BCTC là quá khứ của doanh nghiệp, nhưng từ bản báo cáo “thành tích” quá khứ đó, nhà đầu tư có thể tìm ra các dấu hiệu về một cơ hội kiếm tiền như thế nào?
Xét trên góc độ NĐT chứng khoán việc đọc, phân tích BCTC nhằm ba mục đích chính: 1. Đánh giá sức khỏe tài chính của doanh nghiệp; 2. Tìm dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro để tránh xa và tìm dấu hiệu cơ hội để đầu tư; 3. Đỉnh cao của phân tích BCTC là dự báo được dòng tiền, doanh thu, lợi nhuận trong tương lai của DN để ra những quyết định đầu tư thắng lợi lớn.
Tại cuộc thi “FA thánh chiến” – cuộc thi dành cho dân phân tích cơ bản với giải thưởng 100 triệu đồng vừa mới được phát động trên mạng xã hội chứng khoán Stockbook, một thành viên với nickname Vịt Con đã chia sẻ 5 dấu hiệu xuất hiện cơ hội đầu tư khi xem xét BCTC doanh nghiệp. Cuộc thi mới tổ chức vài ngày nhưng đã thu hút nhiều “anh tài” tham gia.
Trong khuôn khổ giới hạn lượng chữ, tác giả đã trình bày những nét cơ bản nhất và phổ biến nhất về việc tìm kiếm cơ hội trên BCTC. Việc áp dụng không phải đúng với tất cả các trường hợp.
THỨ NHẤT, HẾT KHẤU HAO, BÁN TÀI SẢN
Khi hết khấu hao hay bán tài sản thông thường sẽ làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng đột biến. Từ đó làm tăng sức hút của cổ phiếu, thúc đẩy tăng giá cổ phiếu. Những trường hợp điển hình đã diễn ra trên thị trường chứng khoán như KDC bán mảng bánh kẹo mang lại lợi nhuận hàng nghìn tỷ và trả cổ tức kỷ lục lên đến 200% vào năm 2015 khiến cổ phiếu tăng giá 100%; KDC bán cổ phần KDF đầu năm 2017 làm giá tăng 80%; GMD bán GMD Tower giai đoạn 2014 làm giá tăng trên 70%; DVP hết khấu hao Tài sản cố định của mình từ 2014-2015 làm lợi nhuận và dòng tiền tăng tốt và giá cổ phiếu tăng bằng lần sau 3 năm.
Cách nhận biết cơ hội: Đọc báo cáo tài chính khoản mục tài sản dài hạn gồm bất động sản có giá trị cao; các công ty con, công ty liên kết được ghi nhận với giá trị sổ sách đang thấp hơn giá thị trường; khoản mục khấu hao của các doanh nghiệp đầu tư nhiều tài sản dài hạn như máy móc thiết bị, tàu chở hàng, cảng biển, bất động sản làm trụ sở… bên cạnh việc nghe ngóng trên thị trường về việc bán các tài sản (nếu có).
Có thể xem xét áp dụng vào chọn cổ phiếu trên TTCK như SEA sở hữu các lô đất vàng có giá trị rất lớn ở trung tâm Sài Gòn; sở hữu 20% cổ phần Proconco với giá vốn thấp; DVN sở hữu đất vàng và sở hữu cổ phiếu các doanh nghiệp dược lớn như IMP; VCB sở hữu MBB với giá vốn thấp và dự kiến 2018 thoái vốn…
Bán tài sản và lãi đột biến luôn là câu chuyện tạo lực tăng cho cổ phiếu.
THỨ 2, TÍCH ĐƯỢC TỒN KHO LỚN, NGUYÊN VẬT LIỆU RẺ
Việc này sẽ làm cho giá vốn đầu vào của doanh nghiệp trong tương lai giảm mạnh và tăng lợi nhuận cho công ty, cho cổ đông từ đó tác động tích cực đến giá cổ phiếu.
Những trường hợp điển hình trên TTCK như (1) DRC năm 2009 tích được nhiều nguyên liệu cao su tự nhiên giá rất rẻ từ 2008, giúp lợi nhuận 2009 tăng 7,8 lần trong khi giá cổ phiếu tăng 18 lần ; (2) dòng thép HPG, HSG, NKG năm 2016 nhờ có được lượng nguyên vật liệu và hàng tồn kho giá rẻ đã khiến cho lợi nhuận của các DN này đều tăng tối thiểu 60% và tất cả các cổ phiếu đều tăng trên 100% – 300%; (3)VNM năm 2016 được hưởng lợi cực lớn từ giá nguyên liệu sữa bột thế giới rẻ nên đã có được lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm 2016, từ đó giá cổ phiếu tăng tốt.
Cách nhận biết: Khi nghe thấy giá nguyên vật liệu hàng hóa cơ bản thì nhìn vào khoản mục hàng tồn kho của các DN tích trữ hàng tồn kho nhiều cho sản xuất và tính toán xem lợi bao nhiêu so với giá thị trường, nếu đủ lớn đột biến thì cơ hội rõ ràng.
Năm 2016, cổ phiếu thép đã có một năm thăng hoa nhờ giá quặng tăng, đẩy giá thép thành phẩm tăng mạnh trong khi họ đã tích trữ được tồn kho giá rẻ
THỨ 3, TỒN KHO THÀNH PHẨM LỚN CHỜ CHUYỂN GIAO VÀ NGƯỜI MUA TRẢ TIỀN TRƯỚC RẤT NHIỀU
Theo thông tư 200/BTC thì DN chỉ có thể ghi nhận doanh thu và lợi nhuận khi chuyển giao cho người mua, chính vì thế rất nhiều doanh nghiệp dù đã thu được tiền từ người mua và ghi nhận vào khoản mục người mua trả tiền trước nhưng chưa ghi nhận doanh thu và lợi nhuận. Khi bàn giao nhà cho người mua, nó sẽ chuyển thành doanh thu.
Những trường hợp điển hình: KDH ghi nhận khoản người mua trả tiền trước tăng mạnh vào cuối năm 2015 và 2016, sau đó KDH đã hạch toán được doanh thu và lợi nhuận lớn vào năm 2016 và 2017. Giá cổ phiếu KDH chỉ trong 2 năm tăng đến 3 lần; tương tự với rất nhiều doanh nghiệp BĐS khác.
Cách nhận biết: 1. Hàng tồn kho tăng mạnh, đọc thuyết minh thấy đó là thành phẩm chờ chuyển; 2. Khoản mục người mua trả tiền trước tăng lên đột biến thì cần tìm hiểu tăng lên từ dụ án nào hay từ sản phẩm nào và thời điểm chuyển giao sản phẩm, sau đó sẽ ra quyết định.
Sóng cổ phiếu bất động sản nổi lên mạnh mẽ đầu năm 2017 khi đây là “điểm rơi” lợi nhuận của doanh nghiệp ngành này.
THỨ 4, TRÍCH LẬP DỰ PHÒNG LỚN LÀM CHO LỢI NHUẬN GIẢM NHẤT THỜI HOẶC DỰ PHÒNG LỚN CÓ CƠ HỘI HOÀN NHẬP
Điều này xảy ra khi một tài sản, khoản đầu tư của doanh nghiệp bị giảm giá hoặc các khó đòi, hoặc vì một lý do nào mà doanh nghiệp phải ghi nhận giảm rất lớn tài sản đó làm cho DN bị khoản lỗ bất thường lớn. Khi khoản này không còn phải trích nữa trong tương lai lợi nhuận của DN sẽ quay về bình thường; hoặc nếu các tài sản, khoản phải thu nhận lại được thì DN sẽ thêm một khoản lợi nhuận lớn trong tương lai.
Thông thường giá CP phản ánh tích cực với những câu chuyện này.
Những trường hợp điển hình: DQC những năm trước 2017 nhận được tiền hoàn nhập từ Cuba hàng năm lên đến 50-70 tỷ, tạo sự chú ý của NĐT và tích cực mua vào khiến cổ phiếu DQC trong 3 năm tăng tới 4-5 lần.
Cách nhận biết: chủ yếu nhìn vào các khoản đầu tư của doanh nghiệp trên báo cáo xem doanh nghiệp sở hữu cổ phiếu nào (đối với các công ty chứng khoán, công ty tài chính) hoặc xem có những khoản dự phòng lớn nào bất thường ghi nhận trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Sau đó phân tích các khoản này đã được dự phòng như thế nào.
Hoàn nhập dự phòng cũng dễ dàng tạo nên những khoản lợi nhuận đột biến và là câu chuyện đằng sau sự tăng giá của nhiều cổ phiếu.
THỨ 5: GIÁ CỔ PHIẾU TẠO ĐÁY SAU KHI KQKD TẠO ĐÁY 1 THỜI GIAN DÀI
Doanh nghiệp gặp khó khăn, kết quả kinh doanh đi xuống và giá cổ phiếu giảm mạnh, đến khi tình hình kinh doanh đã phục hồi trở lại nhưng do một yếu tố nào đó, cổ phiếu bị lãng quên nên giá tiếp tục giảm. Lúc này định giá của cổ phiếu trở nên cực rẻ tạo ra các cơ hội lớn cho nhà đầu tư tham gia để đến khi thị trường đánh giá đúng giá trị của nó thì giá cổ phiếu thông thường tăng một cách khủng khiếp và đáng sợ.
Những trường hợp điển hình: (1) LCG đã tạo đáy lợi nhuận từ 2013, và kết quả kinh doanh đi lên khá mạnh mẽ, nhưng giá cổ phiếu chỉ tạo đáy vào đầu năm 2017 khi đó P/E =4 lần, sau đó khi mọi người nhận ra giá trị thực, đã có lúc LCG tăng 3 lần từ 4.000 đồng lên đến 12.500 đồng. (2) HDC đã tạo đáy KQKD từ năm 2014 và bắt đầu đi lên từ 2015 khá ổn định tuy nhiên giá cổ phiếu chỉ tạo đáy vào đầu năm 2017 khi đó P/E = 6 lần; sau đó khi TTCK nhận ra thì giá cổ phiếu chỉ trong 6 tháng tăng 70%.
Cách nhận biết: Dựa vào báo cáo KQKD của các doanh nghiệp này qua từng năm so sánh và tìm ra điểm đáy của nó. Bên cạnh đó cần kết hợp định giá để cho chắc chắn cổ phiếu đó bị định giá thực sự rẻ rồi mới ra quyết định.
Hồi sinh – những trường hợp tạo ra các khoản lợi nhuận “đáng sợ” nhất trên sàn chứng khoán.