Biến động tỷ giá hối đoái và câu chuyện của Việt Nam

“Vừa rồi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, ngay lập tức Việt Nam phá giá theo, nhưng phá giá rất ít so với đồng USD, kể cả Philippines, Indonesia…chưa đến 5%”.

Năm 2015, thị trường tài chính thế giới chứng kiến nhiều thay đổi, khi Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ, Mỹ lại nới lỏng tiền tệ, tăng lãi xuất USD, dẫn đến những quan ngại một cuộc chiến tranh tài chính toàn cầu sắp xảy ra… Viễn cảnh kinh tế châu Á và Việt Nam năm 2016 sẽ như thế nào trong bối cảnh biến động tỷ giá hối đoái của hai cường quốc thế giới.

Các nước sẽ đợi Hoa Kỳ tăng lãi suất để tăng lãi suất theo

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright trong Diễn đàn Quản trị tài chính trong bối cảnh tiền tệ hiện nay (do CEO Forum tổ chức chiều 24/11/2015 tại Tp.HCM), cho rằng chi phối lớn nhất bức tranh tài chính năm 2016 là câu chuyện tăng lãi suất của Hoa Kỳ và câu chuyện tăng trưởng tín dụng của Việt Nam.

“Câu chuyện tăng lãi suất của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng mạnh đến kinh tế thế giới. Việc Fed nâng lãi suất USD lên 2% là chắc chắn, lộ trình tăng lãi suất sẽ diễn ra theo đà phục hồi tăng trưởng kinh tế Mỹ. Có thể cuối năm nay hoặc đầu năm sau, Fed sẽ tăng lãi suất đầu tiên trong cả chuỗi tăng lãi suất diễn ra từ từ, kéo dài suốt 2016, dẫn đến sức ép vào dòng vốn chứng khoán, dòng vốn gián tiếp sẽ được điều chỉnh để chảy ngược về Hoa Kỳ”, ông Thành nói.

Nhìn vào sự tăng trưởng chung của khu vực, ông Thành đánh giá: “Dù vẫn có sức ép của quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu, kinh tế châu Á đã có sự phát triển mạnh hơn so với toàn cầu. Những tín hiệu tích cực đến từ Việt Nam Trung Quốc và Ấn Độ, nhờ sự thúc đẩy của dịch vụ, hỗ trợ chuyên môn. Tăng trưởng tiếp tục suy giảm ở Trung Quốc, mức tăng trưởng nằm ở khoảng 6,8- 6,9%. Dự báo bi quan nhất là 6,5%. Đây là sự điều chỉnh lâu dài của kinh tế Trung Quốc, có gây tác động tốt hay không phụ thuộc vào xử lý nợ của Trung Quốc.

Mặc dù có sự suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, nhưng tăng trưởng ASEAN sẽ tăng một chút so với năm 2015. Niềm tin của người tiêu dùng sẽ được cải thiện nhờ cam kết của các nước ASEAN, nhưng Indonesia vẫn sẽ bị ảnh hưởng vì lệ thuộc lớn về xuất khẩu nguyên vật liệu, tài nguyên vào Trung Quốc. Các nước sẽ đợi Hoa Kỳ tăng lãi xuất để tăng lãi suất.

Việt Nam sẽ thế nào trong bức tranh hối đoái toàn cầu?

Nhìn vào con số tăng trưởng vĩ mô khá tích cực của Việt Nam, một số chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cũng đặt ra nghi ngờ liệu có sự “làm đẹp” số liệu không? Nhưng các nhà làm chính sách cam kết “không có sức ép gì để giảm số liệu hết!”

Ông Thành cho biết: “Các nghiên cứu độc lập cũng đã xem xét liệu có sự khập khiễng trong các con số này hay không? Nhận định chung là những nguồn số liệu đều nhất quán nếu nhìn vào sản xuất, bán lẻ, xuất khẩu đều phù hợp với tốc độ tăng trưởng tốt hơn. Lạm phát cơ bản vẫn là 2%, chỉ số niềm tin người tiêu dùng có sự cải thiện. Từ thời bất ổn điều hành vĩ mô, đến quý III/2114 đã có cải thiện đáng kể. Nhưng tốc độ tăng trưởng gần đây nhất tháng 9-10 lại suy giảm về niềm tin người tiêu dùng và tăng trưởng về tổng mức bán hàng. Tuy nhiên, tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu nhờ giảm giá dầu thô nên những khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn đó. Quý IV có cao nhất trong ba quý hay không vẫn là câu hỏi”.

Sự trỗi dậy rất mạnh từ các dự án công nghiệp khai thác, nông nghiệp. Công nghiệp chế biến là một tín hiệu tốt cho năm 2016. Nhưng về phía tiêu dùng, có hai đặc điểm khác các năm trước, dù tăng trưởng đầu tư nhưng đóng góp không mạnh bằng tiêu dùng của dân cư trong nền kinh tế, ông Thành nói.

“Trong khi chúng ta đang tái cấu trúc, cán cân kinh tế các năm trước đang cân bằng thì bây giờ lại thâm hụt. Cán cân thâm hụt xuất nhập khẩu, kể cả ngân sách nhà nước, tác động giảm giá thực phẩm, giá dầu, giá nguyên vật liệu kim loại. Vừa rồi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, ngay lập tức Việt Nam phá giá theo, nhưng phá giá rất ít so với đồng USD, kể cả Philippines, Indonesia…chưa đến 5%. Đáng lẽ để tương quan với các nước ASEAN, chúng ta phải phá giá mạnh hơn. Cứ mỗi lần tỷ giá căng thẳng chúng ta đều dùng ngoại tệ để can thiệp. Nếu Fed quyết định tăng lãi suất buộc ngân hàng sẽ điều chỉnh tỷ giá mạnh hơn”, ông Thành phân tích.

Một câu chuyện nữa là tăng trưởng tín dụng

Thời gian qua chúng ta tăng trưởng tín dụng rất cao, 19% trong bối cảnh lạm phát dưới 1%. So sánh tương quan các biến số vĩ mô thì Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất châu Á. Câu hỏi thú vị đặt ra là tín dụng đi vào đâu?

Ông Thành cho biết: “Trong các báo cáo chính thức và không chính thức, tín dụng cho nông nghiệp tăng 11%, công nghiệp chỉ tăng 6%, xây dựng tăng 19%, trong khi các tín dụng khác như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng tăng 38,2%. Những tín dụng khác cho các cá nhân thực ra cũng là cho bất động sản. Về mặt trung và dài hạn, tỷ trọng cho vay bất động sản ở Việt Nam là mức thấp so với nền kinh tế đang phát triển nhanh. Nếu tính khả năng tiếp cận của tầng lớp trung lưu với mua nhà thì tỷ trọng tín dụng phải cao hơn bây giờ. Con số 38% thể hiện nhiều tin tốt đối với bất động sản”.

Vậy liệu tín dụng có tạo nên bong bóng hay không?

Ông Thành nói: “Có thể nói là không, mà đã giúp cho tăng nguồn thu rất nhiều cho bất động sản. Tăng tín dụng cho bất động sản gắn liền với việc giải quyết nợ xấu. Trong bối cảnh không sử dụng nguồn vốn nhà nước, việc bán nợ xấu cho VAMC đã giúp giảm nợ xấu xuống 2,9-3%. Tổng nợ xấu 130 ngàn tỷ trong khu vực ngân hàng đã được “cất dấu” vào VAMC 91,314 tỷ (4,2 tỷ USD) trong 5 năm. Nếu cộng ngược trợ lại thì tỷ lệ nợ xấu vẫn còn 7,4%. Vẫn chưa hết nợ xấu được ghi là tài sản khác. Trong cả khu vực ngân hàng Việt Nam, tính trong 12 tháng tăng 12%, xóa bỏ một loạt các khoản vay liên ngân hàng. Nhưng tiền gửi của các tổ chức kinh tế chỉ chiếm 2,3%, chủ yếu nhờ tiền gửi của dân cư tăng 11,6% từ tháng 8 đến nay”.

Kết luận về sức khỏe tài chính của Việt Nam năm 2016, ông Thành cho biết: “Kỳ vọng 2016, ý kiến của riêng tôi là nửa đầu năm 2016 sẽ không thay đổi lớn về chính sách. Nhưng áp lực tỷ giá khi Fed tăng lãi suất sẽ khiến cho Việt Nam phải thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa đôi chút vào giữa năm 2016. Triển vọng tăng trưởng cũng không hơn gì mấy so với 2015”.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin