Ngày 11/8, Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ 1,9% và sang ngày 12/8 tiếp tục phá giá thêm 1,6%. Xen giữa 2 lần điều chỉnh của Trung Quốc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định nâng biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2%.
Đánh giá về vấn đề này, Công ty chứng khoán HSC cho rằng, với việc phá giá đồng nhân dân tệ 3,54% chỉ trong 2 ngày, Trung Quốc đã khiến một loạt các đồng tiền khác trong khu vực giảm giá theo nhằm duy trì sự cạnh tranh.
HSC ước tính nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc có thể tăng thêm 0,6-0,8% nếu đồng Nhân dân tệ giảm giá 1% so với đồng VND. Như vậy, với việc đồng Nhân dân tệ giảm giá 2,5% so với đồng VND thì sức cạnh tranh của Việt Nam (so với Trung Quốc) bị giảm khá nhiều.
Nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ, HSC cho rằng có khả năng Việt Nam phải tiếp tục điều chỉnh tỷ giá. HSC từng đưa ra nhận định, chiến tranh tiền tệ là rủi ro bên ngoài lớn nhất của thị trường chứng khoán và tình hình vĩ mô trong năm 2015, và hoàn toàn có khả năng nhiều Ngân hàng Trung ương trong khu vực sẽ có những động thái đáp trả trước động thái phá giá của Trung Quốc.
Công ty chứng khoán MB (MBS) cho rằng, việc Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ nhằm 2 mục đích chính.
Thứ nhất, nhằm hỗ trợ khu vực xuất khẩu đang có dấu hiệu suy yếu khi hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ trở nên rẻ đi tương đối so với hàng hóa của các quốc gia khác.
Thứ hai, nhằm giảm áp lực suy giảm trong tương lai của đồng nhân dân tệ khi dự trữ ngoại hối có khả năng suy giảm, tránh các biến động sốc gây hại cho nền kinh tế.
MBS cho rằng, việc Trung Quốc phá giá mạnh đồng nhân dân tệ sẽ tác động tương đối lớn đến quan hệ xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong đó rủi ro nhập siêu có thể tăng mạnh hơn và ngược lại xuất khẩu gặp khó khăn. Trong những năm qua, Việt Nam đang phải nhập siêu với giá trị và tỷ trọng ngày càng tăng mạnh từ Trung Quốc.
Phân tích tác động tới thị trường chứng khoán Việt Nam, MBS cho rằng, rủi ro tỷ giá đối với nhà đầu tư nước ngoài đang tăng và dòng vốn vào thị trường sẽ bị tác động trực tiếp. Mặc dù vậy, mức tác động tiêu cực có thể sẽ không lớn do mức độ biến động tỷ giá không cao.
Theo MBS, nhóm ngành gặp bất lợi là nhóm sản phẩm tiêu dùng, sắt thép, phân bón và nhóm nông lâm thủy sản, khoáng sản, cao su xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ngược lại, một số ngành gia công xuất khẩu có thể được hưởng lợi do giá nguyên vật liệu đầu vào giảm như dệt may, da giầy hoặc giá nhập giảm như kinh doanh xe tải.
Về động thái nới biên độ giao dịch tỷ giá VND/USD từ 1% lên 2%, công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, mặc dù đây không phải là động thái làm giảm giá đồng tiền trực tiếp, nhưng về bản chất có tác động tương tự khi tiền đồng đang giao dịch ở mức trần trong thời gian qua.
Ngân hàng Nhà nước về mặt kỹ thuật có thể tiếp tục cam kết giữ mức phá giá tiền Đồng tối đa 2% trong năm 2015 ở thời điểm hiện tại, nhưng cũng mở đường cho biến động tiền tệ lớn hơn nếu việc phá giá thông qua điều chỉnh tỷ giá bình quân là cần thiết.
Nói cách khác, VDSC cho rằng, đây là một động thái kéo dài thời gian và đợt phá giá đồng tiền tiếp theo sẽ có biên độ lớn hơn và không sớm thì muộn cũng sẽ diễn ra. Tuy nhiên, chứng khoán Rồng Việt cho rằng đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh tiền Đồng đang chịu áp lực trong những tuần vừa qua do thâm hụt cán cân thương mại và quyết định chuẩn bị nâng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).