Bốn điểm nhấn của cộng đồng tiền số 2023

Thị trường tiền số năm nay vẫn bị ảnh hưởng bởi “mùa đông Bitcoin” cùng hàng loạt thông tin liên quan đến bắt giữ, xét xử, kiện tụng.

Sam Bankman-Fried hầu tòa, Do Kwon và Su Zhu bị bắt

Cuối 2022, sàn giao dịch tiền số lớn thứ ba thế giới FTX sụp đổ, khiến người dùng thiệt hại hàng tỷ USD. Nhà đồng sáng lập Sam Bankman-Fried trải qua phiên tòa đầu tiên vào tháng 1, nhưng không nhận tội. Đến phiên xét xử tháng 10, Bankman-Fried bị bồi thẩm đoàn tuyên án với cả bảy tội danh liên quan đến lừa đảo người dùng. Người này hiện đối mặt với án tù lên đến 115 năm và còn hạn đến 28/3 năm sau để kháng cáo.

Phác thảo Sam Bankman-Fried ngồi cùng luật sư của mình tại phiên điều trần ở New York. Ảnh: Reuters

Phác thảo Sam Bankman-Fried ngồi cùng luật sư của mình tại phiên điều trần ở New York. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, vào tháng 3, Do Kwon, nhà sáng lập Terraform Labs cũng bị bắt tại Montenegro sau nửa năm chạy trốn. CEO người Hàn Quốc được cho là phải chịu trách nhiệm trong vụ khủng hoảng Luna năm ngoái, khiến dự án tiền số với vốn hóa hơn 40 tỷ USD sụp đổ chỉ trong hai tuần. Cointelegraph đánh giá đây là biến cố gây tổn thất lớn nhất lịch sử ngành blockchain, khởi đầu chuỗi phá sản liên hoàn của nhiều công ty tiền số lớn. Kwon vẫn bị giam giữ và có thể sẽ được dẫn độ tới Hàn Quốc hoặc Mỹ để xét xử.

Đến tháng 9, Zhu Su, nhà đồng sáng lập quỹ Three Arrows Capital (3AC), bị bắt tại Singapore. Su cùng đồng nghiệp từng quản lý lượng tiền số giá trị gần 10 tỷ USD, nhưng bỏ trốn sau khi mắc sai lầm khiến công ty phá sản. Vụ bắt giữ đánh dấu việc những người chủ chốt đứng sau loạt khủng hoảng tiền số trong hai năm qua đều đã sa lưới pháp luật.

Binance khủng hoảng, CEO từ chức

Năm nay, sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới Binance liên tiếp gặp rắc rối về mặt pháp lý tại nhiều quốc gia. Từ tháng 3, CFTC kiện Binance và Changpeng Zhao (CZ) với lý do thiếu tuân thủ luật pháp, tiếp tay cho hành vi rửa tiền. Đến tháng 6, Mỹ và Pháp kiện sàn này vì thao túng giá tiền số.

Công ty của tỷ phú CZ phải rút khỏi thị trường Canada và Hà Lan, trong khi chi nhánh ở Anh và Đức cũng không được cấp phép hoạt động. Ở châu Á, sàn bị chặn ở Philippines và gặp khó khăn khi muốn cung cấp dịch vụ tại Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan.

Nhà sáng lập Binance CZ tại một sự kiện ở Paris tháng 6/2022. Ảnh: Reuters

Nhà sáng lập Binance CZ tại một sự kiện ở Paris tháng 6/2022. Ảnh: Reuters

Theo thống kê của CCData, thị phần của sàn liên tục giảm từ 55% vào tháng 1 xuống còn 30,1% tháng 12. Trong 9 tháng đầu năm, khối lượng giao dịch xử lý qua Binance giảm đến 70%, từ 474 tỷ xuống 114 tỷ USD. Các đối tác tài chính lớn như Visa và Mastercard cũng tuyên bố dừng cộng tác với Binance. BUSD, đồng stablecoin lớn thứ hai thị trường do Binance hậu thuẫn, bị chính phủ Mỹ buộc dừng phát hành và phải hủy niêm yết từ đầu năm.

Cuối tháng 11, CZ bất ngờ nhận tội tại tòa án Seattle (Mỹ) vì vi phạm quy định chống rửa tiền và tuyên bố rời ghế CEO. Theo Cointelegraph, đây là tổn thất nặng nề của Binance vì hình ảnh vị tỷ phú này đã gắn liền với sàn từ khi thành lập năm 2018. Hiện Binance đối mặt mức phạt kỷ lục 4,3 tỷ USD. Cá nhân CZ chịu phạt dân sự 150 triệu USD, cấm giữ vị trí lãnh đạo công ty trong ba năm và cấm rời khỏi Mỹ cho đến khi tòa tuyên án vào tháng 2 năm sau.

Thiệt hại từ các vụ hack giảm 50%

Các cuộc tấn công vào mạng blockchain liên tục xảy ra trong năm với số lượng khoảng 160 vụ. Tuy nhiên, thiệt hại tài sản giảm 50% so với năm ngoái. Tính đến tháng 11, tội phạm tiền số đã đánh cắp 1,7 tỷ USD, trong khi năm 2022 là khoảng 4 tỷ USD. Theo các chuyên gia, ba nguyên nhân chính cho sự thay đổi này là các biện pháp an ninh được cải thiện; thông tin, cảnh báo được chia sẻ nhiều hơn; và sự vào cuộc của luật pháp.

Thống kê về thiệt hại của các vụ tấn công vào thị trường tiền số năm 2023 so với 2022. Nguồn: TRM

Thống kê về thiệt hại của các vụ tấn công vào thị trường tiền số năm 2023 so với 2022. Nguồn: TRM

10 vụ hack lớn nhất chiếm 70% tổng thiệt hại trong năm, cho thấy tin tặc đang nhắm vào các dự án quy mô lớn. Các nền tảng như Euler Finance, Multichain, Mixin Network và Poloniex đều bị tấn công với thiệt hại trên 100 triệu USD.

Các vụ hack cũng diễn ra tinh vi hơn. Trong đó, sự cố mạng blokchain Kyber của Việt Nam, với số tiền bị đánh cắp 47 triệu USD cuối tháng 11, được giới chuyên gia nhận định là “cuộc tấn công phức tạp nhất trong lịch sử DeFi. Trong khi đó, những hợp đồng thông minh độc hại như MS Drainer được quảng cáo tràn lan trên Google hay mạng xã hội X, lấy đi 59 triệu USD từ 63.000 người chơi tiền số.

Bitcoin vượt mốc 40.000 USD

Thông tin ảm đạm phủ bóng cộng đồng tiền số suốt ba quý đầu tiên của 2023. Tuy nhiên, tháng cuối năm chứng kiến sự khởi sắc khi Bitcoin vượt mốc 40.000 USD, mức cao nhất kể từ tháng 4/2022. Hàng loạt tiền số khác cũng đồng loạt đi lên, như Solana tăng từ 84 lên 110 USD, lập kỷ lục giá trong 20 tháng.

Minh họa giá Bitcoin đạt 40.000 USD. Ảnh: Cointelegraph

Minh họa giá Bitcoin đạt 40.000 USD. Ảnh: Cointelegraph

Theo Cointelegraph, tâm lý hưng phấn của người chơi Bitcoin tăng mạnh sau khi có thông tin quỹ giao dịch trao đổi Bitcoin giao ngay (ETF) của BlackRock có thể được Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) chấp nhận. Trong khi đó, kịch bản Bitcoin tiếp tục tăng giá được chờ đón khi sự kiện Halving thứ tư dự kiến diễn ra vào tháng 5/2024. Halving là sự kiện xảy ra bốn năm một lần, khi phần thưởng cho việc khai thác một khối (block) Bitcoin giảm một nửa. Lần Halving đầu tiên là vào năm 2012. Theo nhà phân tích Josh Siegler của Cantor Fitzgerald, điều này giúp hạn chế nguồn cung Bitcoin, kích thích một đợt tăng giá mới, do đó khó khăn năm nay của Bitcoin chỉ là ngắn hạn.

Hoàng Giang – Khương Nha

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin