Chi nhánh ở Moscow của một ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã chứng kiến lượng yêu cầu tăng vọt từ các công ty Nga muốn mở tài khoản mới khi các doanh nghiệp nước này phải vật lộn với các lệnh trừng phạt quốc tế sau khi Nga thực hiện “Chiến dịch đặc biệt” ở Ukraine.
“Trong vài ngày qua, 200-300 công ty đã tiếp cận chúng tôi, muốn mở tài khoản mới”, một thành viên tại chi nhánh ở Moscow của một ngân hàng nhà nước Trung Quốc và có thông tin trực tiếp về hoạt động của ngân hàng này nói với phóng viên Reuters. Tuy nhiên, nhân viên này từ chối nêu tên bản thân cũng như ngân hàng đó.
Không rõ nhu cầu của người Nga về tài khoản mới tại các ngân hàng Trung Quốc phổ biến như thế nào, nhưng nguồn tin từ ngân hàng cho biết nhiều công ty đang tìm kiếm tài khoản mới để kinh doanh với Trung Quốc, và nhân viên trên kỳ vọng giao dịch bằng đồng nhân dân tệ của các công ty đó sẽ tăng lên.
Các chính phủ phương Tây đang đẩy nền kinh tế Nga ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, thúc đẩy các công ty quốc tế ngừng bán hàng, cắt đứt quan hệ và bán phá giá các khoản đầu tư trị giá hàng chục tỷ đô la ở thị trường Nga. Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định sẽ duy trì trao đổi kinh tế và thương mại bình thường với Nga.
Một số ngân hàng nhà nước của Trung Quốc hoạt động tại Moscow, bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc (Industrial & Commercial Bank of China), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (Agricultural Bank of China), Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (China Construction Bank).
Về thông tin trên, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc từ chối bình luận, còn 3 ngân hàng nhà nước khác của Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Một doanh nhân Trung Quốc có quan hệ lâu dài với Nga, người cũng không muốn được tiết lộ danh tính, cho biết một số công ty Nga mà ông làm việc hiện đang có kế hoạch mở tài khoản bằng đồng nhân dân tệ.
“Đó là logic khá đơn giản. Nếu bạn không thể sử dụng đô la Mỹ hoặc euro, đồng thời Mỹ và châu Âu ngừng bán nhiều sản phẩm cho bạn, bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang Trung Quốc. Xu hướng này là không thể tránh khỏi”, nguồn tin trên cho biết.
Khi ngày càng có nhiều công ty phương Tây từ bỏ Nga, sự sẵn sàng của những gã khổng lồ ở thị trường mới nổi như Trung Quốc để duy trì quan hệ kinh doanh với Moscow càng cho thấy mức độ của cuộc khủng hoảng lớn nhất châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Tập đoàn vận tải FESCO, một công ty vận tải và hậu cần lớn của Nga, trong tuần này cho biết họ sẽ chấp nhận việc khách hàng thanh toán bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, sau khi một số ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống nhắn tin tài chính toàn cầu SWIFT.
Shen Muhui, người đứng đầu cơ quan thương mại thúc đẩy liên kết giữa Nga và Trung Quốc, cho biết: “Việc các công ty Nga sẵn sàng chấp nhận đồng nhân dân tệ là điều tự nhiên”.
Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu nhỏ của Trung Quốc đang phải hứng chịu tình trạng đồng rúp mất giá và nhiều nhà xuất khẩu đang tạm ngừng giao hàng để tránh thiệt hại tiềm ẩn.
Đồng tiền của Nga đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, hơn 17 rúp đổi một nhân dân tệ vào thứ Tư (2/3) (0,0550679 CNY/1RUB), tương đương rúp mất gần 40% giá trị so với nhân dân tệ trong tuần này.
Rúp mất giá mạnh so với nhân dân tệ.
Konstantin Popov, một doanh nhân Nga ở Thượng Hải cho biết: “Các công ty sẽ chuyển sang kinh doanh bằng đồng nhân dân tệ nhưng trong mọi trường hợp, mọi thứ sẽ trở nên đắt hơn gấp hai, ba hoặc bốn lần đối với người Nga vì tỷ giá hối đoái giữa đồng nhân dân tệ và đồng rúp cũng đang thay đổi”.
Bản thân các ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc cũng đang gấp rút thực hiện các giải pháp để họ có thể duy trì quan hệ kinh doanh với các khách hàng Nga lúc này. Theo đó, một số ngân hàng Trung Quốc tuần này đã ngừng phát hành thư tín dụng bằng đô la để mua hàng hóa vật chất, mặc dù một số chủ ngân hàng nước này cho biết chưa thấy bất kỳ tác động nào đến các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ giữa Trung Quốc và Nga.
Ngoài ra, các giám đốc điều hành tại một số ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc đang tìm hiểu các hệ thống thanh toán thay thế cũng như khả năng chuyển giao một số hoạt động kinh doanh của họ cho các công ty nhỏ vốn chỉ tập trung vào thị trường trong nước mà ít có sự hiện diện ở nước ngoài để tránh vướng vào các lệnh trừng phạt thứ cấp.
Ông Shen Muhui cho biết nhu cầu của Nga đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ vẫn tăng trong dài hạn, và “Chìa khóa là giải quyết các vấn đề giải quyết thương mại” khi đối mặt với các lệnh trừng phạt.
Ngày 26/2, EU, Mỹ, Vương quốc Anh và Canada đã quyết định chặn một số ngân hàng nhất định của Nga khỏi SWIFT. Mới đây nhất, EU ngày 2/3 đã loại 7 ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Các ngân hàng lớn của Nga đã hội nhập sâu rộng vào hệ thống tài chính toàn cầu, đồng nghĩa là bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với các tổ chức tài chính lớn nhất có thể dẫn tới tác động vượt khỏi biên giới nước này.
Dựa trên số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, các ngân hàng của Italy và Pháp đều có khoản nợ chưa thu trị giá khoảng 25 tỷ USD đối với Nga trong quý 3/2021. Đối với các ngân hàng Áo, con số này là khoảng 17,5 tỷ USD, cao hơn mức 14,7 tỷ USD của Mỹ.
Tham khảo: Reuters