Đồng USD giữ vững ở gần sát mức cao nhất trong vòng 16 tháng so với euro, trong khi nhân dân tệ Trung Quốc vọt lên mức cao nhất hơn 5 tháng trong bối cảnh thị trường hoan nghênh cuộc đối thoại giữa Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Trung Quốc.
Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ, Joe Biden, và nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình với những dấu hiệu cải thiện quan hệ song phương và cơ hội xóa bỏ một phần thuế quan, đã làm sôi động thị trường châu Á trong ngày 16/11.
Hai bên đã nhấn mạnh trách nhiệm của họ với thế giới trong việc tránh xung đột. Sự kiện này đã giúp tiền tệ Châu Á tăng trong phiên này, song gây chút áp lực lên các tiền tệ rủi ro bởi cuộc đàm phán dường như không dẫn đến bất kỳ bước đột phá cụ thể nào.
“Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến chỉ nhằm xoa dịu căng thẳng chứ không nhằm đạt được mục đích bình thường hóa mối quan hệ song phương”, Raymond Yeung, chuyên gia kinh tế Trung Quốc thuộc ANZ cho biết. Mặc dù vậy, “Hội nghị này sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán thương mại tiếp theo”.
Carl Tannenbaum, nhà kinh tế trưởng thuộc Northern Trust cho biết: “Tôi nghĩ rằng tổng thống Mỹ và ngoại trưởng của ông ấy đang bắt đầu tìm kiếm các kênh để có thể đạt được thỏa thuận”.
“Và trên thực tế, mới tuần trước, Washington đã đưa ra một số dự định về việc giảm thuế đối với Trung Quốc, và điều đó đã được Bắc Kinh đón nhận một cách hào hứng. Tuy nhiên, tôi vẫn thận trọng và không quá đề cao “.
Đại diện Thương mại Mỹ, Katherine Tai, tuần trước cho biết, chính quyền của ông Biden đang gây sức ép với Trung Quốc trong các cuộc đàm phán về việc Bắc Kinh tuân thủ thỏa thuận thương mại thời cựu Tổng thống Trump, nhưng bà từ chối dự đoán kết quả trong khi các cuộc thảo luận vẫn đang tiếp diễn.
Nhân dân tệ của Trung Quốc đã kết thúc phiên giao dịch trong nước ngày 16/11 ở mức cao nhất trong 5,5 tháng so với đồng USD, đạt 6,377 CNY, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 1/6, tăng 0,11% so với ngày trước đó. Ở nước ngoài, CNY giao dịch ở mức cao nhất kể từ 1/6, đạt 6,3615 CNY, tăng khoảng 0,5% so với phiên liền trước.
Marco Sun, nhà phân tích thị trường tài chính thuộc MUFG Bank, cho biết: “Khả năng cải thiện đáng kể quan hệ Trung-Mỹ trong năm nay là không cao”, song ông kỳ vọng đồng nhân dân tệ sẽ củng cố vững chắc hơn ở mức 6,4 CNY/USD trong thời gian tới.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt, cuối chiều 16/11 theo giờ Việt Nam ở mức 95,446, trước đó có lúc đạt mức cao nhất 16 tháng, tiếp nối đà tăng từ tuần trước, sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ cho thấy giá tiêu dùng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1990, làm dấy lên suy đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Đồng euro ít thay đổi trong ngày 16/11, sau khi giảm mạnh trong thời gian gần đây do thái độ ôn hòa của lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).
Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde, ngày 15/11 nói rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ hiện nay để kiềm chế lạm phát có thể cản trở sự phục hồi của khu vực đồng euro. Phát ngôn này của bà được coi là đẩy lùi những đồn đoán về khả năng ECB sẽ sớm thắt chặt chính sách tiền tệ.
“Nếu chúng tôi thực hiện bất kỳ biện pháp thắt chặt nào vào lúc này thì điều đó có thể gây hại nhiều hơn là có lợi”, bà Lagarde nói.
“Chúng tôi kỳ vọng sự thận trọng của ECB về chính sách sẽ hạn chế triển vọng phục hồi của đồng euro so với đồng đô la trong những tháng tới”, Jane Foley, chiến lược gia FX cấp cao của Rabobank cho biết.
“Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi thấy dự báo tỷ giá EUR/USD giữa năm 2022 sẽ ở mức 1,14 USD có vẻ đã lỗi thời … chúng tôi sẽ sửa đổi dự báo của mình vào cuối tuần.”
Các nhà phân tích cũng cho rằng số ca nhiễm COVID-19 gia tăng ở châu Âu cũng gây áp lực giảm giá lên các đồng tiền châu Âu, bao gồm cả euro.
Hôm thứ Hai (15/11), Áo đã áp đặt một lệnh cấm đối với những người không được tiêm chủng, trong khi Quốc hội Đức sẽ bỏ phiếu vào thứ Năm (18/11) về các biện pháp nghiêm ngặt hơn để đối phó với số ca nhiễm gia tăng. Pháp, Hà Lan và nhiều quốc gia ở Đông Âu cũng đang trải qua tình trạng số ca nhiễm tăng lên.
Nhà phân tích tiền tệ Lee Hardman của MUFG cho biết: “Nỗi lo sợ rằng tình hình có thể leo thang và dẫn đến việc thắt chặt các hạn chế đáng kể hơn trong những tháng tới đang làm tổn thương tâm lý đối với các đồng tiền châu Âu”.
Đồng bảng Anh cuối chiều 16/11 giờ Việt Nam tăng 0,4% so với đồng USD, lên 1,3467 USD, sau khi dữ liệu việc làm mới trong tháng 10 cho thấy sự khả quan. Crown của Thụy Điển cũng tăng khoảng 0,2% so với đồng đô la, lên mức 8,789. Dữ liệu vừa công bố cho thấy lạm phát ở Thụy Điển đã đạt tốc độ nhanh kể từ năm 2008 vào tháng 10.
Trong khi đó, các tiền tệ rủi ro giảm sức hấp dẫn. Đô la Australia – đại diện cho tiền tệ rủi ro, giảm 0,1% xuống 0,73425 USD.
Hầu hết các đồng tiền của các nền kinh tế Châu Á mới nổi tăng do các nhà giao dịch phấn khích bởi diễn biến tích cực trong cuộc hội đàm giữa giữa Thủ tướng Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ngoài ra, “hầu hết các quốc gia châu Á đã bắt đầu xác định ‘sống chung với COVID’ thông qua việc mở lại biên giới cho các chuyến du lịch quốc tế, từ đó có thể thúc đẩy các hoạt động kinh tế”, Kelvin Wong, nhà phân tích của CMC cho biết. Philippines vừa bắt đầu mở cửa trường học trở lại sau 20 tháng đóng cửa do đại dịch gây ra, trong khi Thái Lan mở cửa các điểm du lịch hàng đầu cho du khách từ hơn 45 quốc gia bắt đầu từ ngày 1 tháng 11.
Các nhà phân tích của Maybank cho biết khả năng phục hồi của đồng nhân dân tệ dường như đang “neo giữ sự ổn định” giữa các đồng tiền của các nền kinh tế Châu Á mới nổi.
Đồng won của Hàn Quốc dao động ở mức cao nhất trong vòng hai tuần.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã mở đầu cuộc hội đàm một cách nồng nhiệt và nhấn mạnh trách nhiệm tránh xung đột. Trong bối cảnh đó, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng hơn 5 tháng. Đồng baht Thái Lan và đô la Singapore cũng đồng loạt tăng 0,1% mỗi loại, trong khi won của Hàn Quốc tăng 0,3%.
Rupiah của Indonesia dao động nhẹ do nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp chính sách của Ngân hàng Indonesia (BI), sẽ diễn ra vào thứ Năm (18/11), với dự báo BI sẽ giữ nguyên lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau đại dịch Covid-19, và sẽ nâng dần lãi suất từ năm 2022. Peso Philippines ngày 16/11 giảm 0,3%
Thị trường chứng khoán Indonesia tăng 0,6% trong ngày 16/11, mức tăng mạnh nhất trong số các thị trường chứng khoán khu vực, và cũng là mức tăng cao nhất của chứng khoán nước này trong vòng một tuần trở lại đây.
Chứng khoán Thái Lan tăng mạnh thứ hai, tăng 0,5%, tiếp theo là chứng khoán của Philippines, Malaysia và Đài Loan, mỗi chỉ số tăng khoảng 0,3%. Chứng khoán Hàn Quốc, Singapore và Ấn Độ ngày 16/11 nhìn chung ít biến động. Chứng khoán Philippines giảm 0,5%.
Vishnu Varathan, nhà phân tích thuộc Mizuho, cho biết: “Kỳ vọng một không khí hội đàm cởi mở sẽ giúp các quan hệ thương mại trở lại đúng hướng”.
Đối với tiền điện tử, Bitcoin đã giảm 4,5% chỉ trong vòng một ngày, xuống dưới 60.000 USD, kéo dài xu hướng đi xuống trong khoảng một tuần trở lại đây, trong bối cảnh bản nâng cấp blockchain lớn nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, Taproot, được kích hoạt ngày 14/11, trong đó ưu tiên tính riêng tư và hiệu quả của các giao dịch.
Ngày 14/11, bản cập nhật Taproot đã được kích hoạt trên mạng lưới Bitcoin ở khối 709.632. Đợt nâng cấp này cho phép các nhà phát triển tích hợp nhiều tính năng mới, giúp cải thiện quyền riêng tư, khả năng mở rộng và bảo mật trên blockchain Bitcoin.
Lúc 17h30 ngày 16/11 theo giờ Việt Nam, Bitcoin giao dịch ở mức 59.951 USD, giảm sâu so với mức kỷ lục 69.000 USD đạt được hôm 10/11. Đồng Bitcoin giảm giá sau đợt tăng đã nằm trong kịch bản dự đoán của nhiều nhà phân tích.
Ether ngày 16/11 cũng giảm từ mức trên 4.700 USD xuống 4.245 USD tối 16/11 theo giờ Việt Nam.
Các nhà phân tích tiền điện tử cho biết dường như không có bất kỳ tin tức nào về lý do tiền điện tử giảm giá, và có thể hiện tượng này được thúc đẩy bởi việc nhà đầu tư bán chốt lời sau đợt giá tăng mạnh.
Mặc dù giảm song giá trị của Bitcoin đã tăng hơn gấp đôi kể từ tháng 6, được thúc đẩy bởi việc áp dụng chính thống tiền điện tử và gần đây là sự ra mắt của các quỹ giao dịch hoán đổi bitcoin dựa trên hợp đồng tương lai ở Mỹ.
Diễn biến giá Bitcoin 24 giờ qua.
Giá vàng ngày 16/11 duy trì ở mức cao nhất hơn 5 tháng do nhà đầu tư lo ngại lạm phát sẽ còn kéo dài nên thúc đẩy hoạt động mua vàng miếng.
Cuối chiều 16/11 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.864,80 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,1% lên 1.868,20 USD. Giá vàng đã tăng 1,9% kể từ thứ Ba tuần trước (9/11) sau khi dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 10 tăng nhanh.
Han Tan, nhà phân tích thị trường của công ty Exinity cho biết: “Quan điểm cho rằng lạm phát của Mỹ vẫn chưa đạt đỉnh đã giữ giá vàng ở mức cao, miễn là Fed không thay đổi cách tiếp cận kiên nhẫn của mình đối với bất kỳ mức tăng lãi suất nào.”
Thị trường tài chính đang chờ đợi dữ liệu về doanh số bán lẻ của Mỹ, sẽ công bố trong ngày 16/11.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk