Hầu hết các quỹ đầu tư lớn tại thị trường Việt Nam đều có hiệu suất đầu tư âm trong tháng 5, thậm chí nhiều cái tên còn có hiệu suất thua xa so với các chỉ số quan trọng như VN-Index hay VN30.
Thị trường chứng khoán đã khép lại tháng “Sell in May” với khoảng thời gian phục hồi tích cực trong nửa sau của tháng 5. VN-Index thậm chí có thời điểm đã mất gần 200 điểm trước khi đảo chiều trở lại vùng 1.300 qua đó kết thúc tháng 5 với mức giảm được thu hẹp còn 5,42%.
Trong bối cảnh đó, hầu hết các quỹ đầu tư lớn tại thị trường Việt Nam đều có hiệu suất âm trong tháng 5, thậm chí nhiều cái tên còn có hiệu suất thua xa so với các chỉ số quan trọng như VN-Index hay VN30.
SSIAM VNFinLead ETF là cái tên duy nhất có hiệu suất âm trên 10% trong tháng 5. Danh mục đầu tư của quỹ ETF này toàn bộ là cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Theo báo cáo chiến lược mới đây của VNDirect, các nhóm ngành trên đều nằm trong nhóm “đuối” nhất thị trường và giảm mạnh hơn nhiều so với VN-Index. Do đó, không bất ngờ khi hiệu suất tháng 5 của SSIAM VNFinLead ETF lại “đội sổ” trong số các quỹ đầu tư lớn.
Tương tự, các quỹ ETF tên tuổi trên thị trường như Fubon ETF, FTSE Vietnam ETF, V.N.M ETF hay DCVFM VN30 ETF cũng đều có hiệu suất âm và thua xa so với VN-Index. Nguyên nhân chủ yếu đến từ cơ cấu danh mục đa phần là các Bluechips còn room ngoại như VIC, VHM, VRE, VNM, NVL, MSN,… trong khi các cổ phiếu này đều phải “đứng mũi chịu xào” trước áp lực bán mạnh trên thị trường thời gian qua.
Hầu hết các quỹ đầu tư lớn đều có hiệu suất âm trong tháng 5
Không chỉ ETF, các quỹ đầu tư chủ động lớn cũng gặp khó khăn bởi biến động không mấy thuận lợi của thị trường chung. Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) – quỹ tỷ USD lớn nhất do Dragon Capital quản lý là một điển hình khi có hiệu suất âm đến 8,75% trong tháng 5. Theo báo cáo cập nhật ngày 19/5, quỹ ngoại này đã nâng mức tiền mặt lên ngưỡng 8,71% (~184,6 triệu USD), cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Một quỹ chủ động khác cũng có hiệu suất âm và thua kém so với VN-Index là JPMorgan VOF (-6,14%).
Chiều ngược lại cũng có không ít quỹ đầu tư vẫn chiến thắng thị trường dù hiệu suất âm, tiêu biểu là DCVFM VNDiamond ETF – cái tên đang hút tiền rất mạnh thời gian gần đây. Riêng trong tháng 5, dòng tiền vào Diamond ETF đã lên đến hơn 3.000 tỷ nâng con số lũy kế từ đầu năm lên 4.700 tỷ đồng, dẫn đầu toàn thị trường. Sức hút của Diamond ETF chủ yếu đến từ danh mục chất lượng với các cổ phiếu hết room “hot” như FPT, MWG, PNJ, REE chiếm tỷ trọng lớn.
Các quỹ chủ động lớn như PYN Elite Fund (-1,59%), KIM Vietnam Korea (-3,35%) hay VOF VinaCapital (-4,38%),… cũng có hiệu suất không đến nỗi quá tệ. Ngoài ra, còn có Passion Investment “sống khỏe” qua 2 tháng giông bão liên tiếp nhờ ôm lượng lớn tiền mặt chưa giải ngân.
Tính từ đầu năm, hầu hết các quỹ đầu tư lớn đều đang có hiệu suất đầu tư âm, đặc biệt sau nhịp giảm sâu của thị trường từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5. Duy nhất DCVFM VNDiamond ETF đã “về bờ” thành công trong khi chỉ có 2 cái tên có hiệu suất âm dưới 10% là KIM Korea Vietnam và VOF VinaCapital. Các quỹ VEIL, PYN Elite Fund và DCVFM VN30 ETF khỏe hơn đôi chút so với VN-Index những cũng đều có hiệu suất âm trên dưới 13% từ đầu năm.
Chỉ duy nhất Diamond ETF “về bờ” thành công
Mặt khác, nhóm thua sâu so với thị trường gồm nhiều ETF như Fubon ETF, SSIAM VNFinLead ETF, FTSE Vietnam ETF hay V.N.M ETF đều có hiệu suất âm trên 15%. Đặc thù là quỹ đầu tư thụ động mô phỏng theo một chỉ số cụ thể khiến các ETF khó xoay sở trước các biến động của thị trường. Quỹ chủ động duy nhất có hiệu suất kém hơn so với VN-Index là JPMorgan VOF cũng lỗ hơn 18% từ đầu năm.
Việc các quỹ đầu tư lớn có hiệu suất âm trong giai đoạn sóng gió bủa vây thị trường là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nhiều quỹ ngoại chủ động lớn như Dragon Capital, PYN Elite Fun,… vẫn đánh giá cao thị trường chứng khoán Việt Nam nhờ vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo ở mức 20-25% trong năm 2022 sẽ là động lực thúc đẩy thị trường tăng trưởng trong trung và dài hạn.