Bất ngờ một quốc gia NATO muốn xin gia nhập BRICS: Lý do là gì?

Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn gia nhập BRICS khi các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu đi vào ngõ cụt.

TIN MỚI
Bất ngờ một quốc gia NATO muốn xin gia nhập BRICS: Lý do là gì?- Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ đã liên hệ để gia nhập BRICS khi quốc gia thành viên NATO này ngày càng thất vọng trước những tiến triển trong các cuộc đàm phán để gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Haberturk vào tuần trước, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành các cuộc đàm phán với các nước BRICS. Nếu EU sẵn lòng tiến thêm một bước, quan điểm của chúng tôi về một số vấn đề nhất định có thể sẽ khác”.

Ankara đã tìm cách khôi phục nỗ lực gia nhập EU – một trong những đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng kỳ vọng việc gia nhập liên minh mới có thể giúp mở rộng nền kinh tế trị giá 1.000 tỷ USD.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov vào hôm 4/6 cho biết Nga hoan nghênh mong muốn trở thành thành viên BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Peskov cũng cho biết vấn đề này sẽ nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của khối.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là một phần của hệ thống phòng thủ châu Âu. Tuy nhiên, nước này đã không đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán với EU kể từ khi bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập vào năm 2005.

Ông Fidan nói về EU như sau: “Thổ Nhĩ Kỳ tham gia một liên minh quân sự trong NATO, nhưng liên minh kinh tế vẫn chưa thành hiện thực. Bởi vậy chúng tôi đã tiến hành các cuộc đàm phán của mình”.

Ông Fidan cho biết, các nước BRICS đang phát triển một hệ thống cho vay và thực hiện các giao dịch thương mại với nhau bằng đồng nội tệ và Ankara ủng hộ điều này. “Điểm khác biệt và tuyệt vời của BRICS so với EU là khối này bao gồm tất cả các nền văn minh”, ông Fidan nhận xét.

Theo RT, Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự quan tâm đáng kể đến việc gia nhập BRICS, coi đây là một bước quan trọng để tăng cường ảnh hưởng quốc tế và tiềm năng kinh tế.

Thứ nhất, việc gia nhập BRICS sẽ giúp Ankara tiếp cận một thị trường rộng lớn và có cơ hội tăng cường thương mại và đầu tư với các nền kinh tế hàng đầu của các nước đang phát triển.

Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần phải đối mặt với những khó khăn và hạn chế tài chính do các tổ chức tài chính phương Tây như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) áp đặt. Vì thế, gia nhập BRICS sẽ mang lại cho Ankara khả năng tiếp cận Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS và Thỏa thuận Dự trữ Dự phòng, cho phép nước này đảm bảo nguồn tài trợ theo các điều khoản thuận lợi hơn và với ít cam kết chính trị hơn.

Thứ ba, Ankara tích cực ủng hộ ý tưởng về một thế giới đa cực, trong đó cán cân quyền lực được phân bổ đồng đều hơn giữa các khu vực và quốc gia khác nhau. BRICS, ủng hộ đa cực và quản trị toàn cầu công bằng – là nền tảng hấp dẫn cho Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang nỗ lực tìm kiếm độc lập chính trị khỏi các nước và khối phương Tây như Liên minh châu Âu (EU) và NATO.

Thứ tư, vị trí địa lý của Thổ Nhĩ Kỳ khiến nước này trở thành mối liên kết quan trọng giữa châu Âu, châu Á và Trung Đông. Việc gia nhập BRICS sẽ củng cố vị thế địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ, giúp nước này tận dụng hiệu quả vị trí chiến lược để thúc đẩy lợi ích của mình và tăng cường mối quan hệ với các nước thành viên khác.

Nguồn: Tổng hợp

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin