Bạn muốn “nổi điên” bởi những yêu cầu vô lý của khách hàng, bị sếp mắng mỏ vì lỗi của người khác, hay vì đồng nghiệp xấu tính… Những rõ ràng, sự giận dữ, bực tức không phải là một cách giải quyết. Tìm cách kiềm chế và kiểm soát cảm xúc của bản thân mới là cách làm của những người khôn ngoan.
Khi nói đến những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, lo âu, tức giận, rất nhiều người trong chúng ta thường cố gắng bỏ qua chúng. Tuy nhiên, theo học giả Deanna Geddes, một giáo sư tại Trường Kinh doanh Fox của Đại học Temple, thì làm điều ngược lại mới là lựa chọn đúng đắn. Có nghĩa là bạn cần phải tìm ra cách làm thế nào để kiểm soát những cảm xúc tiêu cực.
Với tư cách là người đã từng nghiên cứu về tác động của sự tức giận tại nơi làm việc, Geddes chia sẻ: “Sự giận dữ là một cảm xúc lành mạnh. Nó là tín hiệu của cơ thể báo hiệu rằng có điều gì đó đang làm chúng ta khó chịu. Tuy nhiên cảm xúc giận dữ thường chi phối mọi hành động. Nhiều khi nó khiến bạn không đủ tính táo và trở nên thô lỗ. Vì vậy, bạn đừng nên lờ đi những tín hiệu của cơ thể mà hãy dừng lại và suy nghĩ về những điều đã tạo nên cơn giận.”
Dưới đây là 6 bước đơn giản để xử lí cơn giận của bạn trong công việc.
1. Chủ động tách mình khỏi những tình huống căng thẳng
Trong những cuộc trò chuyện, thảo luận, nếu bạn cảm nhận được bản thân mình bắt đầu trở nên nóng nảy thì Gedde khuyên bạn nên nhanh chóng rút lui để có thể bình tĩnh trở lại. Để rút khỏi cuộc thảo luận một cách êm đẹp, bạn có thể lựa chọn những câu nói kiểu như: “Tôi cảm thấy hơi tức giận về điều đó. Hãy cho tôi một vài phút để hạ nhiệt, và sau đó chúng ta sẽ tiếp tục nói về điều này và cùng nhau tìm cách giải quyết”.
Có vẻ việc bạn tạm dừng chủ đề gây tranh cãi sẽ gây ra một chút khó xử nhưng đó là giải pháp phù hợp nhất lúc này vì nếu bạn tiếp tục bàn luận, điều đó chỉ đổ thêm dầu vào lửa và khiến cho những người trong cuộc trở nên giận dữ.
2. Tập cách lấy lại bình tĩnh
Theo giám đốc khoa học của Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục của Đại học Stanford Emma Seppälä, vấn đề mà chúng ta thường gặp phải khi giận dữ là nó kích thích các trung tâm cảm xúc trong não bộ, làm cho bạn khó có thể suy nghĩ một cách logic. Vì vậy, bạn sẽ cần phải bình tĩnh lại một chút trước khi quay lại giải quyết tình huống gây ra sự tức giận. Nếu không, bạn có thể sẽ nói điều gì đó không hay và có khả năng xúc phạm đến người khác.
Seppälä cho biết: “Hạ hỏa cơn giận của bạn và điều đó sẽ khiến cho việc giao tiếp trở nên hiệu quả hơn rất nhiều. Thở đều, đi dạo hoặc xem một bộ phim hài ngắn sẽ giúp bạn nhanh chóng lấy lại bình tĩnh”.
3. Tránh các từ như “không bao giờ” hoặc “luôn luôn” khi tranh luận
Định hình lại suy nghĩ của bạn là một cách quan trọng để có được một kết luận hợp lý trong mọi cuộc tranh luận. Bởi vì những suy nghĩ lúc giận dữ thường được “phóng đại và kịch tính hóa”, theo Hiệp hội tâm lý Mỹ.
Ví dụ, khi bạn tức giận một ai đó, bạn thường nói ra những từ ngữ kiểu như người đó “luôn luôn sai” và bạn sẽ “không bao giờ làm việc cùng cô ta/anh ta nữa”. Mà những lời nói đó thường tạo sự tổn thương cho người khác.
Thay vì nghĩ rằng “toàn bộ cuộc đời của tôi đã bị hủy hoại” hay “toàn bộ tình huống này thật khủng khiếp”, bạn nên suy nghĩ tích cực theo cách: “Việc này thật không dễ chịu nhưng tôi sẽ tìm ra cách để giải quyết nó”.
4. Hiểu rằng những người khác thật ra không cố ý làm bạn giận
Khi nói đến đồng nghiệp của bạn – những người có thể khiến bạn nổi nóng bất cứ lúc nào, Seppälä cho rằng trong nhiều trường hợp họ còn chẳng ý thức được việc họ đang chọc giận bạn.
“Hầu hết mọi sự giận dữ đều được gây ra bởi những lời nói hay những hành động vô ý. Rất có thể người mà bạn giận không hề cố ý làm bạn tổn thương”.
Ví dụ khi xếp của bạn luôn quản lí chặt chẽ mọi hoạt động của nhân viên, rất có thể không phải vì cô ấy ghét bỏ bạn mà thật ra chỉ vì cô ấy tin rằng đó là cách để quan tâm đến nhân viên nhiều hơn.
5. Thảo luận về sự thất vọng của bạn mà không đổ lỗi cho người khác
Trong một mối quan hệ, cách tốt nhất để diễn đạt các vấn đề là thảo luận với nhau một cách thẳng thắn và tích cực, đồng thời tránh đổ lỗi cho người khác.
Một cách để làm điều đó, theo tiến sĩ Michael McNulty, một huấn luyện viên bậc thầy của Viện Gottman và người sáng lập Trung tâm Quan hệ Chicago, đó là bạn hãy bày tỏ cảm xúc cũng như mong muốn của mình chứ không phải là tìm cách đổ lỗi cho người khác.. Một mẫu câu điển hình trong trường hợp này là: “Khi sự việc X xảy ra, tôi cảm thấy Y và tôi cần Z”.
Nên nhớ, bạn cần hết sức tránh việc đổ lỗi cho người khác vì điều đó không những không giải quyết được vấn đề mà còn có thể trở thành nguyên nhân cho một cơn giận dữ tiếp theo.
6. Cố gắng tìm hiểu người khác
Mọi người thường có xu hướng trở nên vô cùng tự tin khi họ tức giận.. Và họ cố gắng tìm bất cứ bằng chứng nào cho thấy họ đúng, và người kia là sai. Niềm tin mù quáng đó đôi khi làm họ trở nên cứng nhắc và bảo thủ. Nếu bạn kiên quyết giữ thái độ đó, bạn sẽ không thể nào tìm ra được giải pháp cho vấn đề, thậm chí còn có khả năng làm cho tình huống trở nên xấu đi.
Điều quan trọng là sau khi thể hiện cảm xúc của bạn, hãy dành thời gian để hỏi tại sao người đó lại làm điều khiến bạn thất vọng. Khi bạn chịu lắng nghe quan điểm của người khác và tự hỏi ‘tại sao’ thay vì kết luận những điều tồi tệ, bạn mới thực sự nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và công tâm. Kết quả là bạn sẽ phát triển sự hiểu biết và các mối quan hệ sâu sắc hơn dựa trên giao tiếp và sự đồng cảm.