Biến động tỉ giá có đáng ngại?

Giá USD tăng khiến doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi nhưng doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa lại lo lắng.

Giá USD trên thị trường quốc tế đã tăng lên mức cao nhất trong 14 năm qua sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, gây sức ép giảm giá các loại ngoại tệ mạnh. Tỉ giá USD/VNĐ cũng tăng khá mạnh trong những ngày qua. Điều này khiến không ít doanh nghiệp (DN) trong nước cảm thấy lo. Báo Người Lao Động ghi nhận ý kiến xung quanh biến động trên thị trường ngoại tệ những ngày qua.

Ông Ngô Đăng Khoa, Trưởng Phòng Kinh doanh ngoại hối và trái phiếu Ngân hàng HSBC Việt Nam:

Lãi suất VNĐ cần ở mức hấp dẫn

FED đã duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0% trong suốt 9 năm, cho tới lần tăng đầu tiên vào cuối năm 2015. Nay, khi FED bắt đầu tăng lãi suất lần thứ hai, chi phí lãi vay sẽ tăng lên bởi USD được giao dịch và dự trữ lớn nhất toàn cầu. Nguồn vốn nóng sẽ rút ra khỏi các thị trường đang phát triển chảy ngược về Mỹ để hưởng mức lãi suất mới cao hơn và đồng tiền của các thị trường đang phát triển sẽ chịu nhiều áp lực về phá giá. Điều này diễn ra trong bối cảnh các đồng tiền trên đã chịu áp lực sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 vừa rồi.

VNĐ không phải là ngoại lệ khi chịu áp lực của việc các đồng tiền trong khu vực mất giá. Ngoài ra, cán cân thương mại đã trở lại trạng thái nhập siêu trong 2 tháng gần đây với tổng mức nhập siêu khoảng 700 triệu USD cũng tạo áp lực lên tỉ giá USD/VNĐ.

Doanh nghiệp trong nước ít nhiều cảm thấy lo khi giá USD quốc tế và trong nước liên tục biến động thời gian qua Ảnh: Tấn Thạnh

Sau khi FED tăng lãi suất, tâm lý thị trường khá thận trọng và thanh khoản thị trường ở mức trung bình. Điều may mắn cho Việt Nam là khối lượng đầu tư trái phiếu Chính phủ bằng VNĐ của các nhà đầu tư nước ngoài rất ít nên chúng ta không thấy tình trạng bán tháo trái phiếu và mua ngoại tệ của các nhà đầu tư nước ngoài như ở một số thị trường trong khu vực. Trong bối cảnh này, lãi suất tiền đồng phải được giữ ở mức thích hợp để bảo đảm sự hấp dẫn của VNĐ. Đồng thời, khi lãi suất đồng USD tăng, chính sách thương mại của Mỹ còn là dấu hỏi sẽ tạo ra sự bất ổn trên thị trường đòi hỏi các DN phải có biện pháp thích hợp để phòng chống rủi ro.

Và lúc này, cam kết hỗ trợ thanh khoản cho thị trường của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có tính chất quyết định để giữ cho thị trường bình ổn. NHNN cho biết sẽ sẵn sàng can thiệp khi cần thiết nên tôi không kỳ vọng khả năng biến động mạnh của tỉ giá trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT NH TMCP Bưu điện Liên Việt:

Nên tăng lãi suất tiền gửi USD

Những ngày qua, dù giá USD có tăng nhưng nhu cầu ngoại tệ vẫn bình thường và NHNN chưa phải sử dụng đến dự trữ ngoại tệ để can thiệp thị trường. Áp lực lên tỉ giá trong thời gian tới phụ thuộc lớn vào việc đồng USD tăng giá tiếp hay không, biến động của các loại ngoại tệ mạnh khác và nội tại của nền kinh tế Việt Nam từ xuất siêu, kiều hối… Khi tỉ giá biến động tăng, DN xuất khẩu sẽ có lợi và DN trong nước cũng được hỗ trợ từ việc lãi suất tiền đồng ổn định.

Có điều, nhu cầu vay USD của DN là rất lớn nhưng nguồn cung từ dân cư lại hạn chế do lãi suất tiền gửi ngoại tệ về 0%. Lúc này, cần có chính sách hút ngoại tệ vào hệ thống NH từ kênh kiều hối, nên nhích lãi suất huy động USD lên mức 0,5%/năm. Khi đó, hệ thống NH có nguồn ngoại tệ để cho vay mà không ảnh hưởng đến nguồn dự trữ ngoại hối.

Ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex:

Vay vốn bằng VNĐ, lãi suất ít biến động

Thời gian qua, nhiều mặt hàng nông – lâm sản của Việt Nam gặp khó khăn về giá nhưng việc tỉ giá USD/VNĐ được điều chỉnh tăng đang có lợi cho các DN xuất khẩu và nông dân. Như mặt hàng cà phê, giá xuất khẩu đang ở mức cao cộng thêm việc hưởng lợi từ tỉ giá tăng hoặc mặt hàng gạo dù giá bán giảm nhưng nhờ tỉ giá tăng nên cũng khuyến khích xuất khẩu.

Dù vậy, một số mặt hàng phải nhập khẩu nguyên phụ liệu để chế biến, gia công rồi mới xuất khẩu lại gặp khó khăn khi giá USD tăng mạnh. Chẳng hạn, các DN xuất khẩu điều thường phải nhập rất nhiều nguyên liệu thô về để chế biến, gia công, nay giá USD tăng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Hiện một số DN đã hạn chế nhập khẩu nguyên liệu hoặc tìm nguồn cung cấp trong nước để bớt chi phí về giá.

Trong khi đó, đồng nhân dân tệ cũng giảm giá mạnh do ảnh hưởng từ việc USD lên giá sẽ làm hàng hóa Trung Quốc giảm giá và cạnh tranh hơn so với Việt Nam. Theo tôi, những sản phẩm xuất khẩu nào Việt Nam không phải cạnh tranh với Trung Quốc như tiêu, cà phê… thì không đáng ngại. Nông sản tính chung vẫn có lợi khi tỉ giá tăng. Liên quan đến việc vay ngoại tệ, trong bối cảnh đồng USD tăng giá có thể đẩy lãi suất vay ngoại tệ lên cao nên không ít DN đã chuyển sang vay vốn bằng VNĐ với kỳ vọng lãi suất ổn định hơn.

Ông Đinh Công Khương, Giám đốc Công ty Thép Khương Mai:

Trông chờ vào chính sách điều hành tỉ giá

Dù đang vào mùa kinh doanh cuối năm nhưng hoạt động kinh doanh của các DN trong lĩnh vực thép công nghiệp không được khả quan, nhu cầu thị trường giảm. Giá USD tăng khiến hàng hóa nhập khẩu tăng giá nên DN càng lo lắng. Vì khi giá bán tăng thêm 5%-10% sẽ khiến các DN cân nhắc, tính toán việc đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh… Có điều, giá hàng hóa nhập khẩu tăng vẫn không lo bằng việc những DN vay ngoại tệ nay chuẩn bị đến kỳ hạn trả thì USD tăng giá.

Chẳng hạn, DN chúng tôi vay USD hồi đầu năm lúc giá khoảng 22.350 đồng/USD, đến giờ giá USD tăng lên 22.700 đồng/USD phải mua vào để trả nợ NH sẽ gặp rủi ro chênh lệch tỉ giá. Nếu tỉ giá tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới, các DN phải cân nhắc lại việc vay ngoại tệ và có giải pháp ứng phó, như việc chuyển từ vay ngoại tệ giao ngay sang kỳ hạn hoặc mua bảo hiểm rủi ro tỉ giá. Do đó, DN cũng kỳ vọng chính sách điều hành tỉ giá ở mức hợp lý, phù hợp theo tình hình thực tế vì tỉ giá tăng thì DN xuất khẩu được lợi nhưng DN nhập khẩu hàng hóa sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Chuẩn bị sẵn cách ứng phó

Ngày cuối tuần, 17-12, tỉ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 22.144 đồng/USD, tăng 9 đồng/USD so với phiên trước. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, tỉ giá tăng khoảng 1,08%. Mức này là khá thấp so với đà giảm giá của các đồng tiền khác trong khu vực và cả những loại ngoại tệ mạnh như yen Nhật, đồng euro hay nhân dân tệ, do tác động từ việc USD lên giá. Theo NHNN, diễn biến của tỉ giá thời gian qua phù hợp với biến động trên thị trường quốc tế, khi đồng USD và các loại ngoại tệ mạnh khác biến động nhưng về cơ bản, cung cầu ngoại tệ trong nước không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt…

Một diễn biến khác, trong những ngày khi tỉ giá biến động, giá USD trên thị trường tự do cũng ở mức cao và bỏ xa giá USD trong các NH thương mại. Lãnh đạo một số NH thương mại nhìn nhận tỉ giá USD/VNĐ có phần bị ảnh hưởng từ yếu tố tâm lý của thị trường và không ít người đã chuyển sang găm giữ ngoại tệ. Nhưng thực tế, giá USD chỉ biến động mạnh trong thời điểm nhất định và khi đó người găm giữ ngoại tệ có thể gặp rủi ro.

Còn dưới góc độ DN, lo lắng khi đồng USD tăng giá là có cơ sở. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhu cầu ngoại tệ đang tăng trở lại theo yếu tố mùa vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán cuối năm, nhất là khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đã chấm dứt xu hướng giảm so với năm trước. Tín dụng ngoại tệ tính đến cuối tháng 10-2016 tăng khoảng 4,4% so với cuối năm ngoái, trong khi cùng kỳ năm ngoái giảm tới 9%. Nhu cầu tăng cao nhưng DN vay ngoại tệ sắp tới sẽ không còn thuận lợi nhiều như hiện nay vì lãi suất vay USD đang tăng. Theo thống kê của NHNN, hiện lãi suất vay USD phổ biến từ 2,8%-6%/năm, trong đó cho vay trung dài hạn từ 4,9%-6%/năm. Trong khi đó, nguồn ngoại tệ huy động từ dân cư không còn nhiều bởi lãi suất tiền gửi về 0% không đủ hấp dẫn. Ngoại tệ phải vay từ nước ngoài với lãi suất cao hơn và tỉ giá sẽ là một rủi ro mà DN cần quan tâm.

Lúc này, theo các chuyên gia, NHNN nên xem xét tiếp tục hỗ trợ thanh khoản ngoại tệ, thông tin với thị trường khi có những tin tức quan trọng trên thị trường quốc tế và những ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam. Đặc biệt là những biện pháp NHNN sẽ áp dụng để giảm thiểu biến động mạnh, giữ lãi suất đồng VNĐ và thanh khoản ở mức hợp lý.

Linh Anh

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin