Biến động tỷ giá: “Năm nay, cán cân có thể dương 5 tỷ USD!”

Hai ngày qua, mỗi USD lại đắt thêm từ 60 – 65 đồng so với thời điểm Ngân hàng Nhà nước tuyên bố không điều chỉnh tỷ giá (25/3). Có vẻ sự trấn an vừa rồi chưa đủ xua đi ngột ngạt của tỷ giá đang đến từ đâu đó?

“Năm 2015, luồng ngoại tệ vào so với ngoại tệ ra ở dự kiến luôn ở chiều hướng tích cực, nên dù có nhấp nhổm ở một vài đợt sóng thì xét tổng thể, tỷ giá vẫn trong xu hướng ổn định. Tôi dự tính, cán cân thanh toán tổng thể năm 2015 có thể dương trên dưới 5 tỷ USD”, ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia nói, khi được đề nghị bình luận về vấn đề này.

Tâm lý sợ VND mất giá không còn mạnh

Thưa ông, từ sau Tết Nguyên đán 2015 đến nay, tỷ giá như con ngựa chờ lồng lên, trong khi năm 2014 khá yên ắng. Ông lý giải vấn đề này như thế nào?

Có hai nguyên nhân dẫn đến tỷ giá căng thẳng gần đây, mà đầu tiên do kinh tế Mỹ mạnh thêm, kéo theo USD tăng giá so với hầu hết các tài sản trên thế giới. Năm 2008, 1 Euro đổi trên 1,6 USD, thì bây giờ gần như đổi ngang. Hai là, đầu năm, sản xuất trong nước khởi sắc, công nghiệp phục hồi nên đẩy cầu nhập khẩu nguyên liệu tăng theo.

Chỉ hai tháng đầu năm, dù thời gian nghỉ Tết kéo dài tới hai tuần nhưng thâm hụt thương mại tới 1,2 tỷ USD, trong khi đó, nguồn kiều hối đầu năm về chưa nhiều. Chưa kể, nếu sắp tới, Mỹ tăng lãi suất thì giá trị USD còn tăng tiếp, có thể giá trị đồng Euro còn nằm dưới đồng USD. Vì thế, sức ép với tỷ giá hối đoái năm nay là có thật tuy không quá lớn.

Tại sao khi USD tăng giá lại gây áp lực lên VND, điều này có liên quan gì đến chính sách “neo” VND vào USD? 

Thực ra, cách tính tỷ giá của ta là trực tiếp từ USD sang VND thay vì tính chéo qua các đồng tiền khác; song song, tính tỷ giá khác thì mới tính chéo qua USD. Nói khác đi, VND bị neo vào USD thay vì tính tổng thể trong một rổ các đồng tiền chủ chốt của cả thị trường. Do vậy, đồng USD đang tác động trực tiếp lên VND và sức khỏe VND luôn phụ thuộc vào mối quan hệ giữa lạm phát của Mỹ so với lạm phát của Việt Nam. Về lý thuyết, lạm phát của Mỹ hiện nay là 1,5%, lạm phát của Việt Nam là 4%, chênh 2,5%. Ngoài ra, sức thanh toán của VND kém hơn USD; nói cách khác, rủi ro khi dự trữ VND lớn hơn rất nhiều so với rủi ro nắm giữ USD, ít nhất cũng 2%. Như vậy, chênh lệch giá trị giữa hai đồng tiền này cũng phải trên 4% thì mới hợp lý, đạt được sự cân bằng.

Ba năm nay, dòng chảy ngoại tệ nước ngoài vào Việt Nam tương đối lớn, bên cạnh đó là tâm lý lạm phát suy giảm, nhưng tại sao tỷ giá vẫn là nỗi lo? 

Mấy năm qua, dòng vốn FDI, FII chảy vào Việt Nam tương đối lớn bên cạnh nguồn kiều hối khá dồi dào. Dòng ngoại tệ này đã góp phần lớn tạo ra cán cân thanh toán tổng thể dương trong thời gian khá dài, bù đắp phần nào sự chênh lệch lạm phát và chất lượng đồng tiền giữa hai nước. Đây là sự thuận lợi lớn để ngân hàng Trung ương hoạch định chiến lược dài hơi trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền.

Năm 2015, nếu tốc độ tăng GDP là 6% hay 6,2% và so với GDP 2014 là 5,9% thì mức tăng từ 0,1% – 0,3% không phải quá lớn và không đủ sức tạo ra cú sốc với tỷ giá hối đoái.

Một yếu tố khác, lâu nay, mối quan hệ giữa USD và VND còn bị tác động bởi tâm lý lạm phát. Hễ chênh lệch lạm phát thực 1% thì tâm lý dềnh lên 2% – 3%. Tuy nhiên, hiện nay thì tâm lý lạm phát lại giảm rất mạnh. Bằng chứng là trong dịp Tết vừa rồi, lạm phát xuống thấp chưa từng có trong “lịch sử Tết Việt Nam”, giá cả lại còn tăng trưởng âm. Điều đó chứng tỏ cầu tiêu dùng chưa phục hồi rõ rệt. Nhờ yếu tố này nên tâm lý sợ VND mất giá không còn mạnh như trước và ở một chừng mực nhất định, đã tác động tốt đến ổn định tỷ giá. Tóm lại, năm 2015, luồng ngoại tệ vào so với ngoại tệ ra ở dự kiến luôn ở chiều hướng tích cực, nên dù có nhấp nhổm ở một vài đợt sóng thì xét tổng thể, tỷ giá vẫn trong xu hướng ổn định. Tôi dự tính, cán cân thanh toán tổng thể năm 2015 có thể dương trên dưới 5 tỷ USD.

Cần chú ý yếu tố Trung Quốc

Năm 2014, cán cân thanh toán dương trên 10 tỷ USD nhưng tỷ giá vẫn nổi sóng hai đợt, ông lý giải vấn đề này như thế nào?

Thị trường luôn chịu sự tác động bởi tính thời vụ và những yếu tố bất ngờ, “sự kiện biển Đông” là một ví dụ. Ở đó, các “tay to” có thể nhân cơ hội tạo sóng kiếm lời trong ngắn hạn. Nhưng đó không là yếu tố chính. Điểm yếu nhất trong quản lý tỷ giá hiện nay là thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tại hội nghị ASEAN vừa rồi, Trung Quốc cho biết, thâm hụt của Việt Nam với Trung Quốc lên tới 44 tỷ USD khi nhập khẩu từ họ 63 tỷ nhưng xuất khẩu chỉ 19 tỷ USD, chứ không phải 27 tỷ USD như thống kê của Việt Nam.

Sỡ dĩ có sự khác biệt nói trên là Trung Quốc đã thống kê giao dịch qua biên giới hai nước rất chi tiết, kể cả tiểu ngạch, buôn lậu…, trong khi Việt Nam chỉ thống kê các con số chính ngạch. Đây là con số đáng giật mình. Điều đáng lo là lâu nay, các nhà quản lý tỷ giá ít để ý đến “tử huyệt” này, vì cứ nghĩ thâm hụt chỉ 27 tỷ USD thay vì 44 tỷ USD, trong khi 4 năm trước, con số này chỉ 10 tỷ USD.

Sở dĩ như vậy là vì các nhà sản xuất Việt Nam chỉ có thể nhập khẩu nguyên liệu rẻ tiền, sản xuất ra sản phẩm rẻ tiền và xuất khẩu vào các thị trường dễ tính. Giải bài toán này thì phải đi vào công nghệ; còn nếu chưa làm được thì phải chấp nhận sự phân công như đàn nhạn bay trên bầu trời. Tức là, con đầu đàn bay trước, các con sau cứ theo hình rẻ quạt nhọn và thứ tự đó có lẽ, còn lâu mới thay đổi được.

Theo Nguyễn Hoài

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin