Giao tiếp lành mạnh là một kỹ năng mà mỗi người nên học hỏi và bồi đắp thường xuyên. Nó sẽ giúp bạn xây dựng được những mối quan hệ chất lượng, tạo lòng tin với đối phương.
Bình đẳng và tôn trọng đối phương là nguyên tắc quan trọng trong quá trình giao tiếp. Ảnh: T.N. |
Giao tiếp lành mạnh có thể được định nghĩa là “sự trao đổi hiệu quả những suy nghĩ và cảm xúc giữa con người với nhau, và truyền đạt một cách trung thực, rõ ràng những yêu cầu, đồng thời là sự tôn trọng quyền lợi của nhau”. Theo định nghĩa này, có thể chia thành ba yếu tố chính sau đây:
– Giao tiếp lành mạnh là bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc, nhu cầu của bản thân và tự chịu trách nhiệm về chúng.
– Giao tiếp lành mạnh tôn trọng quyền thể hiện bản thân của chính mình và của cả đối phương.
– Giao tiếp lành mạnh là một kỹ năng, không phải là tính cách.
Yếu tố đầu tiên trong giao tiếp lành mạnh là bày tỏ rõ ràng và độc lập những gì mình nghĩ, mình cảm nhận và cả những điều mình mong muốn. Ở đây, suy nghĩ của tôi là của tôi, cảm xúc của tôi là của tôi và nhu cầu của tôi là của tôi. Tôi có quyền tự do lựa chọn, tôi chịu trách nhiệm về điều đó và đối phương cũng vậy.
Yếu tố thứ hai là thừa nhận rằng đối phương có quyền nói những gì họ muốn, cũng như bạn có quyền nói những gì mình muốn nói mà không bị giao động. Ở đây, sự quan tâm và tôn trọng quyền lợi của đối phương không có nghĩa là bạn phải thay đổi mọi thứ của bạn để phù hợp với họ.
Cũng không phải là việc đồng ý một cách vô điều kiện hoặc bị cuốn theo những suy nghĩ cho rằng đối phương là đúng, để rồi phải thay thế họ gánh vác cảm xúc và chịu trách nhiệm cùng họ.
Càng không phải là không thể từ chối hoặc chấp nhận tất cả các yêu cầu của họ. Trong trường hợp đó, bạn chỉ đang tôn trọng quyền lợi của đối phương mà quên mất đi quyền lợi của chính mình.
Đơn giản, bạn chỉ cần thừa nhận rằng đối phương cũng có suy nghĩ, cảm xúc, nhu cầu của riêng họ, họ cũng như quyền bày tỏ chúng ra bên ngoài, đây chính là bước khởi đầu trong giao tiếp lành mạnh. Giao tiếp lành mạnh không nhất thiết phải là đồng tình, thông cảm và giải quyết ngay lập tức.
Yếu tố quan trọng thứ ba chính là cần phải hiểu rõ việc giao tiếp không phải tính cách hay tài năng sẵn có mà đó là kỹ năng do con người tích lũy được. Cũng có nghĩa là khả năng giao tiếp lành mạnh không phải là khả năng bẩm sinh, chắc chắn sẽ có những lúc bạn không thể nói được điều mình muốn nói, để rồi cuối cùng phải hối hận. Điều này cũng giống như một vận động viên có thể mắc lỗi ngay cả khi họ đã luyện tập cùng một động tác hàng chục nghìn lần.
Hơn nữa, trong cuộc sống, có thể chúng ta sẽ gặp rất nhiều tình huống giống nhau, nhưng không phải lúc nào cũng xử lý theo một cách rập khuôn. Vấn đề giao tiếp cũng vậy, nó giống như một bài toán tìm cách giải mới nên không thể giải quyết chỉ bằng cách nhìn vào đáp án được.
Nói cách khác, vì đây là một quá trình không ngừng học hỏi và trau dồi thông qua việc thử nghiệm và mắc sai lầm nên bạn không cần phải quá khắt khe với bản thân nếu như bạn có lỡ mắc lỗi.
Và cho dù bạn có “tài năng” đi chăng nữa, nhưng nếu không trau dồi thì mãi mãi không thể phát triển được kỹ năng này, nếu chăm chỉ học hỏi và luyện tập thì ai cũng có thể tốt lên. Dù vậy thì không ai là không mắc sai lầm. Kỹ năng giao tiếp cũng không ngoại lệ.