Có thể nói đây là một trong những “lời truyền miệng kinh điển” đối với những bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên phương pháp này ẩn chứa nhiều rủi ro hơn chúng ta tưởng.
Năm 2019, ước tính có khoảng 3,8 triệu người Việt mắc bệnh tiểu đường. Đáng ngại hơn, tình trạng tiểu đường đang có dấu hiệu trẻ hóa. Trước đây, mọi người thường cho rằng chỉ người ngoài trung niên mới bị tiểu đường nhưng thực tế cho thấy những người ở tuổi 30 thậm chí là trẻ em đã mắc căn bệnh này.
Tiểu đường là loại bệnh không thể chữa khỏi. Hơn nữa, nếu không kiểm soát được chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt thì có thể sẽ dẫn đến những biến chứng nặng nề. Để “chung sống hòa bình”, bệnh nhân và người nhà cần lưu ý kiểm soát chế độ ăn uống một cách nghiêm ngặt.
Trong livestream với chủ đề “Tiểu đường – Ăn uống thế nào để sống bình thường”, bác sĩ Dương Thị Phương – Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội đã chia sẻ và giải đáp những thắc mắc xoay quanh chế độ ăn uống của bệnh nhân đái tháo đường.
Trong buổi chia sẻ, bác sĩ Phượng đã giải đáp thắc mắc về vấn đề người mắc đái tháo đường có nên kiêng tuyệt đối tinh bột, các loại thực phẩm có vị ngọt hay không?
Bác sĩ cho biết, thức ăn ảnh hưởng trực tiếp đến đường huyết trong cơ thể. Đặc biệt, tinh bột (hay còn gọi là carbohydrate) làm lượng đường trong máu tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh đó, mỗi món ăn có 1 chỉ số đường huyết khác nhau.
BS Dương Thị Phượng chia sẻ trong buổi livestream.
Theo bác sĩ, người bị tiểu đường vẫn được khuyến cáo nên ăn một lượng tinh bột nhất định trong khẩu phần ăn hàng ngày. Số liệu của Bộ Y tế chỉ ra, trung bình mỗi người cần nạp từ 50 đến 60% carbohydrate trong khẩu phần ăn hàng ngày. Người bị tiểu đường cũng không ngoại lệ, tuy nhiên, lượng tinh bột nạp vào cần được điều chỉnh.
Bác sĩ Dương Thị Phượng cảnh báo rằng việc cắt giảm hoàn toàn tinh bột có thể dẫn đến nhiều hệ lụy đáng lo ngại. Trong trường hợp bệnh nhân kiêng không ăn các loại tinh bột thì có thể dẫn đến một số tác hại như thay đổi ceton, độ pH trong máu… Điều này gây ra tổn thương cho các cơ quan trong cơ thể như gan, thận…
Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng lượng đường tối thiếu cần duy trì một ngày để não bộ và thần kinh hoạt động bình thường là 130 gam carbohydrate/ngày.
Bệnh nhân tiểu đường không nên cắt giảm tinh bột trong khẩu phần ăn hàng ngày. Hình ảnh: Cleveland Clinic
Khi sử dụng tinh bột, glycogen sẽ được dự trữ trong gan. Nếu cắt giảm tinh bột sẽ làm chất này giảm xuống gây ra tổn thương gan, xơ gan và thậm chí là ung thư. Do đó, bệnh nhân tiểu đường tuyệt đối không nên kiêng tuyệt đối mà nên lựa chọn lượng đường hấp thu chậm và giảm đi khẩu phần ăn.
Cũng trong buổi livestream, bác sĩ đã gợi ý những nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết từ cao đến thấp. Cụ thể, nhóm chứa chỉ số đường huyết cao nhất là bánh mì trắng, sau đó là miến dong, cơm trắng… Những món ăn này khiến đường huyết tăng nhanh và khó kiểm soát. Do đó, người bị đái tháo đường nên hạn chế ăn những loại thức ăn này.
Nhóm có chỉ số đường huyết trung bình là gạo lứt, các loại củ, một số loại hoa quả… Và nhóm cuối cùng là rau xanh. Đây cũng là những thực phẩm được bác sĩ khuyến khích mọi người lựa chọn. Chúng không chỉ có đặc tính chuyển hóa chậm mà còn có nhiều chất xơ và dưỡng chất tốt cho cơ thể.
Bênh nhân tiểu tiểu đường nên lựa chọn tinh bột hấp thu chậm, ngũ cốc nguyên hạt, nguyên cám… Bên cạnh đó, mọi người cũng nên theo dõi các chỉ số thường xuyên để có thể thay đổi khẩu phần ăn và ngăn chặn các biến chứng đáng tiếc.