Theo Bộ Công Thương, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt đang đề xuất sẽ khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm điện. So với biểu giá hiện hành, hộ sử dụng điện đến 400 KWh sẽ tiết kiệm được một khoản nhỏ.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Theo đó, giá bán lẻ cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt được rút ngắn từ 6 còn 5 bậc; mức giá tăng dần nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Biểu giá điện sinh hoạt đề xuất sẽ khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm hơn. Trong ảnh: Nhân viên Công ty Điện lực Sài Gòn gửi thông báo tiền điện cho khách hàng. Ảnh: TẤN THẠNH
Giá điện sinh hoạt cao nhất 3.456 đồng/KWh
Theo dự thảo quyết định nêu trên, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt sẽ còn 5 bậc. Cụ thể, bậc 1 từ 0 – 100 KWh, có giá đề xuất 1.728,33 đồng/KWh (giá đang áp dụng là 1.678 – 1.734 đồng/KWh). Bậc 2 từ 101 – 200 KWh, có giá đề xuất 2.037,99 đồng/KWh. Bậc 3 từ 201 – 400 KWh, có giá đề xuất 2.612,11 đồng/KWh. Bậc 4 từ 401 – 700 KWh, với giá đề xuất 3.110,99 đồng/KWh và bậc 5 từ 701 KWh trở lên, với giá đề xuất 3.456,66 đồng/KWh.
Mức giá trên chưa bao gồm thuế GTGT. Các bậc thang từ 1 đến 5 được tính bằng 90% – 180% giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,37 đồng/KWh, vừa được điều chỉnh hồi đầu tháng 5-2023.
Tại lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo đặt mục tiêu giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0 đến 100 KWh nhằm bảo đảm ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp. Nhóm này chiếm 33,48% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt.
Theo quy định áp dụng từ năm 2014 đến nay, trong khoảng tiêu thụ điện từ 0 – 100 KWh được chia làm 2 bậc, gồm: bậc 1 từ 0 – 50 KWh, có giá 1.728 đồng/KWh; bậc 2 từ 51 – 100 KWh, có giá 1.786 đồng/KWh.
Như vậy, trong lần cải tiến này của Bộ Công Thương, bậc 1 và 2 đã được gộp thành bậc 1, từ 0 – 100 KWh. Với biểu giá 5 bậc đang được đề xuất, hộ sử dụng điện từ 0 – 100 KWh đầu tiên sẽ trả mức giá 1.728 đồng/KWh. Trong khi đó, với hộ sử dụng từ 51 – 100 KWh, thay vì phải trả giá hơn 1.786 đồng/KWh như quy định hiện hành thì chỉ phải trả 1.728 đồng, tiết kiệm được hơn 58 đồng/KWh.
Số hộ sử dụng điện từ 101 – 200 KWh năm 2022 là 10,04 triệu, chiếm 36,01% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt. Số hộ sử dụng điện từ 201 – 300 KWh/tháng là 4,96 triệu, chiếm 17,81%.
Với biểu giá mới, giá điện của 2 nhóm khách hàng trên cơ bản không thay đổi. Trong khi đó, số hộ sử dụng điện đến 400 KWh/tháng sẽ tiết kiệm được khoảng hơn 33.000 đồng so với biểu giá hiện hành.
Phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, rút ngắn số bậc đã được Bộ Công Thương đề xuất nhiều lần trước đó. Dự thảo đưa ra lấy ý kiến lần này không khác nhiều so với phương án từng đưa ra lần gần nhất vào tháng 10-2022.
Thời điểm đó, Bộ Công Thương đề xuất biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 bậc như hiện hành còn 4 hoặc 5 bậc. Trong đó, cơ quan này ủng hộ phương án giảm còn 5 bậc. Theo Bộ Công Thương, việc cải tiến này sẽ làm thay đổi căn bản cơ cấu biểu giá bán lẻ điện so với trước nên sẽ tác động trực tiếp tới khách hàng. Trong đó, mức giá bán lẻ điện bình quân với nhóm sinh hoạt không thay đổi.
Cũng theo Bộ Công Thương, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được thiết kế theo các bậc đơn giản trong áp dụng nhưng vẫn đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Cơ cấu này cũng bảo đảm chính sách an sinh xã hội của nhà nước, thông qua việc quy định mức giá thấp cho những bậc đầu nhằm hỗ trợ hộ gia đình có mức sử dụng điện thấp và trung bình.
Việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mặc dù không làm thay đổi giá bán lẻ điện bình quân nhưng sẽ có một số khách hàng phải tăng tiền điện. Ngược lại, một số khách hàng sẽ được giảm tiền điện so với giá điện hiện hành ở các mức độ khác nhau, tùy thuộc vào việc sử dụng nhiều hay ít. Phương án này cũng giúp hạn chế được một phần tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng cao điểm mùa hè.
Biểu giá điện sinh hoạt hiện hành và biểu giá đề xuất của Bộ Công Thương. Đồ họa: ANH THANH
Cần hướng đến lộ trình thị trường điện cạnh tranh
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 9-7, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả – Bộ Tài chính, cho rằng phương án biểu giá điện 5 bậc như Bộ Công Thương đưa ra là phù hợp. Ông nhìn nhận Bộ Công Thương sau thời gian lấy ý kiến các cơ quan liên quan đã tính toán, hoàn thiện dự thảo để đưa ra phương án này.
PGS Ngô Trí Long nhấn mạnh việc xây dựng biểu giá điện cần bảo đảm chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng khó khăn, người nghèo; đồng thời đáp ứng mục tiêu tiết kiệm điện. “Không như nhiều mặt hàng khác, đối với điện, dùng càng nhiều thì mức giá càng cao để khuyến khích sử dụng tiết kiệm” – ông giải thích.
Phân tích cụ thể hơn về đề xuất biểu giá điện 5 bậc của Bộ Công Thương, TS Ngô Trí Long cho biết bên cạnh số bậc để phân hóa đối tượng sử dụng điện thì trong mỗi bậc, cần tính toán để có mức giá phù hợp. Theo ông, Chính phủ đã quy định giá bán lẻ điện bình quân 1.920,37 đồng/KWh, áp dụng từ tháng 5-2023. Do đó, việc tính giá điện từng bậc cần tuân thủ nguyên tắc là tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính cho từng bậc phải cân bằng với tổng doanh thu của giá điện bình quân.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cũng cho rằng việc ghép các bậc với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn nhằm phản ánh đúng tình hình tiêu thụ điện, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Trong đó, bậc 1 từ 0 – 100 KWh với mức giá đưa ra là phù hợp, nhằm bảo đảm ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách có mức sử dụng điện sinh hoạt thấp.
Một yếu tố quan trọng được ông Khải nhấn mạnh là sử dụng càng nhiều điện sẽ phải trả mức giá càng cao, như bậc 5 từ 701 KWh trở lên có giá đề xuất cao nhất là 3.456,66 đồng/KWh. “Điều này sẽ góp phần vào việc sử dụng điện tiết kiệm, khi chúng ta đang gặp khó về nguồn điện, điển hình như thời gian nắng nóng vừa qua tại miền Bắc” – ông Khải nhận xét.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhận định việc giảm số bậc là cần thiết. Song, giảm từ 6 còn 5 bậc thì chưa có sự thay đổi lớn, cần xem xét phương án 3 bậc.
Việc giảm bậc thang giá điện đã được bàn nhiều năm qua, không ít phương án được đề xuất. Tuy nhiên, theo ông Thịnh, việc tính giá các bậc sao cho phù hợp, công khai minh bạch là yếu tố quan trọng.
“Trước mắt, duy trì cơ cấu biểu giá điện bậc thang nhưng về lâu dài cần có sự thay đổi căn bản, hướng đến thực hiện lộ trình thị trường điện cạnh tranh” – ông Thịnh nêu quan điểm.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 9-7, lãnh đạo Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính cho biết cơ quan này cũng đã nhận được dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện từ Bộ Công Thương gửi. Cục Quản lý giá đã giao cho các đơn vị chuyên môn thuộc cục nghiên cứu kỹ dự thảo, xem xét đầy đủ, toàn diện các yếu tố để có góp ý cụ thể.
Đề xuất giá điện cho trạm sạc xe điện
Dự thảo quyết định đã bổ sung giá điện cho các trạm sạc xe điện. Theo đó, giá bán lẻ điện cho trạm sạc xe điện chia theo cấp điện áp, giờ bình thường – thấp điểm – cao điểm. Trong đó, giá thấp nhất bằng 68% giá bán lẻ điện bình quân, với mức 1.306 đồng/KWh; cao nhất bằng 205% giá bán lẻ điện bình quân, với mức 3.937 đồng/KWh. Các giá này đều chưa gồm thuế GTGT.