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) hay thực tế mở rộng (XR), mà là một hình thức mới mà ông tạm gọi là “thực tế tạo sinh” (generative reality). Điều này đã thu hút sự chú ý lớn trong cộng đồng nghệ thuật khi mô hình bảo tàng nghệ thuật AI này có khả năng thay đổi cách nhìn về sự kết hợp giữa con người và máy móc.Sự ra đời của Dataland cũng đồng thời khơi mào cuộc tranh luận về tương lai của nghệ thuật. Một số ý kiến lo ngại AI sẽ làm suy giảm tính nhân văn, trong khi những người khác lạc quan đón nhận AI như một công cụ sáng tạo.