Hẹn hò trên ứng dụng Tinder, người phụ nữ bị đối phương dụ đầu tư tiền mã hóa, mất 5,4 tỷ đồng
Màn hình đăng nhập của ứng dụng Tinder. Ảnh: Bloomberg. |
Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) – Bộ Thông tin & Truyền thông, tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý tại Việt Nam.
Không chỉ mạng xã hội, đối tượng lừa đảo còn tìm kiếm nạn nhân thông qua nhiều kênh khác nhau, chẳng hạn như ứng dụng hẹn hò hoặc mã QR trong bưu phẩm.
Bị lừa 5,4 tỷ đồng vì hẹn hò qua Tinder
Đầu tháng 3, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Hà Nội đã tiếp nhận đơn của chị T., trình báo sự việc bị chiếm đoạt 5,4 tỷ đồng.
Tại cơ quan, chị T. cho biết có tham gia ứng dụng hẹn hò Tinder và quen một người đàn ông, tự giới thiệu là bác sĩ bệnh viện lớn tại Singapore.
Sau khi tạo lòng tin, người này mời chị T. tham gia đầu tư tiền mã hóa. Lần đầu, chị T. nạp 20 triệu đồng và lập tức được rút 30 triệu. Chị tiếp tục nộp 266 triệu đồng và nhận về 304 triệu.
Chỉ trong 2 ngày với 2 lần nạp tiền, chị T. thu về lợi nhuận 48 triệu đồng, lãi 16,8% so với tiền gốc.
Hẹn hò trên Tinder, người phụ nữ bị dụ đầu tư tiền số, mất 5,4 tỷ đồng. Ảnh: Cục ATTT. |
Nạn nhân tiếp tục nạp 300 triệu thì được thông báo “tài khoản thắng 10,1 tỷ đồng” nhưng không rút được tiền, yêu cầu “nộp 20% lợi nhuận thuế thu nhập cá nhân”.
Nghe lời yêu cầu, chị T. nộp 1,7 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân, 2 tỷ xác minh tài khoản và 1,4 tỷ để tham gia kênh rút tiền nhanh. Tuy nhiên, chị vẫn không thể nhận tiền.
Trong 5 ngày, chị T. chuyển tổng cộng 5,4 tỷ đồng cho các đối tượng. Biết mình bị lừa nên chị đã đến cơ quan công an trình báo.
Theo cơ quan công an, lợi dụng việc ngày càng nhiều người sử dụng app hẹn hò trực tuyến, các đối tượng đã tìm cách lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Chúng hành động qua các ứng dụng hẹn hò phổ biến như Tinder, EzMatch, Litmatch, Hullo…
Sau khi nói chuyện và tạo dựng niềm tin, đối tượng sẽ chuyển sang chủ đề tài chính, khuyến khích nạn nhân tham gia đầu tư lãi suất cao.
Nếu nạn nhân chấp nhận nộp tiền, chúng sẽ hoàn lãi ngay để tăng độ tin tưởng. Đến khi nạn nhân bỏ ra khoản tiền lớn hơn, đối tượng lấy lý do “nâng cấp gói VIP”, “hoàn trả quỹ hỗ trợ đầu tư”, “gỡ bỏ chế độ an toàn”… để chiếm đoạt tài sản.
Để chấm dứt tình trạng trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân cảnh giác khi tham gia ứng dụng hẹn hò online, hoặc nhận lời mời kết bạn từ người lạ trên mạng xã hội.
Tiếp theo, không tham gia ứng dụng đầu tư tài chính, sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo lãi suất cao, tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo để bảo vệ bản thân.
Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thủ đoạn lừa đảo mới bằng mã QR
Công an TP Thủ Đức (TP.HCM) cảnh báo chiêu trò lừa đảo bằng hình thức gửi bưu phẩm đến nhà người dân thông qua shipper, bên trong có thông báo trúng thưởng kèm mã QR nhằm chiếm quyền điều khiển thiết bị, đánh cắp dữ liệu và chiếm đoạt tài sản.
Tình trạng này đã xảy ra với người dân tại một số địa phương. Khi cào ra giải thưởng, người dùng được yêu cầu truy cập đường link gắn trên mã QR, nhập thông tin cá nhân để làm thủ tục nhận thưởng. Thực chất, đây là hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới rất nguy hiểm.
Xuất hiện hình thức lừa đảo bằng mã QR gắn trong thẻ cào trúng thưởng gửi bởi shipper. Ảnh: Cục ATTT. |
Hiện nay, Cục ATTT chưa ghi nhận trường hợp người dùng bị lừa bằng hình thức quét mã QR trên phiếu trúng thưởng trong bưu phẩm gửi bởi shipper. Tuy nhiên, lừa đảo bằng mã QR không phải chiêu trò mới.
Trước đây, rất nhiều trường hợp sau khi quét mã QR trên website hoặc email, người dùng bị điều hướng sang trang lừa đảo, dẫn dụ để cung cấp thông tin cá nhân hoặc tải mã độc về thiết bị.
Chiêu trò lừa đảo của đối tượng ngày càng tinh vi, khiến nhiều nạn nhân sập bẫy. Với thực trạng này, khả năng in mã QR lên phiếu quà tặng, lừa người dân truy cập website giả mạo để chiếm đoạt thông tin, tài sản hoàn toàn có thể xảy ra.
Để phòng tránh tình trạng trên, Cục ATTT khuyến nghị người dân thận trọng khi quét mã QR, đặc biệt nếu chúng xuất hiện tại nơi công cộng, được chia sẻ qua mạng hay email.
Người dùng cần xác minh, kiểm tra kỹ thông tin người gửi mã QR và nội dung trang web gắn trên mã. Khi truy cập website, kiểm tra xem đường link có bắt đầu bằng “https” và tên miền quen thuộc hay không.
Với hình thức lừa đảo mới trên, người dân tuyệt đối không nhận bưu phẩm mà mình không đặt, không biết rõ nguồn gốc. Khi phát hiện trường hợp lừa đảo, cần kịp thời báo cho cơ quan công an gần nhất.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.
Không tìm được việc, giới trẻ Trung Quốc sập bẫy lừa đảo tư vấnCải trang thành công ty tư vấn việc làm, kẻ lừa đảo ép người tìm việc đóng phí “dịch vụ” cao ngất ngưởng mới được nhận cơ hội công việc tốt. |
Sự trỗi dậy của deepfakeKhi các công cụ AI dần cải tiến và dễ tiếp cận, deepfake ngày càng bị lợi dụng để lừa đảo và phát tán tin giả. |
Chiêu lừa ‘việc nhẹ lương cao’ rầm rộ trở lạiNhiều người dùng mạng xã hội chia sẻ về việc bị lừa, hoặc hỏi xác minh về lời mời làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho sàn thương mại điện tử. |