Bitcoin, chứng khoán, các tiền tệ rủi ro và vàng cùng tăng mạnh khi USD lao dốc

USD giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ tiếp tục phi mã, dù không có thêm thông tin mới nào về động lực buộc ngân hàng trung ương Mỹ phải đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa chính sách.

Chỉ số Dollar index – so sánh đồng USD với rổ 6 đồng tiên đối tác chủ chốt – đã giảm mạnh 0,7% xuống 94,944 vào lúc kết thúc phiên 12/1, trong phiên có lúc xuống chỉ 94,903, mức thấp nhất kể từ ngày 11 tháng 11.

Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm xuống 1,781% vào lúc đóng cửa phiên, sau khi có thời điểm xuống chỉ 1,769%.

Giá tiêu dùng của Mỹ tăng mạnh trong tháng 12, với mức tăng lạm phát hàng năm lớn nhất trong gần bốn thập kỷ. Điều này có thể củng cố kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu tăng lãi suất sớm nhất có thể, dự đoán là tháng Ba.

Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tháng 12 đã tăng 0,5% so theo tháng, sau khi tăng 0,8% trong tháng 11. Tính chung 12 tháng, chỉ số CPI tăng 7,0%, mức tăng lớn nhất (so với cùng kỳ) kể từ tháng 6 năm 1982. Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò ý kiến ​​đã dự báo CPI tháng 12 tăng 0,4% so theo tháng và tăng 7,0% so theo năm.

CPI Mỹ tăng 7% trong tháng 12, cao nhất trong 40 năm

Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc công ty Western Union Business Solutions cho biết: “Nền kinh tế Mỹ có vẻ đã sẵn sàng cho việc bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3”, và “Vấn đề của đồng đô la là thị trường đã có những kỳ vọng rất diều hâu đối với chính sách của Fed trong năm nay. Chỉ số giá CPI hôm nay tăng cao như vậy, nhưng vẫn chỉ đơn thuần là củng cố những gì đã được đưa vào về đồng USD và chính sách của Fed”, giải thích cho việc lạm phát cao – tăng lãi suất sớm lẽ ra phải đẩy đồng USD tăng chứ không phải giảm như phiên vừa qua.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, Jerome Powell, hôm thứ Ba (11/1) đã không đưa ra dấu hiệu rõ ràng rằng Fed đang gấp rút đẩy nhanh kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều đó đã gây áp lực giảm đối với đồng bạc xanh vốn được hưởng lợi trong những tuần gần đây từ kỳ vọng tăng lãi suất của Mỹ.

“Tôi cho rằng (đó) chỉ là một trường hợp của thị trường hiện đang đi quá đà với việc Fed bình thường hóa; chúng ta sẽ cần thấy tác động của lạm phát cao như vậy, nhìn từ khía cạnh biến thể Omicron thực sự có tác dụng khiến Fed tăng lãi suất bốn lần và bắt tay vào thắt chặt định lượng ngay từ năm nay hay không”, Simon Harvey, nhà phân tích thị trường tiền tệ cấp cao thuộc Monex Europe cho biết.

“Mặc dù chúng tôi không nghĩ rằng việc công bố chỉ số CPI sẽ làm thay dổi khả năng Fed tăng lãi suất vào tháng 3, nhưng các báo cáo khác cho thấy áp lực lạm phát đang thu hẹp dần (ví dụ tắc nghẽn vận tải đã giảm bớt) có khả năng khiến thị trường giảm kỳ vọng vào chu kỳ bình thường hóa chính sách của Fed trong cả năm 2022, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến việc đồng USD mất giá liên tục,” ông Harvey nói.

Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch đã định giá khoảng 80% khả năng tăng lãi suất của Fed tăng vào tháng 3.

Các tiền tệ rủi ro cao đồng loạt tăng mạnh so với USD. 

Đồng đô la Australia, thường được coi là một đại diện của tiền tệ rủi ro, đã tăng 1,04% lên mức cao nhất trong một tuần so với đô la Mỹ.

Tương tự, đồng bạc xanh yếu đi và giá dầu tăng đã giúp nâng giá trị đồng đô la Canada lên mức cao nhất trong gần hai tháng. Theo đó, CAD tăng 0,6% lên 1,2505 CAD/USD, tương đương 79,97 US cent/CAD vào cuối phiên, sau khi chạm mức cao nhất trong ngày kể từ ngày 16 tháng 11 ở mức 1,2495 CAD.

Marc Chandler, chiến lược gia thị trường trưởng của Bannockburn Global Forex LLC cho biết: “Chúng tôi đang thấy đồng đô la Mỹ quay đầu giảm trở lại. Vì vậy, các loại tiền tệ được hỗ trợ để tăng trưởng – tiền Na Uy, nhóm các loại đô la – đều hoạt động tốt hơn.”

Nhóm các loại đô la, bao gồm đô la Australia, đô la New Zealand và đô la Canada, vốn nhạy cảm với biến động giá hàng hóa. Giống như Canada, Na uy là một nhà sản xuất dàu lớn. Do đó, giá dầu tăng mạnh gần đây cũng có lợi cho các đồng tiền nói trên tăng giá.

Đặc biệt, đồng bảng Anh tăng 0,56% trong phiên này, được hỗ trợ bởi đồng USD yếu đi và quan điểm rằng đợt tăng số ca nhiễm biến thể Omicron tồi tệ nhất ở Anh có thể sẽ sớm trôi qua – giúp mở đường cho Anh thực hiện một đợt tăng lãi suất khác trong ngắn hạn.

Đồng bảng Anh tăng 0,4% so với đồng USD, chạm mức cao nhất kể từ ngày 4 tháng 11, là 1,3695 USD. So với euro, bảng Anh tăng nhẹ 0,05%, lên 83,44 pence.

Chứng khoán thế giới phiên này cũng tăng do bởi USD và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,28%, Nasdaq Composite tăng 0,23% và chỉ số Công nghiệp Dow Jones nhích thêm 0,11%.

Cổ phiếu châu Âu và châu Á còn tăng mạnh hơn nữa. Theo đó, chỉ số STOXX 600 liên Âu tăng 0,65%. FTSE 100 của Anh đã tăng 0,81% lên mức cao nhất trong một năm, chủ yếu bởi cổ phiếu của các nhà khai thác khoáng sản tăng mạnh, trong đó có dầu mỏ.

Chỉ số Nikkei qua đêm của Nhật Bản tăng 1,9%, trong khi chỉ số MSCI của nhóm cổ phiếu châu Á – Thái Bình Dương trừ Nhật Bản kết thúc phiên tăng 1,95%.

Thị trường chứng khoán toàn cầu sôi động đã nâng chỉ số đo lường cổ phiếu trên toàn cầu – MSCI toàn cầu – tăng 0,8% trong phiên vừa qua.

Luca Paolini, chiến lược gia trưởng thuộc công ty Pictet Asset Management, cho biết: “Omicron là câu chuyện của ngày hôm qua”, “Thị trường không chuyển động dựa trên Omicron mà dựa trên các thông tin về thu nhập, Fed và dữ liệu kinh tế.”

Tuy nhiên, không phải tất cả các ngân hàng trung ương lớn đều thắt chặt chính sách. Tại Trung Quốc, việc lạm phát thấp hơn dự kiến đã khiến các nhà đầu tư gia tăng đặt cược rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ.

Nhân dân tệ Trung Quốc đã tăng 4 phiên liên tiếp, lên mức cao nhất năm nay so với USD. Theo đó, CNY kết thúc ngày 12/1 ở mức 6,3653, tăng 80 pips so với phiên trước đó.

Trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 5 năm đã tăng 8 lần lên mức cao nhất 18 tháng, trước khi hạ nhiệt. Tuy nhiên, đà tăng của nhân dân tệ bị giới hạn bởi khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin ngày 12/1 tăng khá mạnh, thêm 2,3% lên 43.717,08 USD, tiếp tục đà hồi phục từ mức thấp nhất 5 tháng chạm tới vào thứ Hai (10/1). Sáng 13/1, Bitcoin tiếp tục tăng thêm nữa.

Diễn biến giá Bitcoin 24 giờ qua.

Giá vàng cũng bật tăng do USD và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm, thúc đẩy hoạt động mua vàng từ phía các nhà đầu tư.

Giá vàng giao ngay kết thúc phiên 12/1 tăng 0,2% lên 1.825,83 USD/ounce, kéo dài đà tăng sau khi ngày 11/1 đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 12; vàng kỳ hạn tháng 2 cũng tăng 0,5% lên 1.827,3 USD.

Nhà phân tích Suki Cooper của Standard Chartered cho biết giá vàng đã tăng “đáng kể” ngay cả khi thị trường tiếp tục tin rằng đợt tăng lãi suất đầu tiên của Fe sẽ diễn ra vào tháng Ba tới.

“Về mặt lịch sử, vàng có xu hướng tăng giá sớm trong các đợt tăng lãi suất. Biến động giá cho thấy rằng thị trường đã xác định các đợt tăng lãi suất và phạm vi tăng, từ đó đánh giá sức mạnh của USD trong ngắn hạn.”

Trong khi vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát tăng vọt, việc tăng lãi suất dẫn đến chi phí cơ hội nắm giữ vàng thỏi tăng khiến vàng giảm sức hấp dẫn. Tuy nhiên, theo giám đốc giao dịch kim loại của High Ridge Futures, ông David Meger, áp lực lạm phát gia tăng có khả năng giữ cho vàng được hỗ trợ ít nhất trong những tuần tới, có thể đẩy kim loại này lên trên ngưỡng kháng cự kỹ thuật, quanh mức 1.830 USD.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin