Bộ Tài chính định hướng thay đổi chuẩn mực kế toán VAS, từ năm 2025 sẽ áp dụng IFRS

Dự kiến đến 2020, VAS phải được ban hành lại và ban hành mới trên cơ sở cập nhật những thay đổi của IFRS. Hiệu lực của VAS/VFRS mới sẽ được bắt đầu từ 1/1/2020. Trong đó, các đơn vị có lợi ích công chúng sẽ dần chuyển đổi từ VAS/VFRS sang IFRS và đến 2025 phải hoàn tất quá trình chuyển đổi

TIN MỚI

Bộ Tài chính đang triển khai thực hiện Quyết định 480/QĐ -TTg ngày 18/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược kế toán – kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và thực hiện Nghị quyết 35/ NQ- CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến 2020. Theo đó việc phát triển và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về Chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần phải được sớm triển khai để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong giai đoạn mới. Để làm được điều này, Bộ Tài chính đang xây dựng đề án đưa IFRS vào Việt Nam và cập nhật, ban hành mới VAS/VFRS, trong đó đề cập đến hướng đi cho Việt Nam, lộ trình áp dụng, biện pháp triển khai, thực hiện…

Chuẩn mực kế toán Việt Nam cần thay đổi

Theo đánh giá của các định chế tài chính quốc tế và giới chuyên môn, sự khác biệt giữa VAS và IFRS hiện nay còn tương đối lớn, tạo ra một số rào cản và làm giảm niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Một trong số đó là nhiều khoản mục trên BCTC cần được đánh giá lại theo giá trị hợp lý hoặc giá trị có thể thu hồi theo IFRS nhưng vẫn được ghi theo giá gốc theo VAS.

Điều này làm cho giá trị tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp chưa phản ánh đúng như diễn biến trên thực tế của thị trường. Việc chưa ban hành một số Chuẩn mực quan trọng như công cụ tài chính, tổn thất tài sản,… khiến các doanh nghiệp chưa có căn cứ pháp lý để ghi nhận các khoản tổn thất một cách kịp thời, các công cụ tài chính phái sinh chưa được sử dụng rộng rãi để phòng ngừa rủi ro cho hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt, một đất nước có tỷ trọng nông nghiệp còn chiếm phần lớn trong nền kinh tế như Việt Nam lại chưa có Chuẩn mực kế toán cho lĩnh vực nông nghiệp.

ifrs resize 1484818159951

Hiện nay đã có 116 quốc gia trên Thế giới áp dụng IFRS. Rõ ràng, khi áp dụng IFRS, chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ tăng lên rõ rệt thông qua việc nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh. Xét về lâu dài, việc sử dụng IFRS sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời cũng là một yếu tố để quốc tế công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Lộ trình dự kiến

Theo định hướng của Bộ Tài chính, dự kiến đến 2020, VAS phải được ban hành lại và ban hành mới trên cơ sở cập nhật những thay đổi của IFRS. Hiệu lực của VAS/VFRS mới sẽ được bắt đầu từ 1/1/2020. Trong đó, các đơn vị có lợi ích công chúng sẽ dần chuyển đổi từ VAS/VFRS sang IFRS và đến 2025 phải hoàn tất quá trình chuyển đổi. Như vậy, từ sau năm 2025, việc áp dụng Chuẩn mực kế toán tại Việt Nam sẽ chia thành 3 cấp độ: Các đơn vị có lợi ích công chúng áp dụng IFRS; Các đơn vị khác áp dụng VAS/VFRS; Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng Chế độ kế toán riêng cho SME.

Bộ Tài chính xác định cần phải xây dựng lộ trình cụ thể đảm bảo tính khả thi. Dự kiến những công việc chủ yếu phải thực hiện theo từng giai đoạn như sau:

Giai đoạn 2017- 2018:

– Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, trường đại học về các nội dung dự thảo VAS/VFRS và IFRS

– Đào tạo, dịch tài liệu về IFRS

– Khảo sát sự sẵn sàng áp dụng IFRS tại các đơn vị có lợi ích công chúng

– Đánh giá tác động của việc áp dụng IFRS

– Đánh giá các khác biệt về cơ chế tài chính của Việt Nam với IFRS

– Lựa chọn một số đơn vị áp dụng thí điểm IFRS

Giai đoạn 2018 – 2020

– Lựa chọn một số IFRS (khoảng từ 10-20 IFRS) đơn giản phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam và công bố tuân thủ, áp dụng đối với tất cả các đơn vị có lợi ích công chúng từ năm 2020

– Các đơn vị được lựa chọn thí điểm áp dụng từ 2019

– Xây dựng hướng dẫn áp dụng IFRS

– Tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, đào tạo IFRS cho các doanh nghiệp, công ty kiểm toán, trường đại học

Giai đoạn 2020 đến 2023:

– Tiếp tục công bố, tuân thủ thêm một số IFRS (dự kiến nâng số lượng IFRS được tuân thủ lên 30 Chuẩn mực)

– Khuyến khích các đơn vị không có lợi ích công chúng nhưng có đủ điều kiện và mong muốn được lập và trình bày Báo cáo tài chính theo IFRS

– Tiếp tục xây dựng hướng dẫn áp dụng IFRS

– Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc triển khai áp dụng, các trường đại học trong việc đào tạo IFRS

Giai đoạn 2023 – 2025:

– Tuyên bố tuân thủ hoàn toàn IFRS

– Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và trường đại học, xây dựng hoàn chỉnh bộ hướng dẫn áp dụng IFRS và sửa đổi, bổ sung, cập nhật hàng năm theo sự thay đổi của quốc tế.

Bộ nhận định rõ vấn đề nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt, quyết định đến sự thành công trong việc áp dụng IFRS tại Việt Nam nên công tác tuyên truyền, phổ biến và đào tạo về IFRS là cực kỳ quan trọng. Bộ Tài chính sẽ đề nghị các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB, EU, JICA…(ít nhất là từ nay đến 2020) cung cấp các chương trình hỗ trợ kỹ thuật dài hạn để giúp Việt Nam lựa chọn các IFRS áp dụng theo lộ trình và đào tạo IFRS cho nhân sự Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ biên dịch IFRS từ tiếng Anh sang tiếng Việt để làm căn cứ thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng nghiên cứu, áp dụng. Các doanh nghiệp, trường đại học, hội nghề nghiệp như VAA, VACPA cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong quá trình thực hiện bằng cách phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh, xây dựng lại giáo trình và đổi mới phương pháp đào tạo, tổ chức nhiều khóa cập nhật kiến thức cho kiểm toán viên, kế toán viên hành nghề.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin