Nhảy việc quá nhiều, đến khi đã 30 tuổi, tôi vẫn chưa có thành tựu gì nên đi xin việc cũng chẳng có công ty nào “cần” đến nữa.
*Dưới đây là bài chia sẻ của chàng trai 30 tuổi đang thất nghiệp Chu Xung (Trung Quốc), được đăng trên trang Zhihu.
Tôi tốt nghiệp năm 2014. Sau khi ra trường, tôi nghĩ mình còn trẻ, có tiềm năng phát triển nên thường xuyên thay đổi công việc và xin nghỉ ngay khi gặp bất cứ vấn đề gì. Cứ như thế, tôi đã thay đổi công việc 24 lần trong 5 năm sau khi tốt nghiệp. Thời gian nhảy việc nhanh nhất chỉ trong nửa ngày. Lần lâu nhất cũng trụ được 4 tháng.
Tuy nhiên, việc lấy việc nghỉ việc làm niềm vui ở những năm tháng tuổi trẻ khiến sự nghiệp của tôi sau này như đi vào ngõ cụt. Đến bây giờ khi đã 30 tuổi rồi, tôi vẫn chưa có thành tựu gì nên đi xin việc cũng chẳng có công ty nào “thèm”.
Đầu năm nay, tôi gửi CV tới hàng chục công ty đăng tin tuyển dụng trên mạng nhưng chỉ có một bên liên hệ với tôi qua điện thoại.
Nhân sự hỏi: “Mấy năm nay sao anh thường xuyên thay đổi công việc vậy?”
Tôi nói: “Có lẽ tôi vẫn chưa tìm được vị trí thích hợp”.
Nghe vậy, họ lịch sự cúp điện thoại. Sau này, tôi muốn nhờ bạn bè giới thiệu việc làm. Nhưng khi lướt danh bạ điện thoại, tôi nhận ra mình chẳng có kết nối nào thân thiết để nhờ vả. Thậm chí có lúc tôi đã nghĩ đến việc xin sếp cũ nhận lại mình nhưng khi gửi tin nhắn đi, tôi phát hiện ra chúng tôi đã không còn là bạn bè trên mạng xã hội nữa.
Là một người tự hủy hoại tương lai của mình, tôi muốn dùng câu chuyển của bản thân để tâm sự với tất cả những người cũng đang bốc đồng, cố chấp, thiếu hiểu biết với những mộng tưởng màu hồng như tôi ngày trước. Tôi hy vọng rằng tất cả có thể đọc những điều tôi viết ra đây một cách cẩn thận. Đặc biệt, đừng giống tôi nếu không bạn cũng sẽ phải tự mình trải qua 5 bài học xương máu dưới đây:
1. Nhảy việc càng nhiều, bạn sẽ nhận hậu quả càng nhanh
Nếu bạn là thế hệ sinh sau những năm 90, bạn phải vượt qua suy nghĩ ngu ngốc của mình rằng: Tôi vẫn còn trẻ và tôi còn nhiều thời gian.
Trên thực tế, chúng ta thực sự có rất ít thời gian. Tôi thường thấy những bạn HR chia sẻ rằng ai đến xin việc dù sinh năm 1990 cũng sẽ bị loại vì đã 30 tuổi rồi. Đặc biệt là đối với phụ nữ, họ có tuổi lao động ngắn hơn nam giới. Khi nữ giới bước qua tuổi 25, khi đi phỏng vấn, người ta sẽ hỏi thêm họ về hôn nhân, gia đình. Nói cách khác, chúng ta chỉ có một vài năm ngắn ngủi của thời hoàng kim để tìm kiếm việc làm dễ dàng. Một khi khoảng thời gian này trôi qua, chúng ta sẽ không còn lợi thế về tuổi tác tại nơi làm việc.
Ngoài ra, việc xin nghỉ việc thường xuyên sẽ khiến bạn khó học được những kỹ năng thực sự của một ngành nghề nào đó. Một trong những ông chủ của tôi trước đây đã nói rằng nếu bạn muốn hiểu bản chất của một ngành, bạn phải ở trong ngành này hơn 5 năm. Thế nhưng trong 5 năm, tôi đã nhảy việc đến tận 24 lần chỉ vì muốn trải nghiệm nhiều môi trường làm việc khác nhau. Điều này dẫn đến việc sau này mỗi lần đi phỏng vấn, tôi luôn bị từ chối.
Cảnh thất nghiệp kéo dài khiến tôi phải sống rất chật vật. Ngay cả khi đặt một món ăn với giá 8 NDT, tôi cũng có thể chia nó thành hai phần ăn. Khi mua quần áo trên Taobao, tôi chỉ dám mua quần áo dưới 30 NDT và mặc đi mặc lại chúng trong vòng một năm.
Nhắc đến Taobao, tôi chợt nhớ có lần một hãng truyền thông nước ngoài hỏi Jack Ma rằng: “Ông nghĩ sao về việc giới trẻ ngày nay thường xuyên nhảy việc?” Tỷ phú này đã trả lời rằng đừng nghỉ việc quá nhiều. Công việc đầu tiên mà Jack Ma làm là giáo viên. Ông làm đến 6 năm không phải vì yêu thích nó mà vì lời hứa với thầy hiệu trưởng. Tỷ phú này cũng dặn dò giới trẻ rằng:
“Các bạn phải tự hứa với lòng rằng mình sẽ làm công việc này ít nhất 3 năm trước khi nghỉ. Nhảy việc nhiều thực sự không tốt.”
Đến giờ, tôi thực sự thấm thía lời khuyên này.
2. Phải biết kiềm chế cảm xúc
Điều tôi hối tiếc nhất là xin nghỉ việc ở một công ty truyền thông mới. Bởi vì ngành này tốt, mọi người trong công ty đều kiếm được nhiều tiền. Ở đó, lương tháng của tôi hơn chục nghìn NDT. Tuy nhiên tôi đã nghỉ việc bởi tôi cảm thấy chán nản khi chỉ phạm một lỗi nhỏ mà đã bị trừ lương. Nhưng cũng kể từ đó, tôi đã không tìm thấy một công ty nào tốt hơn công ty đó nữa. Sau này, khi nhìn lại thất bại của mình, tôi thấy tính cách quá bốc đồng chính là vết thương chí mạng lớn nhất của tôi.
Ngày trước, cứ mỗi lần xảy ra sự cố ở công ty, tôi luôn để mình rơi vào “tâm lý nạn nhân” và tìm mọi cách để đổ lỗi hay làm um sùm lên. Cuối cùng, dù ông chủ có hào phóng đến đâu, anh ta cũng không thể chịu đựng được nữa và tôi chủ động nghỉ việc.
Trên thực tế, sự ổn định về cảm xúc là điều ai cũng nên rèn cho mình ở môi trường làm việc. Công ty không phải là một phòng tư vấn tâm lý cũng chẳng phải nhà trẻ. Mọi cảm xúc của bản thân bạn đều đều phải tự mình học cách kiểm soát. Tất cả chúng ta đều là người lớn. Dấu ấn lớn nhất của một người trưởng thành là tự chịu trách nhiệm.
Loại tự chịu trách nhiệm này không chỉ bao gồm chịu trách nhiệm về tương lai, thu nhập, sự phát triển và trưởng thành của chính mình, mà còn chịu trách nhiệm về cảm xúc của bản thân.
3. Phải đáng tin cậy
Mỗi công ty đều có cơ chế hoạt động riêng nhưng có một điều mà tất cả đều giống nhau. Đó là, các nhà lãnh đạo đều muốn các thành viên trong công ty có sự hợp tác để công việc hiệu quả và suôn sẻ hơn. Các đầu việc được giao đều cần có phản hồi, đánh giá và cải thiện. Tôi có một người bạn cùng lớp đã nhanh chóng được công nhận và tăng lương nhờ loại năng lượng này.
Công ty giao cho cô ấy một dự án mà không đề cập đến thời gian thực hiện hay báo cáo. Tuy nhiên, cô ấy đã nhanh chóng triển khai và nghiệm thu kết quả. Có những dự án ngay cả khi không được hoàn thành hay gặp sự cố, cô ấy vẫn thành thật nói với lãnh đạo và xin sự giúp đỡ. Điều này giúp cô ấy tạo được ấn tượng tốt với cấp trên và họ cho rằng cô ấy rất đáng tin cậy. Tôi thì ngược lại.
Tôi chỉ làm những gì ông chủ của tôi yêu cầu tôi làm. Khi gặp khó khăn tôi cũng âm thầm giải quyết một mình. Vốn nghĩ đây là sự kiêm tốn, chịu khó nhưng không. Điều này đã khiến 80% các sếp cho rằng tôi là người không chăm chỉ, không có khả năng học hỏi, không có sáng kiến và tinh thần dám nghĩ dám làm. Tôi bị hiểu lầm nên tôi lại nghỉ việc.
Đúng vậy, tôi xứng đáng với kết cục này. Tôi không tạo dựng được lòng tin với lãnh đạo. Và nó khiến khả năng của tôi cũng không được công nhận.
4. Biết hài lòng với công việc hiện tại
Nhìn nhận đúng khả năng của mình đó là sự lựa chọn tốt nhất của bạn. Tôi tin rằng ai cũng phải cân nhắc rất nhiều trước khi đưa ra lựa chọn công việc cho mình. Và sự lựa chọn cuối cùng là sự lựa chọn tốt nhất, phù hợp nhất với bạn. Nếu vậy thì bạn phải là sao cho xứng đáng với cái “tốt nhất” này. Bạn không nhất thiết phải dùng đến 100% năng lượng để nỗ lực làm việc, nhưng ít nhất bạn cùng phải sử dụng 80% năng lượng để dành cho nó. Tôi thì không, nên tôi lại nghỉ việc.
Khi tôi mới vào một công ty, tôi sẽ chỉ cảm thấy phấn khích và có năng lượng làm việc trong ba ngày đầu tiên. Sau đó, khi đã quen việc, tôi bắt đầu cảm thấy nhàm chán chúng. Dần dần, trong tiềm thức bắt đầu để ý những điều vụn vặn, bới lông tìm vết để ruồng bỏ nó. Công ty không có trà chiều, tiền thưởng quá ít, lãnh đạo quá hà khắc… là những điều tôi dùng để thuyết phục mình nghỉ việc, tìm một môi trường tốt hơn, xứng đáng hơn với bản thân mình.
Tôi quên mất mình đã gửi hàng chục hồ sơ xin việc như thế nào để nhận được hai cuộc phỏng vấn. Tôi cũng quên mất mình đã phải khó khăn như thế nào để tìm được công việc này. Tôi đã hết lần này đến lần khác hủy hoại những lựa chọn tốt nhất của chính mình bằng sự nông nổi, cố chấp, lười biếng và hẹp hòi của chính mình.
Khi tôi nghỉ việc, tôi cảm thấy thanh thản. Tôi đã nghĩ rằng mình đã thoát khỏi một nơi tôi không nên thuộc về. Nhưng điều tôi không ngờ là chỉ vì sự thiếu lý trí của mình, những lựa chọn công việc sau này của tôi dần trở nên tồi tệ hơn. Tiền lương hàng tháng của tôi thấp hơn, môi trường làm việc tệ hơn. Và tôi đã rất hối hận vì quyết định của mình.
5. Phải biết tri ân
Tôi nghĩ những thế hệ sau những năm 90 phải thực sự quan tâm đến điều này. Tôi luôn cảm thấy việc công ty cho nhân viên ở khách sạn năm sao, đi máy bay, đi du lịch nước ngoài đều là nghĩa vụ cần làm. Nhưng vấn đề là công ty cũng cần chi phí. Những chi phí này, họ có thể không phải trả cho bạn mà có thể trả cho người khác, thế nên khi họ đã chi cho bạn thì họ cũng mong muốn được đáp trả một điều gì đó xứng đáng.
Nếu bạn dùng thái độ thể hiện việc làm của công ty là điều hiển nhiên thì bạn sẽ tạo cho lãnh đạo một ấn tượng không hề tốt. Họ sẽ cho rằng kiểu người như bạn có đối tốt bao nhiêu thì cũng sẽ chỉ vô dụng. Cứ thế, bạn sẽ bỏ lỡ nhiều lợi ích và cơ hội của mình.
Trước đây, có một ông chủ rất thích tôi, đưa tôi đi dự nhiều hội nghị, gặp gỡ các tên tuổi lớn trong ngành, họp báo, hợp tác với người nổi tiếng, đưa tôi ra nước ngoài giao lưu. Nhưng tôi chưa bao giờ nói cảm ơn một lần dù đây là điều ai cũng nên làm. Kết quả là khi nghỉ việc, ông chủ nói với tôi rằng tôi là người lạnh lùng nhất mà ông ấy từng gặp. Lúc tôi nhận ra thì đã muộn mất rồi.
Trên thực tế, những người thực sự thành công ở nơi làm việc đều là những người luôn biết thể hiện sự biết ơn của mình đối với người khác. Và họ trả ơn bằng việc tận tụy với công việc. Điều cuối cùng tôi muốn nói với bạn là, nếu người khác không biết biết ơn và bạn làm được điều đó thì bạn luôn là người nổi bật.
(Theo Zhihu)