Thị trường tiền tệ đang diễn biến được xem là khác lạ khi sóng tỷ giá VND/USD tiếp tục dâng cao với mức tăng chính thức đạt ngưỡng 1% khi kết thúc tuần giao dịch.
Nhiều áp lực đang đè lên vai VND khi USD mạnh lên lấn át nhiều đồng tiền khác trên thế giới; cùng lúc lạm phát trong nước được dự báo tăng bởi giá dịch vụ, y tế đã tăng và yếu tố mùa vụ cuối năm.
Tỷ giá không chịu áp lực
Tỷ giá VND/USD khép lại một tuần liên tục biến động và tăng giá khi đóng cửa kết thúc tuần giao dịch vào 18/11 khi các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh tỷ giá đến 105 – 110 đồng so với đầu giờ sáng, tương đương mức tăng 0,5 – 0,6%. Nếu như vào lúc 10h30 sáng, ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá tại 22.495 – 22.585 đồng/USD (mua – bán), tăng 105 đồng so với đầu giờ sáng, (tăng 45 đồng so với mức tỷ giá vào cuối năm 2015) thì chốt cuối ngày, giá USD tại Sở giao dịch Vietcombank tăng tiếp lên 22.500 – 22.600 đồng/USD (mua- bán).
Trao đổi với Tiền Phong chiều 18/11, giám đốc sở giao dịch một ngân hàng thương mại Nhà nước cho hay trên thực tế nhu cầu mua bán không quá căng. “Cung- cầu vẫn diễn ra bình thường. Có một số doanh nghiệp đặt mua ngoại tệ nhưng chủ yếu họ “cất” để dành sắp đến thời điểm phải thanh toán ngoại tệ đã từng vay. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân cũng muốn phân tán, “chia trứng làm nhiều giỏ” khi thấy giá vàng xuống, lãi suất hạ, bất động sản chững và chứng khoán rủi ro”, vị này nói.
Phân tích hiện tượng tỷ giá tăng trong vài ngày qua, ông Thanh Hà, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho rằng chủ yếu là do tác động của việc đồng USD trên thị trường quốc tế tăng giá mạnh do kỳ vọng các chính sách của ông Trump sẽ làm tăng chi tiêu, kích thích tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. “Tuy nhiên, cung cầu ngoại tệ trên thị trường hiện vẫn diễn ra bình thường, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng được đáp ứng đầy đủ và không có nhu cầu đột biến. Do đó, tỷ giá cũng không thể có áp lực lớn”, ông Hà nói.
Trên bản tin Thị trường nợ phát đi vào chiều tối 18/11, công ty chứng khoán MB (MBS) cũng thông tin tỷ giá tăng khá mạnh trong hai tuần nay, tỷ giá trung tâm VND/USD tăng lên mức 22.120 (tăng 110 đồng so với hai tuần trước). Tỷ giá trong giao dịch của các NHTM ở mức 22.600.
Về nguyên nhân, MBS lý giải: Đây là động thái điều hành chủ động của NHNN trước sức ép tăng giá của USD trong các tuần qua (USD index lên mức 101.27) do kỳ vọng Fed tăng lãi suất trong tháng 12 và kỳ vọng lạm phát tại Mỹ gia tăng. “Chúng tôi cho rằng NHNN hiện đủ dư địa để điều hành tỷ giá ổn định và mức mất giá của VND so với USD sẽ không quá cao”, nhóm phân tích MBS nhận định.
Chủ yếu do yếu tố ngắn hạn
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, thời gian gần đây đồng USD tăng giá liên tục, còn đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi trong khu vực lại giảm giá mạnh trước khả năng Fed tăng lãi suất cuối năm nay. “Tác động của việc này đến thị trường ngoại tệ của Việt Nam là không lớn… Nếu tính về tổng thể trong tương quan giá trị với các đồng tiền của các nước đối tác thương mại lớn nói chung thì tỷ giá USD/VND như hiện nay là phù hợp và không gây bất lợi cho cạnh tranh thương mại”, ông Ánh nhận xét.
PGS.TS Đào Văn Hùng – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) nhìn nhận tỷ giá đang được hỗ trợ bởi cung- cầu trong nước tương đối thuận lợi. Nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào nhờ cán cân thương mại 10 tháng đầu năm thặng dư 3,2 tỷ USD, FDI thực hiện 10 tháng đạt 12,7 tỷ USD. “Bên cạnh đó, tỷ giá cũng được hỗ trợ bởi một lượng cung ngoại tệ đáng kể từ trong nước, đó là nguồn ngoại tệ do tổ chức, cá nhân tích trữ thời gian trước đây được giải phóng, bán cho tổ chức tín dụng trong bối cảnh tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ giảm mạnh, lòng tin vào giá trị VND được tăng cường”, TS Hùng phân tích.
Theo thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,27%. CPI tháng 10 tăng khoảng 4% so với cuối năm 2015,chủ yếu do tăng giá dịch vụ công. Lạm phát cơ bản vẫn duy trì quanh 2% trong 10 tháng đầu năm 2016 cho thấy sức ép từ tổng cầu đối với lạm phát không lớn. Điều này sẽ không ảnh hưởng mạnh đến tỷ giá. “Về yếu tố cung cầu, USD hiện tại cũng không thiếu hụt do Việt Nam vẫn xuất siêu trong 10 tháng đầu năm và vốn đầu tư FDI khá tốt. Tiền đồng mất giá chủ yếu do các yếu tố ngắn hạn là kỳ vọng tăng của USD”, nhóm phân tích MBS nhận định.
Ông Bùi Quốc Dũng, Trợ lý Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận: Hai tháng cuối 2016, Nhà nước dự kiến không điều chỉnh giá dịch vụ y tế, do đó yếu tố tiềm ẩn lạm phát sẽ là giá xăng dầu và lương thực, thực phẩm. Hiện tại, giá dầu khoảng 50 USD/thùng, thời gian tới sẽ khó tăng tiếp. Bởi vậy, dự báo lạm phát trong 2 tháng tới không có nhiều bất thường. “Mỗi tháng trong 2 tháng cuối năm lạm phát tăng khoảng 0,5% là quá rộng rãi. Tôi cho rằng, lạm phát 2016 dao động khoảng 4,5% – 5%”, ông Dũng nói.
Trong tuần, NHNN đã ban hành Thông tư số 31/2016/TT-NHNN, tiếp tục cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn đến hết năm 2017. Theo các chuyên gia, đây không phải là lần đầu tiên NHNN quyết định gia hạn chính sách này, khi trước đó vào các năm 2013, 2014, 2015 và 2016 đều có động thái tương tự. Thông tư mới này ngoài việc tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu được vay vốn với lãi suất thấp hơn hẳn so với vay bằng VND còn góp phần giúp giảm sức cầu về USD trong ngắn hạn và dịu đi phần nào sức ép lên VND trong thời điểm cuối năm.