Gặp trục trặc, một máy bán hàng tự động trong trường đã vô tình tiết lộ nó đang bí mật sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Điều này trở thành bê bối gây chấn động sinh viên.
Đại học Waterloo (Canada) đang cố gắng bỏ toàn bộ máy bán hàng tự động Invenda nhãn hiệu M&M ra khỏi khuôn viên trường, sau khi bị sinh viên phát hiện các máy này đang bí mật thu thập dữ liệu nhận dạng khuôn mặt mà không có sự đồng ý của họ.
Vụ bê bối bắt nguồn khi một sinh viên có bí danh SquidKid47 đăng một hình ảnh lên Reddit, chụp lại thông báo lỗi của máy bán hàng tự động trong khuôn viên trường. Dòng chữ “Invenda.Vending.FacialRecognitionApp.exe” xuất hiện ngay sau khi máy gặp lỗi, không khởi động được ứng dụng nhận dạng khuôn mặt.
“Tại sao cái máy M&M ngu ngốc đó lại có tính năng nhận dạng khuôn mặt?”, SquidKid47 đặt nghi vấn.
Niềm tin vào nhà trường bị lung lay sau bê bối
Bài đăng trên Reddit đã thu hút sự chú ý của River Stanley, sinh viên năm 4 đồng thời là cây bút tạp chí nội bộ MathNEWS. Bắt tay vào điều tra, anh đã nghiên cứu tài liệu quảng cáo đi kèm của máy bán hàng tự động Invenda. Tài liệu ghi rõ “máy có khả năng gửi độ tuổi và giới tính ước tính” của những người sử dụng máy mà không hề yêu cầu sự đồng ý.
Điều này khiến Stanley thất vọng. Anh từng là người phát hiện và đưa tin về việc một chuyên quyền riêng tư của Canada điều tra trung tâm mua sắm Cadillac Fairview, phát hiện một số ki-ốt thông tin của trung tâm thương mại đang bí mật “sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt với khách hàng thân thiết”.
Nhờ Stanley đưa tin, nhiều người dân Canada mới biết rằng “hơn 5 triệu người” đã bị quét vào cơ sở dữ liệu của Cadillac Fairview mà không hề hay biết. Cuối cùng, Cadillac Fairview bị buộc phải xóa toàn bộ cơ sở dữ liệu.
Màn hình hiển thị cho thấy máy bán hàng tự động có cài phần mềm nhận dạng khuôn mặt. Ảnh: Reddit. |
Nói về vụ việc máy bán hàng tự động Invenda, Stanley cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy máy đang sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Ngoài ra, cũng không có bất kỳ camera nào đang theo dõi hoạt động di chuyển và mua hàng của sinh viên. Người dùng không được thông báo cấp phép quét, phân tích khuôn mặt của họ.
“Chúng tôi sẽ không biết nếu không có lỗi ứng dụng. Không có cảnh báo nào ở đây cả”, River Stanley nói với trang tn địa phương CTV News.
Đại diện phát ngôn của Đại học Waterloo, Rebecca Elming cho biết trường đã yêu cầu vô hiệu hóa phần mềm máy bán hàng tự động cho đến khi máy được dỡ bỏ hoàn toàn.
Sinh viên phẫn nộ, đòi khởi kiện
Chia sẻ với CTV News, nhiều sinh viên cho biết niềm tin của họ vào ban điều hành nhà trường đã bị lung lay bởi vụ bê bối. Một số sinh viên cho biết họ dùng kẹo cao su hoặc dán giấy ghi chú để che camera của máy bán hàng tự động trong khi chờ nhà trường phản hồi. Có người còn băn khoăn liệu “công nghệ này có được sử dụng ở nơi nào khác” trong khuôn viên trường hay không.
Sinh viên nghi ngờ có camera ẩn dưới máy bán hàng. Ảnh: CTV News. |
Người phát ngôn Elming không thể xác nhận thời điểm chính xác máy bán hàng bị gỡ bỏ hoàn toàn và chỉ nói rằng họ sẽ hoàn thành “càng sớm càng tốt”. Chia sẻ với Ars Technica, đại diện cho biết “không rõ về những công nghệ tương tự được sử dụng trong khuôn viên trường”.
Sau khi đưa tin, tạp chí MathNEWS cũng nhận được phản hồi của các công ty chịu trách nhiệm sản xuất máy bán hàng tự động thông minh trong khuôn viên Đại học Waterloo.
Hãng Adaria Vending Services nói: “Điều quan trọng nhất cần hiểu là máy móc không chụp hoặc lưu trữ bất kỳ bức ảnh nào và không thể nhận dạng một cá nhân bằng công nghệ trong máy. Công nghệ này hoạt động như một cảm biến chuyển động phát hiện khuôn mặt để máy biết khi nào nên kích hoạt giao diện mua hàng. Nó không bao giờ chụp hoặc lưu trữ hình ảnh của khách hàng”.
Theo 2 hãng Adaria và Invenda, sinh viên không nên lo lắng về quyền riêng tư dữ liệu vì các máy bán hàng tự động “hoàn toàn tuân thủ” luật bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt nhất thế giới, Quy định bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh châu Âu (GDPR).
Đại diện phát ngôn của Invenda cho biết: “Tính năng phát hiện con người chỉ xác định sự xuất hiện của người dùng. Trong khi đó, nhận dạng khuôn mặt cao cấp hơn vì có thể phân biệt và chỉ định từng người”. Hãng cho biết công nghệ máy bán hàng tự động hoạt động như một cảm biến chuyển động, mở giao diện mua hàng khi phát hiện có người đến. Nó không có khả năng chụp, lưu giữ hoặc truyền hình ảnh.
Invenda khẳng định công nghệ phát hiện con người của họ không lưu trữ thông tin trên bộ nhớ. Ảnh: Bloomberg. |
Việc thu thập dữ liệu được giới hạn ở việc đánh giá lượng người đi ngang qua máy bán hàng tự động và tỷ lệ chuyển đổi giao dịch. Các hệ thống này tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của GDPR và tuyệt đối không quản lý, lưu giữ hoặc xử lý bất kỳ thông tin nhận dạng cá nhân nào.
Song, các sinh viên Đại học Waterloo như Stanley vẫn nghi ngờ “cam kết minh bạch” của Invenda tại các thị trường Bắc Mỹ, đặc biệt là sau vụ bê bối tại khuôn viên trường. Sự kiện này khiến một số người nghi ngờ rằng công ty này đang công khai vi phạm luật riêng tư của Canada, Stanley nói với CTV News. Trên Reddit, một số người còn hỏi “liệu có sinh viên dự bị luật nào muốn khởi kiện tập thể không”.
Những nhà khoa học tiên phong
“Những nhà khoa học tiên phong” là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.