TTO – Hơn 3 tỉ USD đã được rót vào các hoạt động chuyển nhượng mua bán, sáp nhập (M&A) tại VN chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016 ở hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế.
Thương vụ Fossil mua Misfit được xem là trường hợp tiêu biểu của doanh nghiệp start-up trong lĩnh vực mua bán – sáp nhập. Trong ảnh: gian hàng của Fossil tại một hội chợ ở Las Vegas, Hoa Kỳ – Ảnh: LEO |
Nhiều công ty khởi nghiệp VN đã được tiếp thêm nguồn lực để phát triển.
Theo các chuyên gia, hoạt động M&A vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh tại thị trường VN trong thời gian tới gắn với xu thế hội nhập quốc tế, đặc biệt là sự bùng nổ của phong trào khởi nghiệp.
Tăng hơn gấp đôi
Chưa năm nào khởi nghiệp và start-up được nhắc đến nhiều như hiện nay, chưa tính 8 tháng đầu năm 2016, riêng trong năm 2015 số lượng các doanh nghiệp start-up nhận vốn đầu tư từ hoạt động M&A đã tăng 2,4 lần, từ 28 doanh nghiệp năm 2014 lên đến 67 doanh nghiệp năm 2015.
Theo các chuyên gia, phong trào khởi nghiệp có thể làm bùng nổ thị trường M&A và đây là một trong những xu hướng mới.
TS Christopher Kummer – chủ tịch Viện mua lại, sáp nhập và liên kết IMAA (Thụy Sĩ) – cho biết dòng vốn từ thị trường M&A VN đổ mạnh vào doanh nghiệp khởi nghiệp là tín hiệu lạc quan cho cả bên bán và bên nhận nhượng quyền.
Theo thống kê của Topica Founder Institute (học viện nghiên cứu về M&A của Thụy Sĩ), gần nửa số vốn ban đầu cho các công ty khởi nghiệp VN đến từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong năm qua, có một số thương vụ mua lại như Vietnammm mua lại Foodpanda, Weeby.co mua lại Tappy… nhưng thương vụ ấn tượng tạo nhiều khích lệ cho cộng đồng start-up Việt là việc Tập đoàn Fossil bỏ ra tới 260 triệu USD mua lại Misfit – doanh nghiệp công nghệ thiên về thiết bị y tế đặt tại VN.
Cũng theo thống kê này, bốn lĩnh vực được nhận nguồn vốn mạnh từ M&A là thương mại điện tử, truyền thông, tài chính trên nền tảng công nghệ (fintech), giáo dục trên nền tảng công nghệ (edtech). Trong đó, gần nửa số đầu tư ban đầu cho các doanh nghiệp Việt đến từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo các chuyên gia, sau một thời gian tạm lắng, thị trường M&A đang đứng trước những cơ hội được mở ra từ chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do giữa VN với các đối tác lớn, cũng như việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Tuy nhiên, chính các doanh nghiệp khởi nghiệp mới là nguồn cảm hứng lớn nhất cho các nhà đầu tư bỏ tiền vào. Có không ít thương vụ mà doanh nghiệp khởi nghiệp tại VN khi vừa vào giai đoạn tăng trưởng đã được đầu tư trên 10 triệu USD như Foody nhận vốn từ Tiger Global Invesment, Cốc Cốc nhận 14 triệu USD từ Hubert Burda, Huy Vietnam nhận 15 triệu USD từ Templeton…
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Christopher Kummer cho rằng nhìn chung nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đóng góp vai trò quan trọng trong các thương vụ M&A quy mô lớn (từ 30-100 triệu USD), 60% thương vụ còn lại giữa các doanh nghiệp trong nước chủ yếu quy mô nhỏ và vừa quanh mức 5 triệu USD.
Theo ông John Ditty – phó giám đốc điều hành, trưởng bộ phận tư vấn mua bán doanh nghiệp của Công ty KPMG VN, thị trường M&A VN đã thay đổi nhiều từ quy mô của các giao dịch ở mức đơn giản và nhỏ bé đến độ phức tạp, mục tiêu thực hiện cũng rõ ràng hơn.
Rất nhiều thương vụ M&A diễn ra ở các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hay doanh nghiệp vừa đã trở thành kênh huy động vốn hữu hiệu cũng như tái cấu trúc doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có không ít thương vụ quy mô nhỏ diễn ra ở VN hiện nay rất “ngẫu hứng”, hai ông chủ ngồi bàn thảo, tự làm việc với nhau rồi chốt giá và ra về, dẫn đến một loạt vấn đề nảy sinh sau đó, bởi M&A thực tế rất phức tạp.
Chủ động để cùng phát triển
Theo dõi những thương vụ M&A đình đám trong thị trường bán lẻ thời gian qua, bà Đinh Thị Mỹ Loan, chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ VN, cho rằng sự non trẻ của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước buộc họ xác định phải học hỏi cách quản trị của nước ngoài thông qua hình thức M&A.
Chẳng hạn như nhà bán lẻ điện máy Nguyễn Kim, không có thương vụ M&A với Central Group của Thái Lan, họ vẫn có thể phát triển nhưng sẽ khó vững mạnh như hiện nay. Hay Aeon mua 30% cổ phần của Fivimart, hiện nay cả hai bên đều hài lòng vì hài hòa được yếu tố tài chính, thương hiệu quản trị. Sau một số thương vụ, thương hiệu doanh nghiệp Việt cũng được nâng lên.
M&A tại VN dự kiến còn tăng trong thời gian tới và có thể sẽ có nhiều bất ngờ, nhất là khi Nhà nước đã xác định thoái vốn tại nhiều “ông lớn” doanh nghiệp nhà nước. Riêng lĩnh vực phân phối bán lẻ và hàng tiêu dùng nhanh hiện đang đi đầu trong các thương vụ trong năm qua khi chiếm tới 38,46% tổng giá trị thị trường.
Trong đó, quy mô một thương vụ M&A của nhà đầu tư Thái Lan mua lại Big C VN với giá 1,14 tỉ USD đã chiếm 24,8% tổng giá trị M&A trong năm 2015 và nửa đầu năm 2016. Theo bà Loan, dư địa tăng trưởng của ngành bán lẻ VN còn quá lớn khi tỉ lệ bán lẻ hiện đại của VN chưa tới 30% khiến lĩnh vực này luôn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông John Ditty cho biết tuy được coi là phát triển mạnh nhưng hoạt động M&A tại VN vẫn chủ yếu phụ thuộc các công ty nước ngoài tự tìm tới. Sự tham gia của các doanh nghiệp VN vẫn còn rất ít, đặc biệt doanh nghiệp Việt chưa có những thương vụ M&A tại nước ngoài.
Hiện nay VN đã tham gia các hiệp định thương mại tự do, hầu hết hàng hóa của VN sẽ bước ra thế giới và ngược lại với thuế suất bằng 0, nếu doanh nghiệp thực hiện các thương vụ M&A hoặc đầu tư ra nước ngoài sẽ tạo thêm cơ hội để tăng thêm giá trị thương hiệu, khả năng phát triển cho thương hiệu VN.
M&A ngân hàng tăng mạnh Ông Bùi Huy Thọ – vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước – cho biết kể từ khi có đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng năm 2012, trong 4 năm đầu chỉ có 6 thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng, nhưng từ năm 2015 đến nay đã có 9 thương vụ M&A. Đây là công cụ để Ngân hàng Nhà nước sắp xếp, tái cấu trúc thị trường rất hiệu quả; Ngân hàng Nhà nước sẽ có những hành động quyết liệt để các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia quá trình điều hành, quản trị sau các thương vụ chuyển nhượng. “Trong đó, ngoài ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn, Ngân hàng Nhà nước cũng xem xét tạo điều kiện cho các tổ chức nước ngoài tham gia quá trình sắp xếp lại các tổ chức tín dụng VN, đặc biệt tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua lại vốn góp các ngân hàng, thậm chí có thể mua 100% để chuyển đổi thành ngân hàng nước ngoài” – ông Thọ nói. |