Những người bị bệnh liên quan đến tuyến giáp từ xưa đến nay đều được khuyên rằng không nên ăn đậu nành vì sẽ khiến tình trạng bệnh nặng thêm. Liệu điều này có đúng không?
Đậu nành được coi là nhóm thực phẩm rất tốt cho sức khỏe. Trong đậu nành có chứa một nguồn protein thực vật rất lành mạnh. Đồng thời, nó cũng chứa 9 loại axit amin thiết yếu mà cơ thể cần nhưng không thể tự sản xuất. Chất isoflavone trong đậu nành có thể cung cấp estrogen cho nữ, ngoài việc phù hợp với phụ nữ mãn kinh, nó còn có tác dụng chống ung thư.
Đáng nói, chất phytoestrogen có trong đậu nành được không chỉ có tác dụng tốt đối với sức khỏe mà còn tác động lớn đến sắc đẹp. Nó có tác dụng tương tự như estrogen mà không có các tác dụng phụ, là sản phẩm hàng đầu để làm đẹp và chống lão hóa da.
Tuy nhiên, những người bị bệnh liên quan đến tuyến giáp từ xưa đến nay đều được khuyên rằng không nên ăn đậu nành vì sẽ khiến tình trạng bệnh nặng thêm. Liệu điều này có đúng không?
Bị bệnh tuyến giáp có cần phải kiêng đậu nành không?
Theo ThS. BS Nội trú Nguyễn Xuân Tuấn (Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt): “Thực ra trước đây đã có rất nhiều lời khuyên truyền miệng rằng nếu mắc các vấn đề về tuyến giáp như cường giáp, suy giáp hay bướu cổ thì cần phải kiêng các thực phẩm từ đậu nành. Thậm chí ngay cả nhiều bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên tương tự. Bởi vì người ta cho rằng isoflavone trong đậu nành làm ảnh hưởng quá trình tổng hợp hormon của tuyến giáp. Nhưng điều này là không đúng”.
ThS. BS Nội trú Nguyễn Xuân Tuấn cho hay, vào năm 2019 một nghiên cứu tổng hợp lớn nhất từ trước tới nay đã được thực hiện để đánh giá về mối liên quan giữa đậu nành và tuyến giáp. Kết quả đã minh oan cho đậu nành, nó thực sự không làm ảnh hưởng tới chức năng tuyến giáp như lời đồn đại .
Do đó, người bệnh có thể yên tâm sử dụng với liều lượng phù hợp theo nhu cầu của cơ thể mà không phải lo lắng về các tác hại đối với tuyến giáp.
Những dấu hiệu bạn đã mắc bệnh tuyến giáp
1. Mệt mỏi, suy nhược bất thường
Mệt mỏi và suy nhược thường bị nhiều người xem là dấu hiệu của tuổi già hoặc do áp lực cuộc sống. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra liên tục dù bạn chẳng hề làm gì nặng nhọc, hãy cẩn thận vì đây là cảnh báo sớm của bệnh tuyến giáp. Lúc này hệ trao đổi chất sẽ bị chậm lại do tuyến giáp bị suy yếu, khiến bạn mệt lả cả ngày không rõ nguyên nhân.
Mệt mỏi và suy nhược do bệnh tuyến giáp còn khiến tim đập nhanh, run rẩy và yếu cơ. Phụ nữ cũng hay nhầm tưởng đây là ảnh hưởng từ kỳ kinh nguyệt nên lại vô tình bỏ qua.
2. Tăng hoặc giảm cân bất thường
Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng với quá trình trao đổi chất, thậm chí còn có khả năng quyết định trọng lượng cơ thể. Khi bị bệnh cường giáp, các hormone sẽ sản sinh liên tục khiến bạn luôn thấy đói, nhưng dù ăn nhiều bao nhiêu vẫn bị tụt cân bất thường. Còn với bệnh suy giáp, bạn sẽ không có cảm giác muốn ăn nhưng cân nặng vẫn tăng chóng mặt.
3. Thấy khó ngủ
Khi mắc các bệnh về tuyến giáp, đặc biệt là bệnh cường giáp, hormone trong cơ thể sẽ bị suy giảm mạnh khiến bạn mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.
Bên cạnh đó, bệnh tuyến giáp còn ức chế khả năng sản xuất serotonin – một loại hormone có tác dụng giúp cơ thể thoải mái và vui vẻ. Khi lượng serotonin trong não bị suy giảm thì bạn sẽ thấy chán nản và khó ngủ là điều tất yếu.
4. Giảm ham muốn
Do các bệnh về tuyến giáp đều liên quan trực tiếp đến hormone nên sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng tình dục. Bệnh nếu phát triển nặng sẽ làm phụ nữ mất cân bằng nội tiết estrogen, khiến bệnh nhân hết ham muốn và thậm chí là gây vô sinh. Loại bệnh này đặc biệt có tác động mạnh tới kinh nguyệt cũng như chu kỳ rụng trứng.