Bố đột quỵ, con dùng dao cứa tai chích máu gây nguy hiểm: BS cảnh báo 3 sai lầm chết người khi xử trí đột quỵ mọi người cần tránh

Khi được đưa đến viện cấp cứu, bệnh nhân đã bị con trai dùng dao sắc cứa tai để chích máu, vì nghe trên mạng đây là cách sơ cứu hiệu quả.

TIN MỚI

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng một phần não bị hư hại đột ngột do mất nguồn máu nuôi dưỡng khi mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ. Thời gian gần đây, các ca đột quỵ liên tục diễn ra khiến nhiều người bắt đầu chuẩn bị cho mình những kiến thức về căn bệnh này.

Tuy nhiên, không ít người vẫn cảm thấy lúng túng trong việc xử trí người bị đột quỵ. Mới đây, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân đột quỵ não, gần 70 tuổi. Khi được đưa đến viện cấp cứu, bệnh nhân đã bị con trai dùng dao sắc cứa tai để chích máu, vì nghe trên mạng đây là cách sơ cứu hiệu quả.

Sau khi được đưa đến bệnh viện tỉnh, bệnh nhân đã được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc mạch lớn, xử lý vết thương ở tai. Đồng thời chuyển bệnh nhân tới Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai để lấy huyết khối cơ học.

Trường hợp trên chính là một ví dụ cho thấy xử trí sai cách có thể khiến bệnh nhân đột quỵ gặp nguy hiểm.

Theo các chuyên gia y tế, đột quỵ có tỷ lệ tử vong rất cao, có thể để lại những di chứng rất nặng nề cho người bệnh vì vậy khi cấp cứu nên tránh những sai lầm nguy hiểm dưới đây.

Chích máu 10 đầu ngón tay, dái tai

Nghe thông tin trên mạng, nhiều người mách nhau việc chích máu 10 đầu ngón tay hoặc dái tai người bệnh trước khi đưa đi viện.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh (Giám đốc Học viện y học cổ truyền Trung ương) mọi người không nên tự ý chích máu 10 đầu ngón tay người bệnh, bởi chỉ có những bác sĩ y học cổ truyền mới có thể thực hiện những biện pháp châm máu ở 10 đầu ngón tay. Theo y học cổ truyền, chích máu ngón tay thường được áp dụng trong trường hợp sốt cao co giật. Với người bị tai biến mạch máu não thì không nên làm vì có thể khiến người bệnh rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn.

Theo PGS.TS Tạ Mạnh Cường (Phó viện trưởng Viện Tim mạch, BV Bạch Mai): Bệnh nhân đột quỵ nên chờ nhân viên y tế đến, người dân chỉ nên ở cạnh quan sát hỗ trợ người bệnh chứ không nên tự ý tác động lên người bệnh, chỉ có bác sĩ mới xác định chính xác cần làm gì để chữa trị cho nạn nhân.

Cho người bệnh dùng thuốc hạ huyết áp

Cũng theo PGS.TS Tạ Mạnh Cường, hiện nay có rất nhiều trường hợp thấy bệnh nhân có huyết áp cao đột ngột nên tự ý cho uống thuốc hạ huyết áp, điều này khiến cho huyết áp của bệnh nhân tụt xuống, càng làm cho dòng máu lên não yếu đi, khiến ổ nhồi máu nhũn não càng rộng hơn, tình trạng bệnh nhân càng diễn tiến xấu, di chứng nặng nề hơn.

Bố đột quỵ, con dùng dao cứa tai chích máu gây nguy hiểm: BS cảnh báo 3 sai lầm chết người khi xử trí đột quỵ mọi người cần tránh - Ảnh 1.

Ngoài ra, một số bệnh nhân bị đột quỵ có chức năng nuốt bị ảnh hưởng. Nếu chúng ta cố tình để bệnh nhân uống thuốc có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi do hít sặc, thức ăn, thuốc rơi vào phổi ở bệnh nhân

Cách xử trí khi gặp người bị đột quỵ đó là gọi xe cấp cứu và đưa họ tới bệnh viện gần nhất để được khám chữa đúng cách.

Bỏ qua mất “thời gian vàng” cấp cứu bệnh nhân

Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Tổng thư ký Hội Đột quỵ Việt Nam, “thời gian vàng” để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là 3-6 tiếng kể từ khi xuất hiện các dấu hiệu như méo miệng, nói lắp, nhìn mờ, đột ngột yếu, tê mặt, tay chân, đau đầu, chóng mặt dữ dội… Tuy nhiên nhiều người lo lắng, lúng túng không biết nên cấp cứu như thế nào cho đúng, thậm chí vì lo lắng nhiều người còn lựa chọn phương án để bệnh nhân nằm yên dẫn đến việc bỏ qua mất “thời gian vàng”.

Bố đột quỵ, con dùng dao cứa tai chích máu gây nguy hiểm: BS cảnh báo 3 sai lầm chết người khi xử trí đột quỵ mọi người cần tránh - Ảnh 2.

Thực tế, việc di chuyển bệnh nhân đột quỵ không đúng cách có thể sẽ khiến chấn thương thêm nghiêm trọng, tăng nguy cơ liệt, tử vong. Tuy nhiên, chúng ta không nên bỏ rơi người bệnh mà cần xử trí như sau:

– Nếu bệnh nhân còn tỉnh: Để họ nằm yên tĩnh và gọi cấp cứu đến bệnh viện chuyên khoa gần nhất.

– Nếu bệnh nhân bị bất tỉnh: Người xung quanh cần đỡ, tránh cho họ khỏi ngã. Tốt nhất chúng ta nên để bệnh nhân nằm nghiêng, giúp họ không hít phải chất nôn, đờm, làm thông thoáng đường thở.

– Trong trường hợp bệnh nhân đột quỵ vào thời gian nửa đêm về sáng, nhiệt độ xuống thấp: Người thân cần đưa bệnh nhân vào phòng ấm, đắp chăn, đồng thời gọi ngay xe cấp cứu để nhân viên y tế hỗ trợ.

(T/h)

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin