(VNF) – Nếu như Haxaco thu lời đột biến trong quý III nhờ doanh số bán xe MG tăng mạnh, thì TMT Motor vẫn sa lầy và phải cắt lỗ vì xe điện giá rẻ Wuling của Trung Quốc.
Kinh doanh ô tô: Hồi phục nhẹ
Nhìn vào kết quả kinh doanh quý III/2024, nhiều doanh nghiệp phân phối, sản xuất ô tô trên sàn chứng khoán đã ghi nhận doanh thu và lợi nhuận phục hồi đáng kể so với mức nền thấp cùng kỳ năm 2023.
Công ty Cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HoSE: HAX), Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hơp Sài Gòn (HoSE: SVC), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: VEA) là các doanh nghiệp đạt được tăng trưởng trong cả doanh thu và lợi nhuận trong quý III.
VEA đem về doanh thu hơn 1.048 tỷ đồng từ bán hàng và cung cấp dịch vụ (tăng 18%), đồng thời thu lãi hơn 1.500 tỷ đồng từ các công ty liên doanh, liên kết (Ô tô Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam). Nguồn thu lớn này giúp doanh nghiệp báo lãi cao nhất trong số các đơn vị phân phối ô tô, đạt hơn 1.666 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ.
HAX với doanh thu thuần tăng 38%, biên lãi gộp cải thiện thêm 5,5 điểm phần trăm (11,34%) ghi nhận sức bật lợi nhuận lớn nhất trong quý III, đạt 90,3 tỷ đồng tương đương tăng gấp 10,8 lần cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của HAX trong suốt 10 quý qua.
Về SVC, doanh thu quý III đạt trên 6.700 tỷ đồng, mức cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp, tăng 35% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí đầu vào, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp neo cao, tăng mạnh khiến SVC chỉ đạt vỏn vẹn 25 tỷ đồng lãi sau thuế. Dù vậy, so với mức nền thấp cùng kỳ, lợi nhuận của SVC vẫn ghi nhận tăng gấp gần 3 lần cùng kỳ.
Công ty Cổ phần Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (HoSE: HTL), dù không tăng doanh thu, vẫn đạt lợi nhuận cao gấp 2,3 lần cùng kỳ, đạt hơn 6,3 tỷ đồng nhờ tối ưu hóa lợi nhuận trên mỗi xe bán ra, theo báo cáo của ban lãnh đạo.
Ba doanh nghiệp phân phối ô tô có lợi nhuận sụt giảm, thậm chí thua lỗ là Công ty Cổ phần City Auto (HoSE: CTF), Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HoSE: HHS) và Công ty Cổ phần Ô tô TMT (HoSE: TMT).
CTF, một trong những đơn vị phân phối xe Ford hàng đầu, đạt doanh thu hơn 2.076 tỷ đồng trong quý III, tăng 23% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do nguồn thu từ tài chính sụt giảm và chi phí bán hàng, quản lý tăng cao, lợi nhuận của CTF giảm 90% so với cùng kỳ, chỉ đạt 2,5 tỷ đồng.
HHS, chủ yếu phân phối xe tải, xe ben, xe đầu kéo, có doanh thu và lợi nhuận quý III giảm lần lượt 23,5% và 18,3%, đạt 124 tỷ đồng và 41,5 tỷ đồng. Mặc dù được hỗ trợ từ hoạt động bất động sản, lợi nhuận của HHS vẫn chịu ảnh hưởng do doanh số bán hàng giảm.
TMT là một trong số ít doanh nghiệp phân phối ô tô trên sàn báo lỗ hơn 92 tỷ đồng trong quý III, doanh thu giảm 21% so với cùng kỳ. Ngoài khó khăn chung của nền kinh tế, ban lãnh đạo TMT cho biết chi phí tài chính cao do duy trì hàng tồn kho lớn trong thời gian dài đã làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh.
Phập phù vì xe bình dân Trung Quốc
Dễ dàng nhận thấy trong bức tranh chung của các doanh nghiệp phân phối ô tô trên sàn chứng khoán, HAX và TMT là điển hình đối nghịch khi phân phối xe bình dân Trung Quốc.
Nhờ chuyển dịch kịp thời sang dòng xe phổ thông giá rẻ MG, HAX đã đem về khoản lợi nhuận đột biến trong quý III. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng nhận định về sự hoạt động hiệu quả của hệ thống phân phối xe MG trên toàn quốc, góp phần giúp HAX tăng trưởng nhanh và mạnh vê doanh số bán xe.
Trước khi bén duyên với MG, HAX được biết đến là nhà phân phối lớn nhất của dòng xe hạng sang Mercedes-Benz tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm trở lại đây, với sự khó khăn của nền kinh tế, dòng xe sang không đem lại cho HAX sự tăng trưởng trong doanh thu và lợi nhuận. Xe sang cũng không còn là lựa chọn ưu tiên khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu sau Covid-19.
Ở trường hợp ngược lại, TMT lại “sa lầy” với dòng xe điện giá rẻ Wuling từ Trung Quốc . Ban lãnh đạo TMT từng đặt kỳ vọng lớn vào mẫu xe điện Wuling Hongguang MiniEV, khi mà doanh nghiêp đã ký hợp đồng độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối mẫu xe này tại thị trường Việt Nam, đồng thời phải chi một khoản phí lớn để có được phí bản quyền.
Tuy nhiên, tình hình thực tế lại không đi theo kỳ vọng của ban lãnh đạo TMT. Số lượng xe điện Wuling HongGuang MiniEV bán ra thị trường năm 2023 chỉ đạt 11% kỳ vọng đặt ra. Dù đã hạ kỳ vọng xuống mức thấp hơn trong năm 2024, doanh nghiệp vẫn báo lỗ liên tục trong 2 quý vừa qua.
Mới đây, ban lãnh đạo TMT cho biết đã quyết định bán hàng cắt lỗ để chuẩn bị cho chu kỳ kinh doanh mới, đồng thời triển khai tái cấu trúc lại toàn bộ doanh nghiệp, bao gồm tái cấu trúc lại nhà cung cấp, và tái cấu trúc toàn bộ hoạt sản xuất kinh doanh.