Bão Yagi tàn phá nhóm doanh nghiệp than ở Quảng Ninh ngoài sức tưởng tượng
Bão số 3 (Yagi) được nhận định là siêu bão chưa từng có, đổ bộ vào Quảng Ninh ngày 07/09 đã gây thiệt hại nặng nề cho địa phương, trong đó nhóm doanh nghiệp khai thác than là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, chịu tổn thất lớn nhất.
“29 người thiệt mạng, 1,609 người bị thương, 4 người mất liên lạc; thiệt hại về tài sản khoảng 24,223 tỷ đồng…” là những thông tin được UBND tỉnh Quảng Ninh công bố tại Hội nghị tổng kết công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3 tổ chức ngày 21/09.
Tác động lan rộng của bão số 3 đã làm gián đoạn sản xuất của nhóm doanh nghiệp khai thác, kinh doanh than trên địa bàn tỉnh, trong đó có các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Cập nhất đến ngày 24/10, có 6 doanh nghiệp niêm yết trên sàn thuộc TKV đã công bố BCTC quý 3/2024, ghi nhận lợi nhuận giảm sâu, thậm chí lỗ kỷ lục do chịu thiệt hại từ cơn bão số 3.
CTCP Than Núi Béo – Vinacomin (HNX: NBC) chỉ đạt 348 tỷ đồng doanh thu thuần quý 3, lao dốc 61% so với cùng kỳ, cũng là mức thu thấp nhất 3 năm qua. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Công ty lỗ gộp 63 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 117 tỷ đồng. Sau cùng, lỗ ròng ở mức 104 tỷ đồng, mức lỗ đậm nhất lịch sử.
Công ty cho biết trong quý 2 và 3 thời tiết bất lợi, mưa lớn dài ngày, đặc biệt trong tháng 9 Công ty chiụ thiệt hại rất lớn từ cơn bão số 3 dẫn đến phải dừng sản xuất dài ngày. Chất lượng than sản xuất giảm, công tác tiêu thụ than của Công ty giảm làm kết quả sản xuất kinh doanh giảm.
CTCP Than Vàng Danh – Vinacomin (HNX: TVD) cũng có quý lỗ nặng nhất từ trước đến nay, lỗ ròng hơn 57 tỷ đồng trong quý 3, giảm sâu so với mức lãi 10 tỷ đồng cùng kỳ. Doanh thu ở mức thấp nhất 4 năm tính theo quý, đạt hơn 1,230 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ.
Công ty cho biết do nơi tâm bão đi qua (khu vực Uông Bí) kèm theo mưa lớn (lượng mưa đo được gần 450ml) gây ra ảnh hưởng nặng nề đến khu vực sản xuất của Công ty; mưa lớn kèm theo dông bão làm mất điện lưới gây ngập các đường lò mức -50 khu Cánh gà, mức -10 và mức -175 khu vực Giếng Vàng Danh, dẫn đến các diện sản xuất của các đơn vị tại khu vực này bị ảnh hưởng không sản xuất được…
Công ty phải dừng sản xuất để khắc phục sự cố, chi phí khắc phục sự cố và dừng sản xuất đã làm ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của Công ty.
Để khắc phục xử lý sự cố, hậu quả do bão số 3 gây ra, CTCP Than Cao Sơn – TKV (UPCoM: CST) đã phát sinh khoản giá vốn hàng bán mưa bão gần 23 tỷ đồng, cùng kỳ không ghi nhận.
Dù có thu nhập khác từ thanh lý tài sản và thẩm định giá trị tài sản cũng không đủ bù đắp khoản lỗ. Kết quả, Than Cao Sơn lỗ ròng gần 43 tỷ đồng, cùng kỳ vẫn có lãi 31 tỷ đồng, và là mức lỗ nặng nhất từ khi niêm yết của Doanh nghiệp.
CST có quý lỗ đậm nhất lịch sử |
CTCP Than Hà Tu – Vinacomin (HNX: THT) dù may mắn thoát lỗ nhưng lãi ròng thu về vỏn vẹn 277 triệu đồng, bốc hơi 97% so với cùng kỳ và là mức lợi nhuận hàng quý thấp nhất 8 năm qua (sau quý 3/2016 lỗ 2 tỷ đồng).
Công ty cho biết do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều, đặc biệt là cơn bão số 3 (siêu bão Yagi), gây bất lợi cho sản xuất của Công ty, sản lượng tiêu thụ quý 3 gần 260 ngàn tấn, giảm tới 67% so với cùng kỳ, khiến doanh thu giảm tới 60% về 507 tỷ đồng, ảnh hưởng kết quả lợi nhuận.
CTCP Than Hà Lầm – Vinacomin (HNX: HLC) cũng bị bão số 3 cuốn trôi một nửa lợi nhuận, lãi ròng hơn 11 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận hàng quý thấp nhất 2 năm qua của Doanh nghiệp. Doanh thu về đáy 8 năm, ở mức 565 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ.
Công ty phân trần đầu tháng 9 bị ảnh hưởng trực tiếp bão số 3 làm hư hỏng một số công trình ngoại mặt bằng và hệ thống đường điện, mất điện lưới 9 ngày dẫn đến phải dừng sản xuất 7 ngày để khắc phục hậu quả cơn bão để lại.
Doanh thu quý 3 của HLC về đáy 8 năm |
CTCP Than Mông Dương – Vinacomin (HNX: MDC) ghi nhận doanh thu và lãi ròng đều ở mức thấp nhất 2 năm, lần lượt đạt gần 528 tỷ đồng và 9 tỷ đồng, giảm 29% và 41% so với cùng kỳ 2023.
Kết quả kinh doanh hàng quý của MDC trong 2 năm qua |
Chỉ 1 doanh nghiệp về đích lợi nhuận năm sau 3 quý
Dù đối mặt nhiều thách thức từ thiên tai, song thống kê 9 tháng đầu năm cho thấy các doanh nghiệp trên vẫn đang đi đúng kế hoạch, thậm chí vượt kế hoạch cả năm 2024.
Nổi trội, Than Cao Sơn đã về đích trước 3 tháng khi lãi trước thuế 9 tháng gần 167 tỷ đồng, vượt 28% kế hoạch năm và tăng 17% so với cùng kỳ; mặc dù doanh thu thực hiện được 78% kế hoạch, đạt gần 7,400 tỷ đồng, tăng 17%.
Cùng vượt hơn 75% mục tiêu lợi nhuận năm là Than Hà Tu và Than Hà Lầm. Cụ thể, Than Hà Tu lãi trước thuế hơn 68 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ và đạt 81% kế hoạch năm. Còn Than Hà Lầm đi được hơn 3/4 kế hoạch, mặc dù lãi trước thuế đi lùi 10% về còn 76 tỷ đồng trong 9 tháng.
Than Mông Dương ngấp nghé đạt 70% kế hoạch lợi nhuận, với lãi trước thuế gần 44 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ.
Duy chỉ có Than Núi Béo kinh doanh chưa có lời khi 9 tháng lỗ 71.5 tỷ đồng, kém xa mục tiêu lãi trước thuế 76 tỷ đồng. May mắn hơn là Than Vàng Danh dù lỗ đậm quý 2 nhưng tổng kết 9 tháng vẫn lãi trước thuế 15.5 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ và thực hiện được 9% kế hoạch năm.
Thế Mạnh
FILI