Bất động sản phát mãi liên tục được ngân hàng hạ giá, có dễ mua nhà với giá hời?

Dù tài sản phát mại từ các ngân hàng có giá “mềm” hơn BĐS là nhà đất, căn hộ bên ngoài thị trường. Nhưng tất cả đều có lý do nên người mua đừng ham rẻ mà phải tìm hiểu rõ các trình tự thủ tục, xem quá trình đưa ra định giá phát mãi, các cơ quan liên quan, chủ đầu tư…

TIN MỚI

Hiện nay, nợ xấu của các ngân hàng chủ yếu tập trung ở lĩnh vực bất động sản. Nhiều bất động sản phát mãi được rao bán với giá rẻ hơn giá thị trường khoảng 10 – 15%, thậm chí có bất động sản liên tục được ngân hàng hạ giá nhưng vẫn kén người mua. Nguyên nhân bởi thủ tục, giấy tờ mua các bất động sản này thường phức tạp.

Liên quan đến các vấn đề pháp lý khi mua nhà đất phát mãi thông qua hình thức đấu giá, các luật sư cho biết trường hợp thủ tục tiến hành việc đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra theo đúng quy định pháp luật thì sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính thì người trúng đấu giá hoàn toàn có thể tiến hành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không hề gặp bất kỳ vướng mắng nào.

Tuy nhiên, giao dịch này vẫn tồn tại một số rủi ro nhất định. Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, BĐS phát mại, thanh lý khá hấp dẫn do mức giá “mềm”. Tuy nhiên, với những người mua nhà để ở thì họ lại không mặn mà, khi quan niệm của đa số người dân Việt Nam khi mua nhà là tránh những ngôi nhà mà chủ cũ làm ăn “bết bát”.

Bên cạnh đó, việc mua các BĐS thanh lý có thể đi kèm nhiều rắc rối về pháp lý cũng như sự đồng thuận của chủ tài sản. Ngoài ra, không ít tài sản bảo đảm đã được định giá cao hơn giá trị thực tế khi phê duyệt khoản vay. Do đó, khi thanh lý, các ngân hàng thường có xu hướng định giá theo giá trị khoản nợ mà không sát với giá thị trường.

Ngoài ra theo các luật sư, người mua còn gặp phải nhiều rủi ro từ bất động sản phát mãi. Thứ nhất, rủi ro phát sinh khi người mua nhà phát mại mua trực tiếp từ chủ nhà cũ – tức “con nợ” thông qua sự giới thiệu từ phía ngân hàng. Lý do vì đây là loại tài sản bị tịch biên, khi người mua làm việc trực tiếp với chủ tài sản (con nợ) nghĩa là họ đang giao dịch với người không sở hữu hoàn toàn tài sản. Nếu không nắm kỹ những thông tin này, người mua có thể gặp rắc rối và phải mất nhiều thời gian để giải quyết.

Thứ hai, người mua nhà có khả năng gặp phải các vấn đề phức tạp trong mối quan hệ 3 bên gồm chủ sở hữu tài sản, ngân hàng và người mua. Chẳng hạn như trường hợp người thi hành án không hợp tác khi bắt buộc phải bàn giao tài sản; nhiều người sau khi hoàn tất thủ tục mua nhà bán đấu giá thì bị chủ nhà cũ lật kèo không chịu bàn giao tài sản.

Cuối cùng, cơ chế luật liên quan đến việc bàn giao tài sản cho người mua trong trường hợp các bên không đồng ý sẽ được giải quyết bằng một vụ kiện khác. Dẫn đến là hậu quả là kéo dài thời gian bàn giao nhà. Trong trường hợp này, người mua sẽ là người chịu rủi ro và thiệt thòi nhất.

Vì vậy, xét về góc độ người mua, khi đã chọn bất động sản phát mãi, phải chú ý tính pháp lý, đồng thuận của chủ tài sản, pháp lý quyền mua, quyền bán của ngân hàng. Nếu không chặt chẽ có thể dẫn đến tình trạng “dở khóc dở cười” và trên thực tế, tài sản phát mãi từ ngân hàng không phải là dễ “ăn”.

Thông thường, theo các luật sư khi tiến hành mua tài sản thế chấp, người mua sẽ nộp tiền trực tiếp vào tài khoản mở tại ngân hàng; lập biên bản thoả thuận ba bên, bao gồm những bước sau:

Bước 1: Bên mua tài sản thế chấp nộp tiền vào tài khoản mở tại ngân hàng đó và yêu cầu ngân hàng phong toả tài khoản.

Bước 2: Các bên gồm bên thế chấp, bên nhận thế chấp (ngân hàng), bên thứ ba nhận mua tài sản thế chấp sẽ cùng ký với nhau Biên bản thoả thuận ba bên. Trong đó, ngân hàng đồng ý cho bên thế chấp bán tài sản và chỉ tiến hành mở phong tỏa tài khoản khi các bên đã hoàn tất thủ tục chuyển nhượng nhà đất.

Bước 3: Bên thế chấp tiến hành xoá đăng ký thế chấp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sau khi đã có Biên bản thoả thuận ba bên.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin