Tính đến ngày 30/9/2024, HAGL hiện còn lỗ lũy kế hơn 626 tỷ đồng.
HAG:
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Phiên giao dịch hôm nay 12/11/2024, trong khi thị trường đỏ điểm diện rộng, mã HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai bất ngờ tăng kịch trần, thanh khoản hơn 26 triệu cổ phiếu.
Thị giá HAG hiện vào mức 11.200 đồng/cp, vẫn còn giảm 23% so với đỉnh gần nhất thiết lập cuối tháng 5/2024 (14.500 đồng/cp).
HAGL hiện định hướng là Tập đoàn nông nghiệp, với các sản phẩm chủ lực gồm chuối, sầu riêng, heo ăn chuối và một số sản phẩm từ thịt heo như xúc xích, chả lụa…
Quý 3/2024, HAGL ghi nhận doanh thu thuần 1.432 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu thuần từ trái cây là nguồn thu chính với 880 tỷ, giảm 12% so với cùng kỳ. Doanh thu từ bán heo đạt 234 tỷ, giảm 52% so với cùng kỳ.
Doanh thu giảm nhưng giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn nên lợi nhuận gộp vẫn tăng 17% lên 609 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cải thiện từ 27,45% trong quý 3/2023 lên 42,56% trong quý 3/2024. Trong đó, biên lợi nhuận gộp mảng trái cây của HAGL tốt nhất với khoảng 52%.
Trừ đi các chi phí, HAGL báo lợi nhuận sau thuế gần 351 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 332 tỷ đồng, tăng gần 4%.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, HAGL ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.194 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 851 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 30/9, HAGL hiện còn lỗ lũy kế hơn 626 tỷ đồng.
Chủ yếu xuất khẩu, song ngày 2/11 vừa qua, HAGL đã có lễ ký kết với đối tác trong nước là KingFood (đơn vị vận hành chuỗi Kingfoodmart), mục đích phân phối sản phẩm của HAGL tại thị trường trong nước. Trước đó, Heo ăn chuối của Tập đoàn cũng bay bán ở các siêu thị như Lotte, song ký kết lần này theo ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – Chủ tịch HAGL – mới là dấu mốc sản phẩm Tập đoàn đưa vào thị trường nội địa.
“Hôm nay sẽ là ngày kỷ niệm nông sản HAGL chính thức bước vào thị trường nội địa. HAGL làm nông nghiệp từ năm 2017, sau nhiều năm mới chọn lọc được một số sản phẩm ổn định, giá trị cao. HAGL đã bỏ ra hơn 2 tỷ USD đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam, Lào, Campuchia”, bầu Đức nói.
HAGL đã tìm cách bán hàng tại thị trường Việt Nam. Theo ông Đức, HAGL là thương hiệu lớn ở Việt Nam, đi tới vùng sâu vùng sa hỏi ai cũng biết HAGL. “Nhưng hỏi HAGL bán sản phẩm gì thì không phải ai cũng biết”, bầu Đức cảm thán.
Nhân duyên HAGL gặp được KingFood là nhờ bầu Hải (Chủ tịch Nutifood giới thiệu). Sau chuyến đi thăm nông trại của HAGL, đại diện KingFood Mart là ông Đinh Anh Huân đã quyết định ký kết phân phối sản phẩm với HAGL.
Là một nhân vật có tiếng trong giới công nghệ, ông Đinh Anh Huân ban đầu được biết đến nhiều hơn với vai trò là một trong những thành viên sáng lập của Thế Giới Di Động. Đến năm 2014, khi Thế Giới Di Động lên sàn chứng khoán, ông Đinh Anh Huân đã ngay lập tức bán toàn bộ cổ phần và thu về ước khoảng 700 tỷ đồng. Sau đó ông đã dùng số tiền này để kinh doanh riêng, mở ra công ty Seedcom.
Các mảng kinh doanh chính của Seedcom hiện nay bao gồm F&B (chuỗi cà phê The Coffee House); Phân phối thực phẩm (KingFood); Thời trang (giày juno, quần áo HNOSS); Logistics (Scommerce tập hợp các công ty con Fast Delivery Express, Fast Delivery Logistic, Ahamove và Gido); Giải pháp bán lẻ mới (Haravan)…
Trở lại với thương vụ, Kingfoodmart hiện có 81 siêu thị tại Tp.HCM (78 siêu thị) và Bình Dương (3 siêu thị). Các sản phẩm HAGL dự kiến phân phối lên kệ KingFood Mart gồm chuối, sầu riêng, bưởi da xanh, heo, gà và cá…
Tại ngày 30/9/2024, tổng tài sản của HAGL đạt 22.492 tỷ đồng, tăng 1.589 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 13.532 tỷ đồng, giảm 5% so với hồi đầu năm.
Tổng dư nợ vay là 7.313 tỷ đồng, tăng 556 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong các chủ nợ của HAG, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) đang cho vay hơn 1.600 tỷ đồng.
Ngày 4/3/2024, LPBank và HAGL đã ký kết hợp đồng tài trợ 5.000 tỷ đồng, ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp xanh theo định hướng phát triển ngân hàng gắn với nhiệm vụ phát triển tín dụng xanh – ngân hàng xanh của LPBank.