Cuộc cạnh tranh hút khách VIP được các chuyên gia và người trong ngành dự báo sẽ còn mạnh hơn nữa trong thời gian tới…
Phân khúc khách hàng ưu tiên (khách VIP) ở các ngân hàng ngày càng được chú trọng và quảng bá mạnh mẽ. Điều này cũng dễ hiểu vì đóng góp của các khách VIP vào doanh thu của các ngân hàng, ít thì 10 – 30%, nhiều có nơi lên đến 60 – 70%. Công cuộc cạnh tranh hút khách VIP được các chuyên gia và người trong ngành dự báo sẽ còn mạnh hơn nữa trong thời gian tới, với sự vào cuộc đồng loạt của không chỉ các ngân hàng lớn, ngân hàng có tiềm lực mà ở cả các ngân hàng nhỏ và khối nước ngoài.
Hiện nay, khách VIP ở mỗi ngân hàng được định danh khác nhau, nhưng hầu hết là dựa vào tiền gửi tiết kiệm hoặc tổng tài sản mà ngân hàng đó quản lý, hiện phổ biến là tiền gửi 1 tỷ đồng trở lên, có một số ít ngân hàng yêu cầu 2 tỷ đồng, hoặc tổng tài sản quản lý khoảng 3 tỷ trở lên (gồm tiền gửi, vay, thẻ…). MB đang là ngân hàng phục vụ nhóm khách hàng được định danh VIP nhất, gọi là MB Private, với tổng tài sản quản lý 1 triệu USD trở lên, tương đương hơn 23 tỷ đồng.
Một trong những cách thu hút và giữ chân khách VIP đang được các ngân hàng triển khai đó là mở phòng chờ khách VIP ở sân bay. VPBank là ngân hàng đầu tiên đưa mô hình này vào hoạt động, phục vụ cho các khách hàng cao cấp và đối tác có các chuyến bay quốc nội ở sân bay Nội Bài. Qua gần 2 năm chính thức hoạt động, VPBank cho biết đã nhận được sự phản hồi hết sức tích cực từ khách hàng. Không chỉ vậy, lượng khách hàng VIP mới của ngân hàng cũng tăng với tốc độ cao ngoài dự kiến.
Sau VPBank đến lượt Vietcombank. Từ tháng 5 năm 2020, ngân hàng kinh doanh tốt nhất hệ thống đã triển khai phòng chờ sân bay cao cấp dành riêng cho khách hàng VIP tại Tầng 3 Khu vực cách ly Khu D ở Nhà ga T1 Sân bay quốc tế Nội Bài, gần với khu vực của VPBank.
Mới đây nhất, ngày 7/01 vừa qua, ngân hàng SHB cũng đưa vào hoạt động phòng chờ sân bay First Club tại Nội Bài. Theo giới thiệu của ngân hàng này, đó là phòng chờ 5 sao, được thiết kế nội thất với điểm xuyết vàng 24K và nhiều tiện ích vượt trội. Đặc biệt tại sân bay Nội Bài, đây là phòng chờ đầu tiên có President Suite, trang bị những tiện nghi và dịch vụ đẳng cấp bậc nhất, là phòng chờ đầu tiên có phòng hút Cigar riêng tư, khu massage thư giãn giữa vườn cây trong lành, khu làm việc biệt lập; phòng chờ đầu tiên ngoài hãng hàng không có tầm nhìn ra đường băng…
Ở các ngân hàng khác mặc dù có mảng khách VIP phát triển từ sớm nhưng đến nay vẫn chưa hoặc không có ý định mở phòng chờ tại sân bay. Theo lý giải của các ngân hàng này, thì họ muốn tập trung vào trải nghiệm nhiều hơn của khách hàng ở các sản phẩm và dịch vụ, chứ không đơn thuần chỉ là sân bay. Thậm chí lãnh đạo của một nhà băng còn nói rằng, “những khách VIP thường không có nhiều thời gian để ngồi chờ ở sân bay như khách hàng thông thường, họ phải đến giờ bay mới ra sân bay, nên chúng tôi thấy không hiệu quả khi đầu tư phòng chờ riêng”. Nhưng cũng có ngân hàng lại phục vụ theo cách khác. Chẳng hạn MB mở riêng cho khách hàng VIP một thẻ tín dụng, trong thẻ đó tích hợp quyền lợi các khách hàng Priority được sử dụng miễn phí bất cứ phòng chờ VIP nào ở 6 sân bay nội địa và một số quyền lợi miễn phí ở sân bay quốc tế.
Theo nhận xét của các chuyên gia, việc xây dựng phòng chờ riêng ở sân bay cho khách hàng VIP không chỉ đơn thuần hướng tới phục vụ khách hàng cao cấp và các đối tác, mà điều xa hơn và quan trọng hơn nữa các ngân hàng đang nhắm tới ấy là xây dựng và quảng bá thương hiệu rộng hơn bởi sân bay là điểm traffic rất cao, sẽ thu hút được sự chú ý của không chỉ những khách hàng VIP hiện hữu mà còn rất tiềm năng ở cả trong nước lẫn quốc tế.