“Thị trường cần thì hỗ trợ. Đã hỗ trợ thì phải bán đủ. Không nửa vời. Vì đây còn là niềm tin”, Thống đốc Lê Minh Hưng từng nêu quan điểm trong đợt can thiệp cuối 2018.
Ngày 21/5, trên sàn giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư chứng kiến đột biến giao dịch thỏa thuận khoản 5.778 tỷ đồng tại cổ phiếu VIC của Vingroup, đến từ nhà đầu tư nước ngoài.
Với kế hoạch và thông tin đưa ra gần đây, quy mô trên mới chỉ một phần. Con số 1 tỷ USD khối ngoại rót mới trong kế hoạch này tiếp tục được chờ đợi từng bước cụ thể.
Trước đó, giới kinh doanh ngoại tệ tại các ngân hàng cũng từng trù tính thị trường sắp đón một lượng ngoại tệ lớn. Một số trường hợp bán ra ngoại tệ và âm trạng thái, nhưng khi nguồn ngoại tệ lớn dự kiến trên chưa chảy vào, thế giới biến động trước diễn biến mới trong xung đột thương mại Mỹ – Trung và đồng Nhân dân tệ rớt giá mạnh…, họ phải mua ngoại tệ vào để cân bằng trạng thái, góp thêm cầu và kích thích thêm biến động tỷ giá USD/VND vừa qua.
Mức độ sẵn sàng bán ra can thiệp?
Cũng trong ngày 21/5, lãnh đạo vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước lên tiếng, với thông điệp: sẵn sàng bán ra ngoại tệ nếu cần, gián tiếp khẳng định định hướng giữ ổn định tỷ giá USD/VND.
Với thông tin đưa ra vừa qua, tính từ đầu năm đến ngày 18/4/2019, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào tới 8,35 tỷ USD – lượng mua ròng lớn nhất từ trước tới nay chỉ trong thời gian ngắn. Quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia theo đó được nâng lên, ước tính xấp xỉ 67 tỷ USD.
Với nguồn lực trên, mức độ sẵn sàng bán ra can thiệp nếu thị trường cần càng thêm chủ động. Nhưng, trong trường hợp nguồn lực dự trữ ngoại hối thấp hơn, mức độ sẵn sàng cũng có thể ngầm định ở mức cao.
Thực tế, từ nửa cuối năm 2018, khi tỷ giá USD/VND bắt đầu biến động mạnh, Ngân hàng Nhà nước phát thông điệp bán ra can thiệp, và bán lớn.
Khi đó, lần lượt mức độ bán lớn dần, lãnh đạo vụ chức năng xin định hướng chỉ đạo của Thống đốc Lê Minh Hưng. Khẳng định đưa ra: “Thị trường cần thì hỗ trợ. Đã hỗ trợ thì phải bán đủ. Không nửa vời. Vì đây còn là niềm tin”.
Thị trường và tỷ giá biến động, các chủ thể trên thị trường nhìn về Ngân hàng Nhà nước – với vai trò người mua bán sau cùng, xuất hiện khi thị trường cần. Nếu xuất hiện lấp ló, bán ra hỗ trợ nửa vời, niềm tin của các chủ thể đó lung lay, hoạt động phòng thủ và thậm chí đầu cơ trên thị trường càng củng cố, rủi ro biến động càng lớn và chi phí điều hành chính sách, chi phí can thiệp càng đòi hỏi lớn.
Theo tính toán của một số tổ chức đầu tư, trong nửa cuối 2018, Ngân hàng Nhà nước đã mạnh tay can thiệp, bán ra khoảng 5 tỷ USD, và thị trường cùng tỷ giá được giữ ổn định.
Và khi thị trường ổn định, niềm tin được củng cố, các cân đối thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước lại trở lại mua ròng tới 8,35 tỷ USD rất nhanh nói trên.
“Tái ông thất mã”
Hàng năm, nâng cao dự trữ ngoại hối quốc gia là một trong những mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng đó không phải mục tiêu một chiều, nguồn lực này có vào – có ra, không chỉ vào mãi và tăng mãi.
Các cân đối gần đây cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào quá mức thặng dư mà các cán cân đạt được. Ví như, thặng dư thương mại của Việt Nam, thặng dư cán cân tổng thể cuối 2018 và đầu 2019 không thể đạt tới quy mô 8,35 tỷ USD nói trên. Theo đó, một phần lớn ngoại tệ nhà điều hành mua vào có từ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi nguồn lực tích tụ trong nền kinh tế trước đây.
Mặt khác, khi lượng hút ròng ngoại tệ vượt mức các cân đối trên, khi cung – cầu trên thị trường cần hỗ trợ để cân bằng và thông suốt, việc bán ra cũng là bình thường.
Ngoài ra, một điểm được chú ý trong các cân đối, đặc biệt ở cán cân thương mại, những năm gần đây và cho đến nay, thặng dư lớn vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, còn kinh tế nội địa vẫn nhập siêu lớn.
Ngoài “tính chất bình thường” nếu Ngân hàng Nhà nước bán ra ngoại tệ, còn có tình huống “Tái ông thất mã” đáng chú ý.
Bán ra ngoại tệ, dự trữ ngoại hối quốc gia tạm thời giảm, hoặc có thể nói tạm thời “mất đi” một phần. Nhưng về đối ngoại, Việt Nam mà cụ thể là việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước thể hiện rõ hướng can thiệp hai chiều trên thị trường, cũng như với tỷ giá USD/VND.
Trùng hợp ngẫu nhiên ở đợt biến động này, tuần trước, phái đoàn của Mỹ có những buổi làm việc với lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, trong kế hoạch đánh giá các đối tác để xem xét mở rộng danh sách các quốc gia mà Mỹ cho là “thao túng tiền tệ”.
Một trong những tiêu chí có liên quan, Mỹ xem xét quốc gia đó có can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất 2% GDP hay không.
Trong cuộc điện đàm với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ sau đó, ông Steven Mnuchin – Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ đánh giá cao việc Việt Nam đã cung cấp thông tin cho phía Hoa Kỳ về chủ trương của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ, và đề nghị Việt Nam tiếp tục trao đổi với phía Hoa Kỳ về vấn đề này.
Chắc chắn, một trong những thực tế Việt Nam cung cấp là thực tiễn điều hành và can thiệp tỷ giá USD/VND theo hai chiều, có mua vào nhưng cũng có và sẵn sàng bán ra ngoại tệ để giữ ổn định.
Việc bán ra ngoại tệ theo đó không có nghĩa chỉ “mất đi”, mà khẳng định thêm các chiều can thiệp đó.
Trước nữa, cũng vào cuối năm 2018, tại thời điểm tỷ giá USD/VND biến động, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi đó cũng từng định hướng rất cụ thể, với mức độ biến động khoảng 2%.
Mà sau đó, trả lời hãng tin quốc tế, Thủ tướng cũng cho biết, khi trao đổi với Tổng thống Mỹ, ông khẳng định quan điểm Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong vấn đề cân đối thương mại. Trong cân đối này, tỷ giá là một mắt xích.