Giá tiền số liên tục thủng đáy, việc sa thải rộng khắp cho thấy cơn sốt tiền số đang kết thúc, nhưng nhiều người vẫn chờ đón đợt hồi sinh tiếp theo.
Theo WSJ, một phần của ngành công nghiệp tiền điện tử được xây dựng dựa trên sự sôi nổi, nhiệt tình và lạc quan của thị trường. Cộng đồng ủng hộ Bitcoin từng nói với những người hoài nghi: “Hãy vui vẻ ở lại với cái nghèo. Người không mua tiền số đang để tương lai trôi qua”.
Giờ đây, khi thị trường trượt dốc, lạm phát ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, tiền điện tử trở thành một trong những tài sản đầu tiên bị bán tháo. So với tháng 11/2021, khoảng hai nghìn tỷ USD giá trị của tiền số đã bốc hơi. Ngày 19/6, giá BTC có lúc rơi xuống 18.000 USD, giảm 69% so với mức đỉnh 68.000 USD vào cuối năm ngoái. Đồng tiền số có vốn hóa lớn thứ hai trên thị trường là Ethereum cũng giảm 68% giá trị.
Thị trường sụp đổ
Theo các nhà phân tích, thị trường tiền số đang có chung đặc điểm với bong bóng dot-com. Nó được khơi mào bởi những kẻ đầu cơ và không tôn trọng quy luật rủi ro.
Các sàn giao dịch tiền điện tử đang mất dần người dùng. Nhiều công ty startup sa thải công nhân và dự tính tái cơ cấu. Thế giới tiền số không còn xa lạ với cái gọi là “mùa đông”, nhưng nhiều nhà đầu tư nhận thấy sự sụp đổ lần này đến quá nhanh và có ảnh hưởng sâu hơn.
“Không cần bàn cãi, đây đúng là một thảm họa. Thật tồi tệ. Nhưng cùng với đó, cơ hội cũng xuất hiện”, Changpeng Zhao (CZ), CEO Binance, nói với Fortune và dự báo “mùa đông” thậm chí có thể kéo dài tới bốn năm.
Khi “mùa đông” qua đi, nhiều sản phẩm, nhiều công ty tiền điện tử có thể biến mất. “Giống chứng khoán, người đầu tư tiền số đều là thiên tài khi thị trường sôi động. Giờ mọi thứ đang trên đà sụt giảm, các công ty không thể trụ vững bằng tiền của mình sẽ dễ dàng biến mất”, Mark Cuban, người trở thành tỷ phú trong thời kỳ bùng nổ dot-com và là nhân vật có tiếng trong thị trường tiền số, nhận định.
Vì lo sợ lạm phát, nhiều người đang bán tháo các khoản đầu tư. Cổ phiếu của các công ty tiền số cũng mất phân nửa giá trị so với đầu năm. “Sự kiêu hãnh của thị trường tiền số dẫn đến lòng tham của nhiều người. Những mô hình kinh doanh không bền vững và nhiều đòn bẩy sẽ khiến lượng lớn các quỹ tiền điện tử không thể tồn tại lâu dài”, Alex Thorn, đại diện công ty dịch vụ tài chính chuyên về tiền số Galaxy Digital Holdings Ltd, nói.
Sự sụp đổ còn lan sang các công ty cung cấp dịch vụ trên thị trường. Doanh thu của nhiều sàn giao dịch tiền số liên tục giảm. Tháng 5, Coinbase – sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất nước Mỹ – báo cáo khoản lỗ 429,7 triệu USD và cho biết người dùng đang “trốn” khỏi nền tảng, một số giám đốc điều hành của sàn cũng tranh thủ bán tháo cổ phiếu. Đến tháng 6, lần đầu tiên sau 10 năm thành lập, Coinbase sa thải 1/5 nhân sự. Cổ phiếu công ty hiện còn 51 USD, trong khi vào tháng 4/2021, mỗi cổ phiếu lên đến 429,54 USD. Nhiều sàn giao dịch khác như Gemini, BlockFi và Crypto.com cũng thông báo cắt giảm 20% nhân sự.
Một tháng trước đó, thị trường còn chứng kiến sự sụp đổ của đồng stablecoin terraUSD. Chỉ sau một đêm, 40 tỷ USD vốn hóa của Luna và UST đã biến mất. Mới đây, dịch vụ cho vay tiền điện tử lớn là Celsius Network với tổng trị giá 12 tỷ USD cũng thông báo đóng băng các lệnh rút tiền. Một công ty cho vay khác là Babel Finance hôm 17/6 cũng dừng việc rút và giao dịch của người dùng.
Nhiều người vẫn tin vào Bitcoin
Dù thua lỗ, một số người vẫn lạc quan. Marshall Johnson Jr. – nhà sản xuất truyền hình 54 tuổi ở Maryland – bắt đầu mua Bitcoin năm 2021, khi giá tiền số này ở mức 38.000 USD. Khi đó, kế hoạch của ông là mua một BTC và vẫn tiếp tục giữ niềm tin của mình, bất chấp thị trường có đi xuống. “Với giá hiện tại, tôi thậm chí có thể sớm đạt được mục tiêu sở hữu một BTC”, Johnson Jr. nói.
CJ Wilson, một vận động viên bóng chày, lần đầu nghe nói về Bitcoin vào năm 2012. Khi đó ông vẫn hoài nghi tiền số. Đến năm 2019, khi đã nghỉ hưu, ông bắt đầu đọc sách trắng Bitcoin của Satoshi Nakamoto và đầu tư vào đồng này. Tuy nhiên từ cuối năm ngoái, Wilson đã nhận thấy một số dấu hiệu của “mùa đông băng giá”.
Từ đầu năm, ông bắt đầu giao dịch nhiều hơn là nắm giữ dài hạn. Dù tin tưởng vào Bitcoin, ông cho rằng sự bùng nổ của thế giới tiền điện tử sớm muộn gì cũng dẫn đến hồi kết tương tự bong bóng dot-com những năm 1990.
Các nhà đầu tư cho rằng bong bóng dot-com khiến hàng trăm công ty Internet bị thất bại, nhưng công nghệ sẽ luôn là tương lai. “Về lâu dài, chúng tôi vẫn đặt niềm tin lớn vào tiền điện tử. Còn trong ngắn hạn, hãy coi chừng”, Kelly Miller, nhạc sĩ 35 tuổi ở San Francisco, nói.
Miller cho biết từng kiếm được nhiều tiền từ meme coin trước khi thị trường lao dốc. Sau đó, ông đầu tư vào những đồng tiền số lớn như Bitcoin, Ethereum và Solana. Giờ đây, các danh mục đầu tư của Miler bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thị trường biến động. Ông nói: “Không gian tiền số cần được quản lý và an toàn hơn cho người dùng. Tôi tin vẫn còn nhiều giá trị trong công nghệ, đặc biệt NFT nhưng ‘mùa đông tiền số’ sẽ làm xói mòn niềm tin của cộng đồng vào tiền mã hóa”.
Bất chấp Bitcoin lao dốc, không ít người cho rằng tiệc tàn rồi sẽ có bữa tiệc tiếp theo, về lâu dài tiền số vẫn trở nên phổ biến và được công nhận rộng rãi.
Khương Nha (theo WSJ)